![]() |
Gỡ nút thắt cho sầu riêng Việt: Kiểm soát từ gốc, mở lối xuất khẩu sang Trung Quốc. |
Xuất khẩu lao dốc, thị phần lung lay vì kiểm soát chất lượng yếu
Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 130 triệu USD, giảm mạnh 74% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do Trung Quốc – thị trường tiêu thụ chủ lực – siết chặt tiêu chuẩn kiểm dịch. Nhiều doanh nghiệp từng xuất hàng nghìn container trong năm ngoái hiện vẫn chưa xuất được lô nào, dù kênh chính ngạch vẫn hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Thành, một thương lái miền Tây, cho biết đã ngừng thu mua hàng xuất khẩu vì các vườn còn manh mún, chất lượng không đồng đều. Trước đây, thương lái gom hàng rồi để doanh nghiệp chọn lọc, không quan tâm đến quy trình và giấy tờ. Giờ đây, yêu cầu kiểm định tận gốc khiến quy trình thu mua trở nên phức tạp.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng – CEO Vina T&T – chia sẻ, hiện công ty chỉ xuất được 1–2 container mỗi tuần vì thiếu nguồn cung đạt chuẩn. Dù đã đầu tư kiểm tra cadimi tại vườn và cơ sở đóng gói, nhưng số hộ liên kết quá ít. Ông cho rằng cần siết chặt quản lý phân bón, hóa chất từ đầu vụ để hình thành chuỗi cung ứng đạt chuẩn.
Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – đề xuất lập các phòng xét nghiệm chất cấm mini tại vùng trồng, học theo mô hình Thái Lan. Khi có kết quả đạt chuẩn, nông dân sẽ dễ dàng được thu mua, doanh nghiệp có cơ sở kiểm định lại tại các phòng lab được Trung Quốc công nhận.
Cải tạo đất, chấn chỉnh mã số vùng trồng để giữ niềm tin từ thị trường Trung Quốc
Theo ông Henry Bùi – Tổng giám đốc Trung tâm kiểm định Hoàn Vũ, cadimi trong sầu riêng chủ yếu do lạm dụng phân bón. Vì vậy, cần kiểm soát ngay từ nguồn phân bón lậu, phân loại đất theo mức ô nhiễm và có khuyến cáo phù hợp. Những khu đất nhiễm kim loại nặng phải được cải tạo nếu muốn tiếp tục sản xuất bền vững.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết đã triển khai nghiên cứu, phối hợp địa phương đưa ra các giải pháp ngắn và dài hạn để xử lý tồn dư cadimi. Trước mắt, tập trung cải tạo đất bằng cách nâng pH, dùng chất hấp thụ kim loại nặng, trồng cây sinh khối cao để phục hồi đất. Về lâu dài, thay đổi thói quen sử dụng phân bón, tăng cường tập huấn kỹ thuật sẽ là chìa khóa hạn chế tồn dư chất độc hại.
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp, đang thử nghiệm xử lý đất nhiễm cadimi tại một số địa phương như Cai Lậy, Đăk Song, Gia Nghĩa. Ông sử dụng chất hấp thụ cadimi kết hợp kiểm soát phân bón và quy trình canh tác. Kết quả thực nghiệm sẽ là minh chứng cho khả năng “làm sạch” đất, đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc.
![]() |
Nông dân Đắk Nông chăm sóc cây sầu riêng. Ảnh: Phan Tuấn |
Ngoài cadimi, ông Henry Bùi cảnh báo về chất vàng O – một phẩm màu công nghiệp nguy hiểm có thể lây nhiễm diện rộng trong kho hàng. Nếu phát hiện, nhà máy có thể bị buộc khử trùng toàn bộ hoặc phải xây dựng cơ sở mới. Ông nhấn mạnh, nếu các trung tâm kiểm nghiệm đồng hành cùng nông dân, có thể giúp sầu riêng vượt qua được “ải” kỹ thuật trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Cần hành động quyết liệt trước khi mất cơ hội vàng
TS. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ, cho rằng Việt Nam cần học kinh nghiệm từ Thái Lan – quốc gia đã làm bài bản từ quy hoạch vùng trồng đến thiết lập khung pháp lý rõ ràng. Việt Nam cần thay đổi tư duy quản lý, không chỉ giải quyết “phần ngọn” mà phải cải tổ toàn diện từ gốc.
Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk vừa gửi “tâm thư” đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) Đỗ Đức Duy, phản ánh hàng loạt bất cập trong hoạt động xuất khẩu sầu riêng, đặc biệt là nguy cơ bị đình chỉ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Tính đến nay, Việt Nam chỉ có khoảng 20% trong tổng 150.000 ha diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Tình trạng bị thu hồi mã số đang gia tăng – đã có 55 mã số vùng trồng và 61 mã số cơ sở đóng gói bị thu hồi. Trung Quốc cũng yêu cầu 100% lô hàng phải có giấy kiểm nghiệm cadimi và vàng O.
Hiệp hội kiến nghị Bộ NN-MT khẩn trương rà soát, tái ký kết Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc trước tháng 7/2025 – thời điểm văn bản hiện tại hết hiệu lực. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng, minh bạch về cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói theo Luật Trồng trọt.
Với điều kiện địa lý gần Trung Quốc, chi phí vận chuyển thấp, sầu riêng Việt – đặc biệt là giống Ri6 và Monthong – đang có lợi thế cạnh tranh. Nếu kiểm soát chặt chất lượng, Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì nguồn cung lớn và được Trung Quốc cấp “làn xanh” thông quan nhanh như Thái Lan. Nhưng điều đó chỉ đạt được khi hành động quyết liệt, đồng bộ và minh bạch từ bây giờ.
![]() |
![]() |
![]() |