Từ chính sách đến thị trường: Du lịch sẵn sàng bứt phá Du lịch cao cấp Việt Nam cần bước chuyển chiến lược Ngành du lịch Hà Nội sôi động dịp 2/9: Nhiều tour mới, chương trình kích cầu hấp dẫn |
Người dân vẫn đứng ngoài hành trình xanh
![]() |
Du khách đi tham quan, trải nghiệm tại rừng Nam Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. |
Du lịch xanh và du lịch trị liệu đang trở thành xu hướng mới, được kỳ vọng giúp ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững trong giai đoạn hậu đại dịch. Với lợi thế về thiên nhiên, văn hóa truyền thống và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng, nhiều tỉnh thành trong nước đã bắt đầu triển khai các tour gắn với thiền, yoga, y học cổ truyền và các hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để những mô hình này phát huy hiệu quả lâu dài, điều cốt lõi là phải có sự tham gia chủ động của cộng đồng địa phương – điều hiện vẫn đang bị xem nhẹ.
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình du lịch xanh hiện nay vẫn đi theo lối mòn “doanh nghiệp làm – người dân nhìn” hoặc chỉ dừng lại ở việc người dân làm thuê, doanh nghiệp hưởng lợi. Tại không ít khu du lịch sinh thái, người dân địa phương chủ yếu làm công việc đơn giản như bán hàng rong, phục vụ ăn uống hay dọn dẹp, trong khi chưa được tạo điều kiện để trực tiếp tham gia xây dựng sản phẩm hay chia sẻ lợi ích từ du lịch.
Tiến sĩ Phạm Thái Sơn – Phó Trưởng bộ môn Du lịch, Đại học Tôn Đức Thắng – nhận định: “Một mô hình du lịch xanh bền vững phải tạo ra sự thay đổi rõ rệt về vai trò của người dân. Họ không chỉ là người bán quà lưu niệm hay làm thuê, mà cần trở thành người kể chuyện, gìn giữ bản sắc, truyền cảm hứng sống xanh cho du khách. Nhưng hiện nay, chưa có nhiều mô hình làm được điều đó.”
Bên cạnh vai trò mờ nhạt, nhiều người dân còn chưa hiểu rõ khái niệm du lịch xanh. Ở nhiều nơi, tình trạng xả rác bừa bãi, nước thải chưa xử lý đổ thẳng ra sông suối vẫn diễn ra. Một số hộ làm homestay tự phát không đảm bảo vệ sinh hay tiêu chuẩn môi trường, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, đào tạo và hỗ trợ người dân còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với kỳ vọng phát triển du lịch bền vững.
Cần trao quyền cho cộng đồng và truyền cảm hứng cho du khách
![]() |
Những trải nghiệm du lịch xanh giúp du khách "chữa lành" tâm hồn sau thời gian làm việc căng thẳng tại các đô thị lớn. |
Không chỉ cộng đồng địa phương, du khách cũng cần chuyển vai trò từ người tiêu dùng thụ động sang người đồng hành tích cực trong hành trình xanh. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia – trong mô hình du lịch xanh hiện đại, chính du khách là người lan tỏa lối sống xanh, tạo áp lực để doanh nghiệp và địa phương phải thay đổi cách làm du lịch. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ý thức lựa chọn sản phẩm thân thiện môi trường của du khách vẫn còn hạn chế. Việc sử dụng túi nilon, chai nhựa, xả rác bừa bãi hay tiêu dùng thiếu kiểm soát vẫn còn phổ biến.
Một khảo sát gần đây cho thấy, chỉ khoảng 34% du khách trong nước sẵn sàng chi trả thêm cho các dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường. Trong khi đó, con số này ở nhiều nước phát triển đã vượt 60–70%. Điều đó cho thấy cần đẩy mạnh giáo dục nhận thức, đặc biệt qua các chiến dịch truyền thông sáng tạo, gần gũi và bền bỉ. Ông Lê Trương Hiền Hòa – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh – nhấn mạnh: “Du lịch xanh không thể thành công nếu thiếu một hệ sinh thái đồng bộ, nơi người dân, du khách và doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện. Cần có bộ tiêu chí rõ ràng cho du khách, khuyến khích lựa chọn điểm đến xanh, sử dụng dịch vụ có trách nhiệm với cộng đồng, giảm khí thải và rác thải trong suốt hành trình.”
Để người dân tham gia thực chất hơn, các chuyên gia đề xuất tổ chức đào tạo nghề tại chỗ, đồng thời lồng ghép kỹ năng du lịch vào chương trình học phổ thông ở các địa phương có tiềm năng. Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế để người dân góp vốn, sở hữu một phần dịch vụ du lịch thay vì chỉ làm thuê. Khi có quyền lợi rõ ràng, họ mới có động lực gìn giữ cảnh quan, văn hóa và cùng doanh nghiệp phát triển lâu dài.
Với du khách, ngành du lịch cần đổi mới cách truyền thông: từ giới thiệu điểm đến sang kể chuyện hành trình, từ quảng bá cảnh đẹp sang nhấn mạnh trải nghiệm ý nghĩa. Các nền tảng du lịch trực tuyến cũng có thể xếp hạng “mức độ xanh” cho tour và khách sạn, giúp du khách dễ dàng lựa chọn dịch vụ thân thiện với môi trường. Một số mô hình như “du lịch chữa lành kết hợp trồng rừng” ở Gia Lai, nghỉ dưỡng detox ở miền Trung hay tour yoga – dưỡng sinh tại Lâm Đồng đang bước đầu tạo hiệu ứng tốt nhờ có sự tham gia thực chất của người dân và sự thay đổi nhận thức của du khách.
Tuy nhiên, để lan tỏa các mô hình này, cần một chiến lược cấp quốc gia có định hướng rõ ràng, xác định vùng trọng điểm, đối tượng tham gia và cơ chế phối hợp cụ thể. Nếu muốn du lịch xanh và du lịch trị liệu trở thành hướng đi lâu dài, không thể chỉ trông chờ vào doanh nghiệp hay nhà quản lý. Người dân và du khách – những chủ thể trực tiếp nhất – cần được trao quyền, truyền cảm hứng và tạo điều kiện để đồng hành. Chỉ khi đó, hành trình du lịch mới thực sự xanh – không chỉ ở cảnh quan mà còn trong tư duy, hành vi và cách sống của cả cộng đồng.