Thêm 829 vùng trồng, 131 cơ sở đóng gói sầu riêng được phép xuất khẩu sang Trung Quốc Xây thương hiệu, mở thị trường cho sầu riêng Việt Tái cơ cấu để ngành sầu riêng không “nóng” rồi “nguội” |
![]() |
Vấn đề kiểm soát chất lượng vẫn là điều kiện tiên quyết nếu ngành sầu riêng muốn phát triển một cách bền vững và lâu dài. |
Tồn dư Cadimi đến từ đất và lạm dụng phân bón
Trước những lo ngại về tồn dư Cadimi và chất vàng O trong sầu riêng xuất khẩu, ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức điều tra, phân tích kỹ lưỡng tại các vùng trồng lớn ở Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Kết quả sơ bộ cho thấy, có hai nguyên nhân chính dẫn tới hàm lượng Cadimi vượt ngưỡng trong quả sầu riêng.
Thứ nhất là do đặc điểm thổ nhưỡng của một số vùng trồng có hàm lượng Cadimi tự nhiên cao hơn mức trung bình. Khi kết hợp với độ pH đất thấp, điều này khiến cây sầu riêng hấp thụ kim loại nặng dễ hơn do khả năng hấp thu dinh dưỡng lành mạnh bị hạn chế.
Thứ hai, ông Đạt cho biết nhiều vùng trồng mới, người dân còn thiếu kinh nghiệm, đã lạm dụng phân bón hóa học với liều lượng cao gấp nhiều lần mức khuyến cáo, vô tình gia tăng nguy cơ tồn dư Cadimi trong nông sản. Bộ NN-MT đã có khuyến cáo rõ ràng rằng tuyệt đối không được sử dụng các loại phân bón có chứa Cadimi.
Về cảnh báo tồn dư chất vàng O – một loại phẩm màu công nghiệp bị cấm trong thực phẩm – ông Đạt khẳng định, sau khi kiểm tra tại các vùng trồng nghi ngờ, không phát hiện trường hợp nào sử dụng chất này trong quy trình canh tác. Nếu có tồn dư, khả năng cao là xuất hiện ở các khâu trung gian, ngoài phạm vi quản lý của ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật.
“Tất cả hồ sơ điều tra đã được chúng tôi chuyển sang cơ quan chức năng để tiếp tục làm rõ, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm. Không thể để chỉ vì một lô hàng vi phạm mà đánh mất cả thị trường xuất khẩu,” ông Đạt nhấn mạnh.
Trung Quốc cấp thêm 829 mã vùng trồng: Cơ hội lớn nhưng không được chủ quan
![]() |
Ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-MT). |
Một tín hiệu tích cực được ông Huỳnh Tấn Đạt chia sẻ là việc Trung Quốc tiếp tục cấp thêm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho sầu riêng Việt Nam. Cụ thể, trong đợt xét duyệt ngày 21-5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt bổ sung 829 mã số vùng trồng và 131 cơ sở đóng gói, nâng tổng số mã lên 1.396 vùng trồng và 188 cơ sở đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch.
Theo ông Đạt, đây là bước tiến rất quan trọng, đặc biệt khi Tây Nguyên chuẩn bị bước vào chính vụ thu hoạch trong tháng 7. Việc mở rộng mã số sẽ giúp giảm áp lực tiêu thụ, hạn chế tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, và giảm thiểu các biến động về giá cả trong mùa cao điểm.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng việc được cấp mã số không đồng nghĩa với việc có thể chủ quan. “Mã số vùng trồng không chỉ là một giấy phép, mà là tài sản, là thương hiệu mà người sản xuất đã gây dựng bằng uy tín và chất lượng,” ông Đạt nhấn mạnh.
Ông cho rằng, nếu các địa phương, doanh nghiệp và nông dân tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật theo đúng Nghị định thư ký với Trung Quốc, thì Việt Nam có cơ hội được nước bạn giảm tần suất kiểm tra, thậm chí được ưu tiên thông quan theo cơ chế ‘luồng xanh’. Điều này sẽ góp phần đưa sầu riêng Việt Nam trở thành mặt hàng chiến lược, không chỉ giữ vững thị trường Trung Quốc mà còn mở rộng ra các thị trường quốc tế khác.
Từ những chia sẻ của ông Huỳnh Tấn Đạt, có thể thấy rõ rằng ngành sầu riêng Việt Nam đang có cơ hội lớn để vươn xa. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả thời cơ này, toàn ngành cần đồng lòng, siết chặt quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng và nâng cao ý thức tuân thủ kỹ thuật từ người trồng đến doanh nghiệp xuất khẩu. Bền vững không đến từ số lượng, mà từ sự minh bạch, chuẩn hóa và trách nhiệm với thị trường.