![]() |
Hàng trăm loại sữa bột giả cho trẻ em và người bệnh được sản xuất và đưa ra tiêu thụ trong suốt 4 năm qua (Ảnh minh họa). |
Lỗ hổng hậu kiểm
600 sản phẩm sữa bột giả, nhắm đến nhóm đối tượng đặc biệt như trẻ sơ sinh, người tiểu đường, phụ nữ mang thai, đã được sản xuất và tiêu thụ công khai trong thời gian dài mà không bị phát hiện. Chỉ đến khi vụ việc bị Công an TP.HCM triệt phá, quy mô gần 500 tỷ đồng của đường dây làm sữa giả mới khiến dư luận rúng động.
Tại phiên thảo luận Quốc hội chiều ngày 06/05/2025 về dự luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhiều đại biểu cho rằng nguyên nhân gốc rễ không chỉ nằm ở hành vi gian dối của các đối tượng mà còn xuất phát từ chính cơ chế “tự công bố chất lượng” hiện hành. Theo quy định, doanh nghiệp được phép tự công bố và đưa sản phẩm ra thị trường mà không cần qua kiểm nghiệm, phê duyệt từ bất kỳ cơ quan chức năng nào trước đó. Trong bối cảnh lực lượng hậu kiểm mỏng, thiếu năng lực, việc trông chờ vào “hậu kiểm sau lưu thông” chẳng khác nào trao quyền sinh sát sản phẩm vào tay doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) khẳng định, vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa giả được sản xuất và lưu hành công khai trong suốt 4 năm qua đã phơi bày rõ nét sự buông lỏng và thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Đây không chỉ là vụ việc cá biệt mà còn là dấu hiệu cho thấy những lỗ hổng mang tính hệ thống trong thiết kế chính sách và tổ chức thực thi.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh). |
"Rõ ràng cơ chế hậu kiểm vốn là định hướng đúng đắn phù hợp với thông lệ quốc tế và chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nâng cao tính chủ động trách nhiệm của doanh nghiệp.
Nhưng khi thiếu năng lực hậu kiểm, thiếu cơ chế phối hợp, thiếu sự liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước thì cơ chế này trở thành kẽ hở để lợi dụng, né tránh trách nhiệm pháp lý và kiểm soát chất lượng", ông So nêu rõ.
Chồng chéo trách nhiệm
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu chỉ ra là tình trạng chồng chéo, thiếu liên thông giữa các cơ quan có thẩm quyền. Cùng quản lý nhóm sản phẩm như sữa bột có Bộ Y tế, Bộ Công Thương và chính quyền địa phương, nhưng đến khi xảy ra sự cố, không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm cuối cùng.
Nhiều ý kiến tại nghị trường cho rằng cần quy định rõ cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính về hậu kiểm, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “đá bóng trách nhiệm”. Song song đó, cần thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả, có chia sẻ dữ liệu, phản ứng nhanh và cơ chế cảnh báo sớm các sản phẩm có nguy cơ gây hại.
Đặc biệt, các chế tài xử lý hiện nay vẫn được đánh giá là quá nhẹ. Trong khi doanh nghiệp thu lợi hàng trăm tỷ đồng thì mức phạt hành chính lại chỉ dừng ở vài trăm triệu đồng, chưa kể việc truy cứu hình sự còn bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện chứng minh hậu quả. Đại biểu Nguyễn Như So đề xuất cần gắn hậu kiểm với các chế tài đủ sức răn đe như rút giấy phép, công khai tên doanh nghiệp vi phạm, truy cứu trách nhiệm hình sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.
Bộ Y tế: Không buông lỏng nhưng bị “vượt rào”
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6-5, về trách nhiệm ngành y tế đối với vấn nạn sữa giả, thuốc giả, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay vụ việc xảy ra thời gian qua là rất nghiêm trọng khi sản phẩm làm giả liên quan trực tiếp trẻ nhỏ, người bệnh, là những người cần dinh dưỡng đặc biệt.
Đây là vi phạm kinh doanh nghiêm trọng vì lợi ích cá nhân, trục lợi trong thời gian dài, bất chấp quy định pháp luật, coi thường pháp luật, là hành vi đáng lên án.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. |
Ông Thuấn cho hay chủ trương tự công bố là để cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo hướng quản lý tiên tiến. Tuy nhiên trên thực tế một số tổ chức, cá nhân lợi dụng cơ chế này sản xuất kinh doanh sản phẩm kém chất lượng.
Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý vụ việc và khuyến cáo người dân không sử dụng 72 sản phẩm liên quan trong đường dây sữa giả.
Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ cũng đã trình Chính phủ Luật Dược sửa đổi, Luật An toàn thực phẩm sửa đổi… để quản lý chặt chẽ nhất sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dân.
Chờ đợi đột phá từ sửa đổi luật
Theo Đại biểu Nguyễn Như So, việc sửa đổi luật cần giải quyết tận gốc vấn đề này bằng cách thiết lập rõ mô hình quản lý rõ ràng, trong đó quy định cụ thể cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp liên ngành, trách nhiệm hậu kiểm gắn với chế tài thực thi đủ mạnh.
Đồng thời nhấn mạnh chỉ khi xây dựng được cơ chế quản lý đồng bộ, rõ ràng và có tính ràng buộc cao thì chất lượng sản phẩm hàng hóa mới thực sự được kiểm soát và quyền lợi người tiêu dùng mới được bảo đảm, ông So nêu thêm.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) đề xuất nghiên cứu và định nghĩa rõ ràng về cơ chế bồi thường thiệt hại với những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Theo bà Lan, điều này đặc biệt có liên quan trong trường hợp công dân tiêu thụ các sản phẩm mà nhà nước đã tuyên bố là “an toàn”, nhưng cuối cùng lại là hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đại biểu đoàn TPHCM cho rằng, việc thực hiện cơ chế như trên sẽ giúp người dân tránh được những mất mát và khó khăn. Đồng thời sẽ tạo động lực cho người dùng báo cáo các vấn đề nếu họ mua phải sản phẩm lỗi, thay vì chỉ “chịu đựng sự mất mát”.