Phát hiện ca viêm màng não mô cầu đầu tiên tại Đồng Nai Hà Nội: Phát hiện cơ sở kinh doanh gần 1 tấn "xiên bẩn" nghi nhập lậu Phát hiện xưởng sản xuất 71 nghìn lít dầu ăn, 40 tấn mì chính giả |
Theo thông tin từ Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) ngày 27/4, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Ninh tiến hành kiểm tra đột xuất và thu giữ hơn 25 tấn hàng hóa, tương đương khoảng 200.000 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như vitamin, collagen..., không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Trước đó, vào ngày 25/4, Đội QLTT số 3 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Việt Nam Denger International Technology Corporation – có địa chỉ tại Khu Nam Hồng, phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Doanh nghiệp này do ông Wang Chao (sinh năm 1991, quốc tịch Trung Quốc) làm giám đốc.
![]() |
Lực lượng chức năng kiểm đếm sản phẩm vi phạm. |
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 212.000 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chủ yếu là vitamin, collagen, glucosamine... do nước ngoài sản xuất, có nhãn mác bằng tiếng Anh. Ước tính tổng giá trị lô hàng lên tới hơn 20 tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, ông Wang Chao không xuất trình được bất kỳ giấy tờ hay hóa đơn chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp của số hàng này.
Theo cơ quan chức năng, công ty trên được thành lập và bắt đầu hoạt động tại Bắc Ninh từ tháng 3/2025. Toàn bộ số hàng đã bị tạm giữ để phục vụ điều tra, làm rõ các vi phạm liên quan.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc và sữa giả. Gần đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu giữ khoảng 100 tấn thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
![]() |
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hóa. Ảnh: CACC |
Điều đáng lo ngại là nhiều sản phẩm được in bao bì, nhãn mác với thông tin giả mạo như có nguồn gốc nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu... nhưng thực tế lại được nhập từ Trung Quốc hoặc thu mua trôi nổi trên thị trường nội địa. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy nhiều sản phẩm chỉ đạt dưới 30% so với hàm lượng công bố trên nhãn về thành phần dinh dưỡng và hoạt chất.
Đặc biệt, các đối tượng nhắm đến nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người cao tuổi và trẻ em để tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng này, tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Các chuyên gia cảnh báo tình trạng hàng giả, hàng không rõ xuất xứ đang tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử và chợ online, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người tiêu dùng, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp chân chính.
Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát từ khâu sản xuất, lưu trữ hàng hóa đến các kênh phân phối trực tuyến và trực tiếp trên thị trường.