Những sáng kiến đột phá giúp Tập đoàn TH được vinh danh “Nhà lãnh đạo kinh tế tuần hoàn” Tiêu thụ sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép khoảng 4%/năm |
![]() |
Tháng 6 ghi nhận hơn 28.600 tấn sữa bột được tiêu thụ, trị giá gần 1.785 tỷ đồng. Ảnh: Internet |
Tiêu dùng sữa tăng mạnh bất chấp biến động chất lượng
Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Sữa Việt Nam, chỉ riêng trong tháng 6/2025, người tiêu dùng cả nước đã chi khoảng 4.290 tỷ đồng để mua hơn 155 triệu lít sữa tươi, tăng 13,5% về lượng và 14,2% về giá trị so với tháng 5. Đây là mức tăng trưởng đáng chú ý trong bối cảnh ngành hàng này từng trải qua nhiều “sóng gió” liên quan đến chất lượng và hàng giả.
Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2025, lượng tiêu thụ sữa tươi tại Việt Nam đạt gần 837 triệu lít, tương đương doanh thu khoảng 23.275 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng người Việt chi hơn 3.800 tỷ đồng chỉ cho riêng sữa tươi.
Với sữa bột, tháng 6 ghi nhận hơn 28.600 tấn được tiêu thụ, trị giá gần 1.785 tỷ đồng, tăng nhẹ so với tháng trước. Tính chung nửa đầu năm, người dân cả nước đã tiêu thụ hơn 131.000 tấn sữa bột, trị giá 6.660 tỷ đồng – tương đương gần 1.110 tỷ đồng/tháng.
Như vậy, tổng chi tiêu bình quân mỗi tháng cho hai nhóm chính (sữa tươi và sữa bột) vào khoảng 4.900–5.000 tỷ đồng, chưa tính các sản phẩm sữa đặc, sữa chua, sữa uống lên men…
Đáng chú ý, mức chi tiêu này vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng liên tục, phản ánh rõ sự phục hồi của thị trường và nhu cầu tiêu dùng sữa ổn định trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là khi các doanh nghiệp nội địa vẫn nắm giữ khoảng 75% thị phần.
Nhập khẩu tăng vọt: Sữa ngoại ngày càng hiện diện trong giỏ hàng Việt
Không chỉ tiêu dùng nội địa tăng mạnh, sữa nhập khẩu và các sản phẩm sữa ngoại cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2025. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 6/2025, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt khoảng 80,4 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị nhập khẩu lên tới 659,3 triệu USD, tương đương hơn 16.500 tỷ đồng, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Các thị trường cung cấp sữa chính cho Việt Nam vẫn là New Zealand, Mỹ, Australia, Ireland và Thái Lan. Trong đó:
New Zealand dẫn đầu với kim ngạch nhập khẩu đạt gần 192 triệu USD, chiếm 33% tổng giá trị nhập khẩu, tăng 61,7% so với cùng kỳ năm trước.
Australia đạt 58 triệu USD, tăng 19,4%.
Ireland tăng mạnh 66,3%, đạt 32,2 triệu USD.
Ngược lại, nhập khẩu từ Mỹ giảm 34%, chỉ còn 40,9 triệu USD.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đẩy mạnh nhập khẩu sữa từ nhiều quốc gia châu Âu và Đông Nam Á như: Đức tăng 75,7%; Hà Lan tăng 72,9%; Bỉ tăng đến 296%; Thái Lan tăng 20,5%; Singapore tăng gần 30%.
Về chủng loại, sữa bột vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, tăng 33,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo là sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem. Ngược lại, một số sản phẩm như sữa đặc có đường, sữa chua, sữa uống lên men lại giảm sút đáng kể – cho thấy sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng.
Cạnh tranh nội – ngoại: Thị trường sữa ngày càng khốc liệt
![]() |
Dây truyền chế biến sữa tại nhà máy TH true MILK. |
Hiện Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sữa, trong đó 40 doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối. Dù doanh nghiệp nội vẫn chiếm ưu thế với khoảng 75% thị phần, nhưng sự tăng trưởng nhanh chóng của nhập khẩu đang tạo nên sức ép cạnh tranh rất lớn.
Các “ông lớn” nội địa như Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, IDP, Mộc Châu Milk… đang không ngừng đổi mới sản phẩm, đầu tư công nghệ để giữ vững thị phần. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp ngoại như FrieslandCampina (Hà Lan), Abbott, Mead Johnson (Mỹ), Nestlé (Thụy Sĩ), Fonterra (New Zealand)… cũng đang tăng tốc mở rộng tại Việt Nam qua hình thức nhập khẩu và phân phối trực tiếp.
Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường IMARC Group, giai đoạn 2024–2032, thị trường sữa Việt Nam được dự báo tăng trưởng bình quân 9,4% mỗi năm. Riêng năm 2025, lượng sữa trung bình mỗi người tiêu dùng được ước tính đạt khoảng 20,7 kg/người/năm, tương đương với mức tiêu dùng của nhiều nước đang phát triển.
Điều này cho thấy cơ hội vẫn rất rộng mở cho ngành sữa, nhưng cũng đặt ra thách thức về quản lý chất lượng, minh bạch nguồn gốc và phát triển bền vững trước sức ép từ hàng nhập khẩu và các vụ việc hàng giả từng khiến người tiêu dùng lo ngại.
Mỗi tháng, người tiêu dùng Việt chi xấp xỉ 5.000 tỷ đồng cho các sản phẩm sữa – con số đủ để chứng minh rằng sữa là một trong những mặt hàng thiết yếu, có mức chi tiêu lớn nhất trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Tuy nhiên, trước sự mở rộng của sữa nhập khẩu và sự hiện diện dày đặc của các thương hiệu ngoại, người tiêu dùng cần tỉnh táo, ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đạt chứng nhận chất lượng và đến từ các nhà sản xuất uy tín.
Về phía cơ quan chức năng, việc siết chặt kiểm tra chất lượng, kiểm soát sữa giả, bảo vệ thương hiệu nội cũng là yếu tố sống còn để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành sữa Việt trong tương lai.
![]() |