Truy xuất nguồn gốc - "Chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người tiêu dùng Truy xuất nguồn gốc – “Chìa khóa vàng” nâng tầm giá trị sản phẩm Truy xuất nguồn gốc – “Tấm vé thông hành” vào EU |
Gian lận thương mại gây mất niềm tin
![]() |
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường nhằm phát hiện vi phạm về nguồn gốc xuất xứ. |
Hàng giả, hàng nhái, buôn lậu vẫn đang là vấn nạn nhức nhối trong nền kinh tế, bất chấp các nỗ lực quản lý. Thống kê trong 5 tháng đầu năm 2025 cho thấy, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện và xử lý trên 40.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, với tổng giá trị xử phạt lên tới 6.500 tỷ đồng. Trong số này, các vụ giả mạo trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm tiếp tục là điểm nóng, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.
Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia (C12), Bộ Công an, nhận định: “Khi kinh tế số đang trở thành trụ cột tăng trưởng quốc gia, thì việc bảo đảm tính xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu quả quản lý và niềm tin của người tiêu dùng”. Thực tế hiện nay, nhiều bất cập vẫn tồn tại. Mã định danh chưa thống nhất trên toàn quốc, dữ liệu bị phân mảnh theo ngành, thiếu nền tảng tích hợp để kiểm soát chuỗi cung ứng khiến truy xuất nguồn gốc mới chỉ dừng ở hình thức.
Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh. Hàng giả không còn gói gọn trong cửa hàng truyền thống mà lan nhanh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và nền tảng xuyên biên giới. Người tiêu dùng, nếu không có công cụ xác thực, rất dễ rơi vào “ma trận” thông tin sai lệch về xuất xứ, chất lượng và thương hiệu sản phẩm.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), đưa ra một ví dụ cụ thể về cửa hàng bán túi xách nhái thương hiệu nổi tiếng. Nhìn bằng mắt thường có thể nhận biết hàng giả, nhưng do thiếu giấy tờ xác thực, cơ quan chức năng khó xử phạt. Trong khi đó, để khẳng định một sản phẩm là hàng giả, cần có xác nhận từ chính hãng – điều không dễ thực hiện trong vòng 24 giờ, theo quy định xử lý hiện hành.
Sự thiếu hụt cơ sở dữ liệu xác thực dẫn tới việc xử lý hàng giả gặp rào cản pháp lý, khiến hàng gian lận vẫn có đất sống. Người tiêu dùng thì mất niềm tin, còn doanh nghiệp chân chính lại chịu thiệt vì phải cạnh tranh không sòng phẳng với hàng giả giá rẻ, kém chất lượng.
Xác thực minh bạch củng cố thương hiệu
![]() |
Người tiêu dùng quét mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại điểm bán để kiểm chứng thông tin và xuất xứ hàng hóa. |
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, truy xuất nguồn gốc không thể chỉ là lựa chọn khuyến nghị mà phải trở thành một phần bắt buộc trong chiến lược quản lý nhà nước và phát triển thương hiệu quốc gia. Truy xuất không chỉ để chống hàng giả mà còn là nền tảng minh bạch hóa chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến tiêu dùng.
Đại tá Phạm Minh Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của các nền tảng công nghệ do chính doanh nghiệp Việt Nam phát triển: “Việc phát triển các nền tảng do doanh nghiệp trong nước làm chủ sẽ tạo lợi thế về bảo mật, tính tùy biến và phù hợp với thị trường nội địa”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, để phát huy tối đa hiệu quả, các nền tảng này cần được tích hợp vào hạ tầng dữ liệu quốc gia, được cơ quan quản lý đồng hành hỗ trợ về thể chế, kỹ thuật và an ninh.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ của Eco Pharma, cho biết công ty đã triển khai truy xuất bằng mã QR và các công cụ xác thực khác. Song ông cũng thừa nhận: “Hàng giả như ma trận, nên nếu các giải pháp xác thực không được kiểm chứng và không liên thông với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải tự mày mò, vừa tốn kém chi phí, vừa khó tạo lòng tin từ người tiêu dùng”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia, cũng cho rằng hiện nay đã có nhiều hệ thống truy xuất từ các doanh nghiệp lớn, nhưng chưa tuân theo tiêu chuẩn chung hoặc chưa kết nối liên ngành, liên tỉnh. “Muốn truy xuất hiệu quả, phải có chính sách thống nhất từ Trung ương đến địa phương, có nền tảng chung cho toàn quốc và hướng đến kết nối quốc tế”, ông nhấn mạnh.
Góc nhìn quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, và các nước châu Âu đã đi trước một bước khi xây dựng hệ thống mã hóa định danh sản phẩm trên toàn chuỗi sản xuất. Theo bà Marion Chaminade, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam: “Tại châu Âu, từ trang trại đến bàn ăn, mọi khâu đều bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc và gắn nhãn minh bạch. Công nghệ blockchain đang được ứng dụng rộng rãi để kiểm soát gian lận trong thực phẩm, dược phẩm và nông sản”.
Việt Nam hiện đã công bố 35 tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên, theo các chuyên gia, tiêu chuẩn chỉ là bước đầu. Điều quan trọng là phải đưa các tiêu chuẩn này vào vận hành thực tiễn, xuyên suốt chuỗi cung ứng và có sự giám sát đồng bộ từ cấp trung ương đến cơ sở.
Tại hội thảo, nhiều mô hình xác thực hàng hóa đã được giới thiệu, trong đó có các nền tảng kết nối trực tiếp với người tiêu dùng tại điểm bán, cho phép xác thực ngay lập tức thông qua thiết bị di động. Những công nghệ này nếu được phổ biến rộng rãi, có thể trở thành công cụ hữu hiệu để người tiêu dùng bảo vệ chính mình, đồng thời giúp doanh nghiệp tăng độ tin cậy với khách hàng.
Không chỉ là giải pháp kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc còn được xem như “chứng minh thư số” của sản phẩm trong thời đại số hóa. Khi Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và hội nhập sâu rộng, việc chứng minh nguồn gốc, quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng.
Xác thực truy xuất nguồn gốc không chỉ góp phần ngăn chặn gian lận thương mại mà còn là bước đi chiến lược để xây dựng thương hiệu minh bạch, phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Để điều đó trở thành hiện thực, cần một hệ sinh thái đồng bộ – từ chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ đến sự phối hợp giữa các bộ ngành, doanh nghiệp và người tiêu dùng.