Phó Thủ tướng yêu cầu hành động quyết liệt với ngành sầu riêng Thêm 829 vùng trồng, 131 cơ sở đóng gói sầu riêng được phép xuất khẩu sang Trung Quốc Xây thương hiệu, mở thị trường cho sầu riêng Việt |
Sầu riêng “bứt tốc” nhờ thị trường Trung Quốc, nhưng chưa vững chân
![]() |
Diện tích trồng sầu riêng trên cả nước tăng gần sáu lần, đạt gần 180.000 ha. |
Từ khi ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc vào tháng 7/2022, ngành hàng này đã có bước nhảy vọt chưa từng có. Chỉ trong vòng hai năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã vượt mốc 3 tỷ USD, đưa loại trái cây đặc sản này vào nhóm nông sản chiến lược quốc gia. Diện tích trồng sầu riêng trên cả nước tăng gần sáu lần, đạt gần 180.000 ha. Riêng tỉnh Đắk Lắk đã mở rộng diện tích lên 38.800 ha – chiếm hơn 21% cả nước – và hiện là địa phương dẫn đầu về sản lượng, với mức tăng bình quân 126 nghìn tấn mỗi năm; năm 2024 đạt trên 1,5 triệu tấn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã thẳng thắn cảnh báo về sự mất cân đối đang ngày càng bộc lộ: tốc độ mở rộng sản xuất vượt xa năng lực tổ chức chuỗi cung ứng và giám sát chất lượng. Trong bốn tháng đầu năm 2025, ngành sầu riêng đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bất ổn, đặc biệt là vi phạm liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, làm gia tăng nguy cơ đánh mất niềm tin từ thị trường nhập khẩu.
Tại Hội nghị Phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững tổ chức ngày 24/5, lãnh đạo các tỉnh trọng điểm như Đắk Lắk, Gia Lai đều đồng thuận rằng ngành đang đứng trước ngã rẽ: hoặc tái cơ cấu kịp thời, hoặc đối mặt với khủng hoảng niềm tin. Ông Nguyễn Thiên Văn – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngành sầu riêng hiện còn nhiều điểm nghẽn: tỷ lệ mã số vùng trồng đạt chuẩn còn thấp, ứng dụng công nghệ hạn chế, liên kết chuỗi lỏng lẻo, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, sản phẩm chủ yếu xuất thô, còn tồn tại vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng mã số vùng trồng không đúng quy định. Đắk Lắk kiến nghị cần sớm hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, đồng thời xây dựng các trung tâm kiểm nghiệm, chiếu xạ, kiểm dịch thực vật ngay tại địa phương để kiểm soát chất lượng đầu vào – đầu ra.
Theo ông Dương Mah Tiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – cần sớm ban hành quy định rõ ràng về chế tài xử phạt các vi phạm trong quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, đồng thời nâng cao vai trò của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp xã trong giám sát chuỗi giá trị.
Doanh nghiệp gánh chi phí lớn, thị trường nội địa cần được tôn trọng
![]() |
Chỉ khi đảm bảo chất lượng đồng đều, minh bạch và có đạo đức kinh doanh, trái sầu riêng Việt Nam mới có thể giữ vững vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. |
Một vấn đề nghiêm trọng khác là tình trạng “vàng thau lẫn lộn” giữa các cơ sở được cấp phép và không được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động, khiến những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc bị thiệt thòi. Sarita kiến nghị cần công khai, minh bạch thông tin về các cơ sở đủ điều kiện, kiểm soát chặt chẽ vùng nguyên liệu và cơ sở đóng gói để bảo vệ uy tín chung của toàn ngành.
Ông Hổ cũng nhấn mạnh, ngành sầu riêng không nên chỉ chăm chăm vào xuất khẩu mà lơ là trách nhiệm với người tiêu dùng trong nước. “Nếu trái bị trả về từ biên giới rồi quay lại bán cho dân mình thì không thể gọi là tôn trọng người tiêu dùng. Phải đảm bảo chất lượng, minh bạch và có đạo đức thì trái sầu riêng Việt Nam mới giữ được uy tín lâu dài”, ông nói.
Về phía cơ quan quản lý, ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai nhiều giải pháp: kiểm soát hàm lượng cadimi trong canh tác, rà soát lại toàn bộ mã số vùng trồng, tăng cường năng lực cho các phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế, đồng thời đàm phán kỹ thuật với Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong ngắn hạn, ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý, kiểm soát chất lượng từ đầu đến cuối chuỗi. Về lâu dài, cần cơ cấu lại ngành theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cấp hạ tầng logistics, thúc đẩy liên kết giữa sản xuất – tiêu thụ – chế biến, và hỗ trợ doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương nâng cao năng lực thực thi.
Việc triển khai cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường giữ vai trò chủ trì trong nghiên cứu – chuyển giao công nghệ, đàm phán mở cửa thị trường và giám sát toàn diện. Các địa phương cần kiểm soát chặt quy hoạch vùng trồng, hướng đến mô hình sản xuất quy mô lớn, thuận lợi cho cơ giới hóa và minh bạch trong truy xuất nguồn gốc.