Mỹ áp thuế đối ứng 46%, doanh nghiệp tìm cách vượt khó Doanh nghiệp Việt kỳ vọng cơ hội từ đàm phán Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường Halal là rất lớn |
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
![]() |
Sớm đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia là yếu tố quan trọng để ngăn chặn hàng giả. |
Từ thực tế vận hành hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm của thành phố Hà Nội cho thấy, do quy định mã số, mã vạch và mã QR trên sản phẩm chưa bắt buộc sử dụng nên việc thực hiện của doanh nghiệp còn hạn chế. Điển hình còn một số doanh nghiệp hiện không muốn kê khai thông tin truy xuất nguồn gốc do lo ngại nếu minh bạch thông tin truy xuất, các hệ thống phân phối như siêu thị có thể tiếp cận trực tiếp địa chỉ sản xuất và giao dịch, bỏ qua khâu trung gian.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng sợ việc công khai dữ liệu sẽ kéo theo sự giám sát chặt chẽ hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước như cơ quan thuế, đơn vị kiểm tra an toàn thực phẩm. Một nguyên nhân khác là do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận cán bộ quản lý, cho rằng việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa chưa thật sự cần thiết trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, từ thực tế những vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả nghiêm trọng gần đây cho thấy, sự phát triển của xã hội đã nhanh hơn tư duy quản lý; đã đến lúc không thể làm ngơ mà cần phải siết chặt công tác quản lý bằng công nghệ để tránh các rủi ro tương tự xảy ra.
Bên cạnh đó, bối cảnh thúc đẩy chuyển đổi số từ Nghị quyết số 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra bài toán chuyển đổi số cho sản phẩm hàng hóa. Nghị quyết đã đề cập việc đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số, bảo đảm kinh tế số các ngành, lĩnh vực, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số. Thực hiện chuyển đổi số chính là khoác cho sản phẩm hàng hóa chiếc áo mới hiện đại hơn, dễ kết nối hơn và quan trọng nhất là dễ kiểm chứng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Theo ông Bùi Bá Chính - Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia, thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-TW, cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ để chuyển đổi số chuỗi cung ứng, áp dụng công nghệ số vào mọi khâu từ sản xuất, lưu kho, vận chuyển đến phân phối nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả quản lý nhà nước.
Ví dụ: Trong quy trình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, việc ghi chép bằng phương pháp thủ công không chỉ làm tăng nguy cơ sai sót mà còn dễ bị lợi dụng để làm giả hồ sơ, làm sai lệch thực tế sản xuất. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính minh bạch và độ tin cậy của sản phẩm. Ngược lại, nếu ứng dụng công nghệ để ghi chép nhật ký sản xuất điện tử theo thời gian thực, doanh nghiệp có thể quản lý toàn trình chuỗi cung ứng một cách minh bạch, chính xác, góp phần khẳng định chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử phát triển lành mạnh, bền vững.
Khi mã QR vẫn chưa được chuẩn hóa đồng bộ, thiếu cơ chế liên thông giữa các hệ thống và chưa có sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng, nguy cơ mất niềm tin từ phía người tiêu dùng là hiện hữu. Đây cũng chính là kẽ hở để hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi và làm xáo trộn thị trường hàng thật. Do đó, mặc dù hiện nay chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhưng một khi đã triển khai, doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ theo quy định các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc đã ban hành; mọi hành vi cung cấp thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ đều có thể bị coi là hành vi gian dối đối với người tiêu dùng.
Đặc biệt, sớm đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia là yếu tố quan trọng để ngăn chặn hàng giả. Hiện cổng này vẫn bị gián đoạn khi lượng truy cập tăng và chưa thể dùng chung dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Doanh nghiệp cần phải kê khai các thông tin về chuỗi cung ứng (vùng trồng, nguyên liệu, quy trình sản xuất, lô hàng…) lên hệ thống này để các bên giám sát, và quy trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.
Khi đã kê khai trên cổng, doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, buộc phải thực hiện theo thông tin đã công bố. Với người dân, họ có thể truy cập vào cổng để kiểm tra nguồn gốc, quy trình, chất lượng của sản phẩm đang lưu hành ở trong cả nước. Lấy thí dụ, trong vụ sản xuất, tiêu thụ sữa giả vừa qua, các đối tượng công bố sản phẩm chủ yếu ở một địa phương và tiêu thụ ở một địa phương khác, trong khi dữ liệu không chia sẻ, do đó, nếu thông tin được đưa lên Cổng thì cơ quan quản lý tại địa phương có sản phẩm tiêu thụ sẽ có được các thông tin để truy xuất, quản lý.
Xây dựng niềm tin mạnh mẽ với khách hàng
![]() |
Với doanh nghiệp, việc sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lợi ích. |
Theo ông Đỗ Quang Thuần - Trưởng phòng Marketing - Công ty TNHH Xuất-Nhập khẩu và bán lẻ hàng tiêu dùng Hà Nội - hệ thống siêu thị BRG Mart và Haprofood cho biết, hàng hóa trước khi đến tay khách hàng đã qua ba lớp kiểm soát chất lượng của siêu thị. Đầu tiên, khi làm việc với nhà cung cấp hàng hóa, siêu thị phải khảo sát nơi sản xuất, hệ thống dây chuyền và các giấy tờ liên quan tiêu chuẩn sản xuất.
Khi hàng hóa đến siêu thị, hệ thống an ninh và thanh tra sẽ kiểm soát chất lượng ngay lúc nhận với đầy đủ các chứng từ nhập, chứng nhận kiểm soát chất lượng do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Cuối cùng, khi hàng hóa lên kệ, nhân viên ngành hàng kiểm soát chất lượng sản phẩm đã lên đầy đủ và có đạt yêu cầu hay chưa, đồng thời phải thường xuyên chăm sóc hàng hóa theo đúng tiêu chuẩn trưng bày. Tuy nhiên, đối với hàng tưới sống siêu thị chỉ có công cụ kiểm soát bằng cảm quan, còn sản phẩm đó lấy từ nguồn nào thì siêu thị chỉ có thể kiểm soát qua các giấy chứng nhận, cấp phép lưu thông hàng hóa do cơ quan quản lý nhà nước quy định.
Đánh giá từ thực tế kiểm soát chất lượng tại siêu thị, ông Thuần chia sẻ: "Siêu thị chỉ đánh giá được vùng trồng khi ký kết, còn sau đó thì hằng ngày đánh giá chất lượng bằng cảm quan. Có thể có trường hợp do bị đứt sản lượng, nhà cung cấp nhập rau từ bên ngoài vào và siêu thị không kiểm soát được. Đó là hành vi gian lận thương mại” .
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, cũng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng theo đúng nội dung đã công bố. Trong khi đó, rất nhiều khách hàng không quan tâm, không biết hoặc không cần tìm hiểu xem mã QR được in trên vỏ sản phẩm để làm gì. Phần lớn người mua hàng đều chỉ dùng điện thoại để quét QR trả tiền hàng mà không quét QR để tìm hiểu thông tin của sản phẩm. Điều này gián tiếp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là khi hàng hóa không bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ và an toàn thực phẩm.
Chỉ khi người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi của mình thì mới ép buộc được người bán minh bạch chất lượng sản phẩm. Với doanh nghiệp, việc sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lợi ích. Mỗi sản phẩm có mã QR sẽ giúp doanh nghiệp công khai thông tin chi tiết về quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu, ngày sản xuất và các chứng nhận chất lượng, từ đó xây dựng niềm tin mạnh mẽ với khách hàng.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc áp dụng mã QR truy xuất nguồn gốc không chỉ bảo đảm tuân thủ quy định quốc tế về chất lượng sản phẩm mà còn giúp nâng cao uy tín thương hiệu trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, việc doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ giúp minh bạch hóa quy trình sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hưởng các ưu đãi thuế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.