![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. |
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 4446/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà liên quan đến thông tin phản ánh của báo chí về những vướng mắc trong việc kiểm soát dư lượng chất vàng O trong sầu riêng – mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.
Theo thông tin được tổng hợp và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, bài viết “Sầu riêng vẫn loay hoay giải quyết chất vàng O” đã chỉ ra những hạn chế rõ ràng trong chuỗi sản xuất, từ việc thiếu quy chuẩn kỹ thuật đến công tác kiểm định còn rời rạc và yếu kém. Báo chí phản ánh, sự sụt giảm trong xuất khẩu sầu riêng không đơn thuần là vấn đề chất lượng, mà còn là hệ lụy của một quá trình phát triển thiếu định hướng và thiếu liên kết.
Trong khi Thái Lan – đối thủ cạnh tranh trực tiếp – đã xây dựng hệ thống sản xuất và kiểm soát chất lượng bài bản từ khâu trồng trọt đến phân phối, thì tại Việt Nam, việc trồng sầu riêng chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm truyền miệng của nông dân. Các quy trình kỹ thuật không được phổ biến rộng rãi, thông tin về phân bón, đặc biệt là những loại chứa cadimi – kim loại nặng có nguy cơ gây hại sức khỏe – gần như không được công khai minh bạch. Điều này dẫn đến chất lượng không đồng đều, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thu mua và xuất khẩu.
Đáng chú ý, từ đầu năm nay, Trung Quốc – thị trường xuất khẩu chính – đã tăng cường kiểm soát hàm lượng chất vàng O trong nông sản nhập khẩu. Tuy nhiên, cả nước hiện chỉ có một vài trung tâm kiểm định đủ năng lực xét nghiệm, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, trong khi các vùng nguyên liệu trọng điểm lại hoàn toàn thiếu vắng các cơ sở kiểm định đạt chuẩn.
![]() |
Xuất khẩu sầu riêng từ đầu năm đến nay sụt giảm mạnh. Ảnh: MK |
Phát biểu về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: “Hiện nay một lượng lớn sầu riêng vẫn được tiêu thụ trong nước nhưng không có đơn vị kiểm định chất lượng. Đây là một lỗ hổng rất lớn cần sớm được khắc phục.”
Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng ngành sầu riêng cần tái cơ cấu từ gốc: kiểm soát chặt chẽ khâu sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu sạch, đồng thời thiết lập chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân – doanh nghiệp – cơ quan quản lý. Chỉ khi sản phẩm “sạch từ gốc”, sầu riêng Việt Nam mới có thể giữ được độ “ngọt” lâu dài và duy trì được vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ động nghiên cứu các nội dung báo chí đã nêu, đồng thời chỉ đạo và xử lý theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao. Đây được xem là bước đi cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị cho ngành sầu riêng Việt Nam trong thời gian tới.
Năm 2024, sầu riêng được ví như “ngôi sao sáng” khi đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu rau quả, góp phần đưa kim ngạch toàn ngành lên 7,2 tỷ USD. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 130 triệu USD, giảm tới 74% so với cùng kỳ, kéo theo toàn ngành rau quả giảm 10,5%, chỉ thu về hơn 1,6 tỷ USD. Nguyên nhân chính đến từ việc Trung Quốc siết chặt kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn dư lượng kim loại nặng và an toàn thực phẩm, khiến nhiều lô hàng bị trả về. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang chỉ đạo gấp rút hoàn thiện quy trình kiểm dịch, cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói, thúc đẩy chế biến sâu và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng. Trong bối cảnh này, mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD trong năm 2025 được đánh giá là khó khả thi nếu ngành rau quả không chuyển hướng phát triển bền vững, tăng khả năng thích ứng và đa dạng hóa thị trường. |
![]() |
![]() |
![]() |