Sức ép tăng trưởng và những trở lực chưa dễ hóa giải
![]() |
Ngành du lịch đối mặt với áp lực lớn về hạ tầng, chất lượng dịch vụ và chi phí trong bối cảnh nhu cầu tăng cao. |
Ngay từ đầu năm, du lịch đã được xác định là một trong những điểm sáng kinh tế, đóng vai trò động lực góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025. Chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Ngành du lịch phải hợp lực để bứt tốc, hướng tới mục tiêu đón 22–23 triệu lượt khách quốc tế và 120–130 triệu lượt khách nội địa trong năm nay”.
Dữ liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, ngành đã đón được khoảng 10,7 triệu lượt khách quốc tế – đạt gần 49% kế hoạch năm. Tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 64,5% mục tiêu cả năm. Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 518.000 tỷ đồng, tương đương 52,8% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, từ tháng 7 đến tháng 12/2025, ngành cần duy trì mức tăng trưởng trung bình 1,9–2 triệu lượt khách quốc tế/tháng mới có thể hoàn thành kế hoạch. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh thị trường du lịch quốc tế phục hồi chậm và cạnh tranh khu vực ngày càng khốc liệt. Ngoài yếu tố thị trường, chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch vẫn còn nhiều hạn chế.
Sản phẩm chưa thực sự đặc sắc, giá trị gia tăng thấp, thiếu sự khác biệt; nguồn nhân lực du lịch chưa đủ về số lượng và yếu về chất lượng; kết cấu hạ tầng và logistics du lịch còn bất cập. Đặc biệt, giá vé máy bay trong mùa cao điểm tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hút khách quốc tế. Bên cạnh đó, thương hiệu du lịch quốc gia vẫn thiếu bản sắc nổi bật, hoạt động quảng bá còn dàn trải, thiếu trọng tâm. Những yếu tố này khiến việc “chạy đua” để đạt chỉ tiêu tăng trưởng du lịch quốc tế không thể chỉ dựa vào các biện pháp ngắn hạn, mà cần chiến lược tổng thể dài hơi.
Tăng tốc bằng chính sách đột phá và sức mạnh liên kết
![]() |
Các hoạt động xúc tiến, quảng bá và liên kết thị trường đang được triển khai mạnh mẽ nhằm tạo đột phá cho du lịch Việt Nam. |
Trước áp lực lớn, ngành du lịch đang tái cấu trúc cách tiếp cận theo hướng “trọng điểm – bứt tốc – bền vững”, đồng thời phát huy tối đa tinh thần hợp lực giữa Nhà nước, doanh nghiệp và địa phương. Trên phương diện chính sách, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu sửa đổi Luật Du lịch 2017, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, đặc biệt là mở rộng chính sách miễn thị thực, đơn giản hóa xuất nhập cảnh, cải thiện cơ chế thuế và hỗ trợ đầu tư.
Song song đó, ngành xác định 10 thị trường trọng điểm để tập trung khai thác hiệu quả, gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông, Nga và EU. Tại các thị trường này, Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến như tham gia Hội chợ WTM 2025 (Anh), ITE HCM 2025, giới thiệu du lịch Việt Nam tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga...
Ngành cũng phối hợp tổ chức các sự kiện trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia – Huế 2025 nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa. Cục Du lịch Quốc gia đang xây dựng đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài và triển khai chương trình quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới giai đoạn 2026–2030 – bước đi chiến lược để khẳng định dấu ấn thương hiệu quốc gia.
Ở cấp địa phương, sau sáp nhập hành chính, các tỉnh, thành có thêm dư địa tài nguyên du lịch, tạo điều kiện để “vẽ lại bản đồ du lịch” theo hướng liên vùng, gia tăng trải nghiệm cho du khách. Như tỉnh Gia Lai mới (sáp nhập Bình Định và Gia Lai) không chỉ có cao nguyên và rừng mà còn có biển; hay Quảng Trị mới (gồm Quảng Bình – Quảng Trị) sở hữu cả Phong Nha – Kẻ Bàng và hệ thống di tích lịch sử cách mạng.
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Việc số hóa điểm đến, xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối giữa Nhà nước – doanh nghiệp – du khách đang mở ra cơ hội tái cấu trúc toàn diện cách quản lý và xúc tiến ngành. Hướng đến mục tiêu dài hạn, du lịch Việt Nam không chỉ cần đạt mục tiêu về lượng khách mà còn phải phát triển bền vững, chuyên nghiệp, và có bản sắc. Như lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, mà phải chạm đến trái tim du khách – để họ đến, yêu và quay trở lại”.