Có thật Việt Nam đang áp thuế quan 90% với hàng hóa Hoa Kỳ? Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam: VASEP kiến nghị “khẩn” với Thủ tướng Tin vui cho hàng Việt Nam đang trên đường đến Mỹ |
![]() |
Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt cho biết, dù ông và đối tác Hoa Kỳ có lo lắng nhưng vẫn chờ cơ hội từ đàm phán. Ảnh TTXVN |
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị đánh thuế đối ứng cao 46% đối với 90% mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, dự định có hiệu lực từ ngày 9/4.
Kỳ vọng thuế nhập khẩu ở mức thấp
Chia sẻ trên báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt cho biết, dù ông và đối tác Hoa Kỳ có lo lắng nhưng vẫn chờ cơ hội từ đàm phán. Riêng ngành gỗ, ông Lam cho hay, từ ngày 31/3 vừa qua, phía Việt Nam đã giảm thuế đối với hàng hóa từ Mỹ.
“Theo quan điểm của chúng tôi, thuế đối ứng sẽ áp dụng với từng mặt hàng theo mã số HS code, vì vậy không có gì lo lắng quá, Chính phủ sẽ làm việc với phía Hoa Kỳ. Trong trường hợp nếu thuế đối ứng phía Mỹ áp mạnh cho ngành gỗ Việt Nam khoảng 10%, các đối tác làm ăn với chúng tôi sẽ chia đôi, mỗi bên chịu thuế 5%. Hiện tại, mọi thứ vẫn đang bình thường, không có gì đáng lo ngại.
Về kim ngạch xuất hàng sang Mỹ, doanh nghiệp chúng tôi đang xuất đi Mỹ với đơn hàng chiếm 50% và hiện tại chúng tôi nhận các đơn hàng xuất khẩu đến tháng 9, hết quý II/2025.
Về đa dạng thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp của tôi và các doanh nghiệp hiệp hội đã làm hàng năm qua rồi, không đợi đến khi Mỹ đưa việc đánh thuế. Chúng tôi hướng đến Hàn Quốc, Australia, Trung Đông”, ông Nguyễn Thanh Lam nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết năm 2024 công ty xuất khẩu (XK) rau quả vào thị trường Mỹ đạt 62 triệu USD, chiếm đến 60% tổng kim ngạch XK của công ty. Riêng số lượng hàng hóa xuất sang Mỹ trong tháng 2 - 3 vẫn đang trên biển với hơn 40 container khiến ông đứng ngồi không yên. Mới đây, thông báo từ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) về các trường hợp miễn trừ thuế đối ứng cho những sản phẩm đã được xếp lên tàu tại cảng xếp hàng và đang trong quá trình vận chuyển nhập cảnh vào Mỹ trước 12 giờ 1 phút sáng (giờ EDT - giờ miền Đông) ngày 5/4 khiến ông Tùng quẳng được gánh lo trước mắt.
"Những trao đổi, đàm phán của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước với phía Mỹ có thể sẽ mang lại kết quả tích cực trong vài ngày tới. Ngành rau quả VN đang nhập siêu từ Mỹ, chúng ta nhập khẩu 540 triệu USD nhưng chỉ bán vào nước này 360 triệu USD. Vì vậy, tôi hy vọng mức thuế đối ứng sẽ không quá cao so với thuế nhập khẩu vào Mỹ hiện tại là từ 0 - 5%", ông Tùng nói.
Giám đốc một doanh nghiệp (DN) thủy sản cũng bày tỏ lạc quan mức thuế đối ứng áp cho ngành này sẽ thấp hơn nhiều so với mức đã công bố. Bởi các mặt hàng thủy hải sản của VN hầu như sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu minh bạch, không có chuyện gian lận xuất xứ. Đây là thực tế sẽ được phía Mỹ đánh giá cao khi xem xét đưa ra thuế đối ứng cho từng nhóm sản phẩm. Công ty ông đang XK cá rô phi vào thị trường Mỹ với thuế suất bằng 0%, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch XK hằng năm. "Hiện sản phẩm cá rô phi của VN vẫn cạnh tranh chính với sản phẩm từ Trung Quốc vì các đối thủ từ Mexico, Indonesia sản lượng không cao. Nếu thuế đối ứng sản phẩm thủy sản của VN vào Mỹ không quá cao thì vẫn có thể cạnh tranh được", vị này nhận định, theo Báo Thanh Niên.
Các kịch bản về thuế cần tính đến
![]() |
Bà Võ Thị Liên Hương - tổng giám đốc Secoin. |
"Diễn biến những ngày tới chưa biết thế nào, nhưng khó tệ hơn những gì chúng ta đã nghe", bà Võ Thị Liên Hương - tổng giám đốc Secoin - một công ty có hàng xuất khẩu vào Mỹ - nói trong một cuộc họp khẩn do Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (CFO) vừa tổ chức, theo Báo Tuổi Trẻ.
"Bối cảnh mới cần sự tăng cường hợp tác hơn nữa giữa doanh nghiệp và đối tác", bà Hương xác định thuế quan Mỹ là rủi ro đến từ bên ngoài, sự chia sẻ lúc này rất cần thiết.
Theo CEO Secoin, thuế nhập khẩu sẽ đánh trên giá hàng hóa doanh nghiệp bán sang Mỹ. Khả năng tăng giá sẽ đặt ra, nên cả nhà sản xuất, phân phối, bán lẻ cùng phải tính toán, san sẻ.
Ông Nguyễn Quang Thuân - chủ tịch Fiingroup - nói thêm, tất cả đang kỳ vọng kịch bản tốt về thuế quan đối ứng của Mỹ sau động thái thiện chí từ Việt Nam.
Với khả năng mức thuế 46% vẫn được giữ, GDP Việt Nam sẽ giảm hơn 1%, chủ tịch công ty chuyên dữ liệu tài chính lớn ở Việt Nam - ước tính.
Tuy nhiên ví ông Trump là một "trùm thỏa thuận", ông Thuân nói khả năng đàm phán sẽ nhận được kết quả tích cực hơn.
Cho rằng có thể sẽ không có mức thuế bình thường như trước đây, nhưng nếu mức thuế lùi về 15-20%, ông Thuân dự báo với mức thuế này, Việt Nam lại trở thành nước cạnh tranh hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Linh - trưởng phòng nghiên cứu Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) - đưa ra hai kịch bản cần lưu ý với doanh nghiệp.
Với kịch bản mức thuế quan lùi 1 tháng theo đề nghị của Việt Nam để chờ thương thảo, các đơn hàng đang sản xuất sẽ được yêu cầu làm thật nhanh để giao kịp trước khi mốc thuế mới có hiệu lực. "Lúc này chúng ta cần lo tới phương án logistics, giá vận chuyển có thể tăng cao khi đơn hàng dồn dập", ông Linh lưu ý.
Còn với khả năng lùi lại 3 tháng, đơn hàng mới có thể sẽ tăng đột biến để tranh thủ lúc thuế thấp, liệu lúc này năng lực của chúng ta có đáp ứng được không, ông Linh đặt vấn đề.