Phát hiện xưởng sản xuất 71 nghìn lít dầu ăn, 40 tấn mì chính giả Chuyên gia chỉ cách nhận biết bột ngọt, hạt nêm và dầu ăn giả Thu hồi toàn bộ sản phẩm mì chính giả của Famimoto Việt Nam |
![]() |
Kho sản xuất sữa bột giả bị công an phát hiện, triệt phá. Ảnh: VTV. |
Nhiều vụ sản xuất, tiêu thụ hàng giả bị phát hiện
Những ngày gần đây, hàng loạt vụ việc được lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện vi phạm làm dư luận xôn xao, lo lắng, thậm chí phẫn nộ. Một đường dây sản xuất và tiêu thụ gần 600 loại sữa giả suốt 4 năm, lợi dụng sức khỏe cộng đồng để thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.
Câu chuyện bức xúc về sữa giả chưa kịp lắng, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả quy mô lớn, thu giữ gần 10 tấn thuốc giả và nguyên liệu để sản xuất thuốc giả. Theo kết quả điều tra ban đầu, đường dây tồn tại suốt 4 năm, qua việc lợi dụng thói quen của người dân tự mua thuốc chữa bệnh (không có kê đơn của bác sĩ), sự thiếu hiểu biết khi tìm hiểu về nguồn gốc thuốc chữa bệnh.
Đồng thời, đường dây này nhắm vào nhóm người cao tuổi có nhu cầu mua, sử dụng các loại thuốc có tác dụng chữa bệnh về xương khớp, đau nhức, tê bại với giá thành rẻ, phù hợp với thu nhập của người già. Cùng đó, bị can cũng lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh dược phẩm tại quầy thuốc, nhà thuốc.
Hay mới đây, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 14 điểm kinh doanh trên tuyến phố Phan Văn Trường, thuộc khu Chợ Nhà Xanh, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cũng thu giữ hàng trăm sản phẩm là quần áo, giày dép, túi xách, ví, mũ lưỡi trai, tất chân, kính mắt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gucci, Dior, Adidas; Nike, Hermes, Channel; Louis Vuitton, Rayban, Porsche, Lacoste…
Gần đây nhất, tại chương trình bản tin thời sự tối 24/4 của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã đăng tải thông tin hiện nay cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiến hành điều tra và phát hiện vụ việc một số sản phẩm thực phẩm giả, không bảo đảm, trong đó có 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nghi là giả do Công ty TNHH Công nghệ Herbitech (địa chỉ: khối 8, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) sản xuất.
Cụ thể, 2 sản phẩm sức khỏe nghi là giả gồm: Sản phẩm ăn ngon Baby Shark và sản phẩm Medi Kid Calcium K2.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xác minh, xử lý, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không nên sử dụng 2 sản phẩm nêu trên cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan Công an.
Theo thông tin từ VTV, Baby Shark - một trong những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty TNHH công nghệ Herbitech sản xuất, với công dụng được công bố là bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ từ sơ sinh bị gầy yếu, đề kháng kém, biếng ăn. Tuy nhiên kết quả điều tra cho thấy cơ quan giám định đã xác định sản phẩm này là hàng giả.
Mới đây, tại Phú Thọ, Công an tỉnh đã đột kích xưởng sản xuất thực phẩm giả của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, thu giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm và gần 84 tấn phụ gia không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm này được tiêu thụ chủ yếu tại các bếp ăn công nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc hàng loạt và hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Đây chỉ là số ít trong hàng loạt vụ việc cho thấy hàng giả, hàng nhái đang len lỏi từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, sao chép mẫu mã, giả tem, mã vạch, thậm chí cả mã QR truy xuất… khiến người tiêu dùng hoang mang và mất niềm tin.
Không dừng lại ở đó, đối tượng còn tiếp cận và mượn danh với nghệ sĩ, người nổi tiếng, nhất là cá nhân có sức ảnh hưởng (KOL, KOC) trên nền tảng trực tuyến để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu các nghệ sĩ Việt vướng vào những ồn ào liên quan đến quảng bá sản phẩm sai công dụng, thổi phồng sự thật hoặc tiếp tay cho mặt hàng không rõ nguồn gốc.
Đơn cử, cuối năm 2024, đầu năm 2025, kẹo rau Kera - sản phẩm được quảng bá "một viên kẹo bằng một đĩa rau" bất ngờ trở thành hiện tượng mạng xã hội. Chỉ sau vài tuần, hàng trăm nghìn hộp được tiêu thụ nhờ chiến dịch quảng cáo rầm rộ từ các KOLs như Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên… Tuy nhiên, sau khi vụ việc bị phát giác, kiểm nghiệm cho thấy mỗi viên kẹo Kera chỉ chứa 0,016g chất xơ, thấp hơn hàng chục lần so với mức tối thiểu cần thiết để được gọi là bổ sung chất xơ. Thông tin ghi trên nhãn mác và nội dung quảng cáo đều không đúng sự thật.
Cần phải có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ
![]() |
Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam - Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ. |
Theo PGS.TS. Đồng Đại Lộc, để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, cần phải có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Trước hết, Quốc hội, Chính phủ cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng chế tài đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm, mỹ phẩm; áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc, thậm chí tù chung thân đối với các trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, cần quy định tịch thu toàn bộ tài sản thu lợi bất chính để triệt tiêu động cơ phạm tội.
Bên cạnh đó, cần thành lập các tổ công tác đặc biệt liên ngành ở cấp Trung ương và địa phương, chuyên trách về phòng, chống hàng giả; tăng cường kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Việc ứng dụng công nghệ cao như mã QR, Blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng cần được đẩy mạnh, kết hợp với siết chặt quản lý hoạt động thương mại điện tử, yêu cầu các sàn giao dịch chịu trách nhiệm liên đới về nguồn gốc hàng hóa.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức tiêu dùng, biết cách phân biệt hàng thật - hàng giả, tố giác kịp thời những hành vi vi phạm. Các phương tiện truyền thông đại chúng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc phát hiện, đưa tin, cảnh báo về hàng giả. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả kéo dài trên địa bàn quản lý. Có như vậy mới tạo được sự chuyển biến thực chất từ gốc rễ.
Còn ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nhấn mạnh: Cùng với việc hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp trong phòng chống hàng giả, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối sản phẩm, đặc biệt tại kênh bán lẻ nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Ngoài ra, Cục sẽ phối hợp liên ngành thiết lập giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường; phát huy vai trò của Phòng trưng bày hàng thật - hàng giả nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Mặt khác, tiếp tục thu thập phản ánh từ người tiêu dùng qua số điện thoại: 1900.888.655. Đây không chỉ là “kênh thông tin hai chiều” giữa người tiêu dùng với cơ quan chức năng, mà còn trở thành công cụ giám sát hiệu quả trong bối cảnh hàng giả chen chân vào thị trường bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp.