Xuất khẩu thủy sản cần chiến lược dài hạn Chớp thời cơ thuế ưu đãi, thủy sản bứt tốc xuất khẩu Thủy sản Việt trước phép thử Trung Đông: Rào cản hay cơ hội tái định vị thương hiệu? |
Rào cản xanh đang siết chặt dần
![]() |
Kiểm tra và sơ chế thủy sản tại nhà máy chế biến – khâu then chốt trong chuỗi truy xuất và đảm bảo tiêu chuẩn xanh theo yêu cầu xuất khẩu. |
Trong hơn một thập kỷ qua, thủy sản đã khẳng định vai trò là một trong ba ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp từ 9–10 tỷ USD mỗi năm vào kim ngạch quốc gia. Tuy nhiên, song hành với cơ hội là những thách thức ngày càng lớn từ thị trường thế giới – nơi các yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp, quy trình nuôi trồng, phát thải carbon và trách nhiệm môi trường không còn là khuyến nghị mà đã trở thành điều kiện bắt buộc.
Từ năm 2017, cảnh báo “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU) đối với thủy sản khai thác của Việt Nam đã trở thành một dấu mốc cảnh tỉnh. Đây không chỉ là rào cản thương mại, mà còn là chỉ dấu cho thấy Việt Nam đang tụt hậu trong cuộc đua toàn cầu hóa xanh. Sau 8 năm nỗ lực, thẻ vàng vẫn chưa được gỡ bỏ, cho thấy những điểm nghẽn trong truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình và minh bạch dữ liệu chuỗi cung ứng vẫn chưa được khắc phục triệt để.
TS. Nguyễn Văn Nam, chuyên gia phát triển bền vững, nhận định: "Thẻ vàng IUU không đơn thuần là chế tài thương mại, mà là cảnh báo nghiêm khắc về sự thiếu minh bạch trong chuỗi giá trị. Nếu Việt Nam không đầu tư bài bản vào giám sát, truy xuất nguồn gốc và dữ liệu số, thì sẽ dần bị loại khỏi các thị trường bền vững."
Không chỉ EU, các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc cũng đã nâng cấp các tiêu chuẩn xanh đối với thủy sản nhập khẩu. Các chứng chỉ quốc tế như ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản), BAP (Thực hành nuôi trồng tốt nhất), MSC (Hội đồng quản lý biển), cùng các yêu cầu về nhật ký điện tử, hệ thống giám sát hành trình (VMS), truy xuất số hóa và hạn chế kháng sinh đang được áp dụng ngày càng phổ biến.
Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đến năm 2025, hơn 60% doanh nghiệp xuất khẩu cho biết khách hàng quốc tế yêu cầu bắt buộc phải đạt chứng nhận môi trường và cam kết phát thải thấp. Đặc biệt, các chuỗi siêu thị cao cấp tại châu Âu và Bắc Mỹ còn yêu cầu công bố công khai dấu chân carbon của sản phẩm – từ ao nuôi đến bàn ăn.
Trong bối cảnh đó, ngành thủy sản Việt Nam vẫn đang loay hoay với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết vùng, sử dụng kháng sinh chưa kiểm soát và hạ tầng xử lý nước thải còn yếu kém. Những tồn tại này khiến nhiều doanh nghiệp bị trả hàng, bị tăng chi phí kiểm tra hoặc bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu – đồng nghĩa với việc mất thị phần và suy giảm uy tín quốc gia.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu, rào cản xanh còn đe dọa khả năng thu hút đầu tư quốc tế và chiến lược nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt Nam. Trong bối cảnh người tiêu dùng toàn cầu ngày càng quan tâm đến yếu tố đạo đức và môi trường, việc chậm thích ứng sẽ khiến doanh nghiệp mất khách, và thương hiệu quốc gia trở nên mờ nhạt.
Cần chiến lược chuyển đổi tổng thể
![]() |
Mô hình nuôi tôm tuần hoàn sử dụng mái che và công nghệ xử lý nước – giải pháp bền vững trong chiến lược chuyển đổi xanh toàn ngành. |
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã nhận diện rõ xu hướng chuyển đổi xanh là điều kiện sống còn. Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn – một trong những “ngọn cờ đầu” trong xuất khẩu cá tra – đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng vùng nuôi đạt chuẩn ASC, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn và triển khai hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm phát thải carbon.
Theo báo cáo năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025 của doanh nghiệp này, hơn 80% sản lượng xuất khẩu đã đạt chứng chỉ ASC hoặc BAP. Kết quả là Vĩnh Hoàn không chỉ giữ vững được thị trường EU mà còn mở rộng sang Mỹ, Nhật Bản với giá bán tốt hơn và mức độ ổn định cao hơn so với các doanh nghiệp chưa chuyển đổi.
Tương tự, Tập đoàn Minh Phú – một trong những doanh nghiệp tôm lớn nhất cả nước – đã triển khai mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước biofloc kết hợp năng lượng mặt trời. Bà Chu Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Minh Phú, chia sẻ: “Khách hàng Nhật Bản, Mỹ hiện rất khắt khe về dư lượng kháng sinh và phát thải carbon. Nếu doanh nghiệp không thay đổi, họ sẵn sàng ngừng mua. Chúng tôi xem đầu tư xanh là chiến lược sống còn, chứ không phải chi phí ngắn hạn.”
Tuy nhiên, chuyển đổi xanh không thể là nỗ lực đơn lẻ từ một vài doanh nghiệp đầu tàu. Để toàn ngành thủy sản có thể “xanh hóa” thực sự, cần một chiến lược tổng thể và đồng bộ – từ cấp Nhà nước đến từng khâu trong chuỗi giá trị. Trước hết, ngành cần bắt buộc áp dụng hệ thống nhật ký điện tử và giám sát hành trình VMS trên toàn bộ đội tàu khai thác – không chỉ để phục vụ truy xuất, mà còn để tăng tính pháp lý và kiểm soát khai thác bền vững.
Song song đó là việc thúc đẩy số hóa truy xuất nguồn gốc theo chuẩn quốc tế, thay vì hệ thống thủ công rời rạc như hiện nay. Quy hoạch lại vùng nuôi tập trung cũng là nhiệm vụ trọng yếu. Các vùng nuôi phải đảm bảo an toàn sinh học, có hệ thống xử lý nước thải, kiểm soát kháng sinh và hóa chất. Đồng thời, cần có chính sách tín dụng xanh, ưu đãi thuế và hỗ trợ kỹ thuật dành riêng cho các mô hình nuôi đạt tiêu chuẩn môi trường.
Cùng với đó là việc đẩy mạnh đào tạo kỹ thuật và nâng cao nhận thức cho nông dân, ngư dân – những người trực tiếp tham gia sản xuất. Nếu thiếu sự đồng thuận từ người sản xuất, quá trình chuyển đổi sẽ dễ bị gián đoạn hoặc mang tính hình thức. Bên cạnh đó, truyền thông tới người tiêu dùng trong nước về sản phẩm xanh, sản phẩm có trách nhiệm, cũng là yếu tố quan trọng giúp mở rộng thị trường nội địa.
Vai trò điều phối và quản lý của Nhà nước là yếu tố mang tính quyết định. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và chính quyền địa phương để thiết kế một bộ chính sách thống nhất, liên thông và có tính cưỡng chế cao trong thực thi. Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà là con đường tất yếu nếu Việt Nam muốn duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu và xây dựng thương hiệu thủy sản có trách nhiệm trên thị trường quốc tế.