Du lịch Việt hậu sáp nhập: Thời cơ vàng hay bài toán phối hợp? Cẩn trọng khi thưởng thức hải sản mùa du lịch Hệ sinh thái quyết định sức bật du lịch xanh |
Tái định vị thương hiệu điểm đến
![]() |
Du khách tham quan tại các điểm đến biểu tượng trong không gian du lịch mới sau sáp nhập địa giới hành chính. |
Sau khi cả nước thực hiện tinh gọn đơn vị hành chính còn 34 tỉnh, thành phố, ngành du lịch Việt Nam bước vào một giai đoạn mới với nhiều cơ hội và thách thức. Trong đó, việc định vị lại thương hiệu du lịch của các địa phương là yêu cầu cấp thiết, nhằm khai thác hiệu quả lợi thế tích hợp và tạo sức bật sau sáp nhập.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đầu tháng 7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá du lịch là một trong 10 điểm sáng nổi bật trong 6 tháng đầu năm. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 25,7% so với cùng kỳ 2019 – thời điểm trước đại dịch. Riêng tháng 6, Việt Nam đón gần 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17,1%. Trong bối cảnh đó, việc định vị thương hiệu du lịch gắn với không gian hành chính mới trở thành vấn đề chiến lược.
Ở một số địa phương, quá trình tái định vị đã được triển khai sớm. Ninh Bình mới (hợp nhất từ Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam) hiện sở hữu hơn 5.000 di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, nhiều điểm đến nổi tiếng như Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, chùa Tam Chúc, đền Trần, Phủ Dầy… được xem là trụ cột xây dựng hình ảnh du lịch văn hóa – tâm linh đặc trưng của vùng. Đặc biệt, bờ biển dài hơn 70km sau sáp nhập mở ra thêm không gian để phát triển du lịch biển và nghỉ dưỡng.
Theo ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, địa phương đang xây dựng thương hiệu tổng hợp, giàu bản sắc với định hướng trở thành điểm đến du lịch bốn mùa, đa dạng loại hình và sản phẩm. Đây là một trong những hướng đi tiên phong trong việc tái thiết hình ảnh sau sáp nhập, không chỉ giữ lại giá trị cũ mà còn tích hợp để tạo nên bản sắc mới.
Tuyên Quang mới (hợp nhất Tuyên Quang và Hà Giang) cũng đang tận dụng lợi thế địa hình mở rộng để phát huy du lịch văn hóa và du lịch nguồn. Di sản cách mạng, bản sắc vùng cao cùng các cung đường khám phá đang được tái kết nối để xây dựng sản phẩm đặc thù theo hướng khám phá văn hóa – lịch sử – thiên nhiên.
Không chỉ các tỉnh có sáp nhập, những địa phương giữ nguyên địa giới như Hà Nội cũng nhanh chóng thay đổi tư duy phát triển. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang nhận định, du lịch Thủ đô và cả nước đang đứng trước thời cơ mới để đổi mới, sáng tạo. Hà Nội tập trung đẩy mạnh liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng để hình thành hệ sinh thái du lịch bền vững, kết nối giữa trung tâm văn hóa với các địa phương xung quanh.
Phát triển sản phẩm gắn bản sắc
![]() |
Trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên đặc sắc góp phần tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm du lịch mới |
Tái định vị thương hiệu không chỉ là thay đổi hình ảnh hay thông điệp quảng bá, mà còn là việc phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với không gian mới. Việc sáp nhập mở rộng địa bàn, đồng thời tạo điều kiện để các địa phương tích hợp tài nguyên, bổ sung sản phẩm, mở rộng tuyến điểm và gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, công cuộc sắp xếp đơn vị hành chính đang mở ra cơ hội lớn để mở rộng tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, từ đó phát triển du lịch. Đây là thời cơ để xây dựng các tour, tuyến mới, định vị lại hệ sinh thái du lịch và kết nối điểm đến liên vùng.
Tỉnh Ninh Bình là một ví dụ rõ nét cho cách phát triển sản phẩm theo hướng tích hợp. Ngoài tuyến tâm linh kết nối chùa Tam Chúc – Phủ Dầy – Tràng An, địa phương còn định hướng mở rộng sản phẩm sinh thái rừng, sinh thái biển, nghỉ dưỡng và du lịch trải nghiệm. Việc có thêm tuyến du lịch biển được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt mới, đưa Ninh Bình trở thành điểm đến quanh năm chứ không chỉ mùa lễ hội.
Với Tuyên Quang, việc khai thác hệ thống di tích cách mạng kết hợp cảnh quan núi đá và sinh thái núi rừng tạo điều kiện xây dựng tour du lịch “về nguồn”, du lịch cộng đồng, du lịch trekking, đặc biệt phù hợp với dòng khách yêu thích khám phá văn hóa bản địa và thiên nhiên vùng cao.
Bên cạnh đó, thống kê cho thấy sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch bền vững ngày càng gia tăng. Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới nhiều lần ghi nhận là quốc gia tiên phong trong bảo vệ môi trường, gìn giữ di sản và phát triển du lịch gắn với cộng đồng. Những yếu tố này sẽ là nền tảng quan trọng giúp các thương hiệu điểm đến mới hình thành sau sáp nhập trở nên khác biệt và có chiều sâu.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2025 – thời điểm các địa phương đang tập trung chuẩn bị cho sáp nhập – ngành du lịch Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh. Số liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 10,7 triệu lượt, góp phần vào mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52% – cao nhất giai đoạn 2011–2025. Những con số tích cực này là tiền đề để các địa phương tiếp tục đầu tư vào phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và quảng bá thương hiệu mới một cách bài bản.
Trong thư chúc mừng ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, ngành du lịch cần tiếp tục kế thừa, phát huy bản lĩnh và tinh thần đổi mới sáng tạo, tăng cường liên kết, chuyển đổi số và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.