Chuyển đổi số mở lối phát triển cho doanh nghiệp tư nhân Chuyển đổi số tiểu thương: Sản phẩm “cầm tay chỉ việc” từ Bộ Công Thương Chuyển đổi số HTX không thể làm theo phong trào |
Nhiều hợp tác xã vẫn đứng ngoài cuộc
![]() |
Các hợp tác xã nông nghiệp đang từng bước tiếp cận công nghệ, hướng đến nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý trong quá trình chuyển đổi số. |
Dù được coi là giải pháp then chốt nhằm nâng cao năng suất và tối ưu hóa chi phí, quá trình chuyển đổi số tại khu vực hợp tác xã nông nghiệp vẫn gặp nhiều lực cản. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện mới chỉ có khoảng 2.600 trong tổng số hơn 22.500 hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước ứng dụng phần mềm hoặc công nghệ số – một con số còn quá khiêm tốn trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang bước vào giai đoạn tăng tốc.
Thực tế cho thấy, nhiều hợp tác xã vẫn chưa hình dung rõ vai trò của số hóa trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh. Phần lớn còn quen thuộc với phương thức sản xuất truyền thống, chưa có thói quen ghi chép, lưu trữ và phân tích dữ liệu. Bên cạnh đó, không ít hợp tác xã có quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư cho công nghệ, hạ tầng mạng yếu, thiết bị lạc hậu và chưa có phần mềm quản trị phù hợp. Những yếu tố này khiến khả năng tiếp cận công cụ kỹ thuật số gần như bị giới hạn.
Ông Mai Quang Vinh - Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, nhận định: “Rào cản lớn nhất không nằm ở công nghệ mà chính là tư duy. Nhiều hợp tác xã vẫn ngại thay đổi, chưa có thói quen sử dụng dữ liệu để ra quyết định, trong khi đó lại rất thiếu nhân sự trẻ và gặp khó khăn trong tiếp cận chính sách hỗ trợ”.
Sự chậm trễ này đang khiến hợp tác xã Việt Nam rơi vào thế bất lợi trước các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế. Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cảnh báo: “Từ năm 2027, nhiều thị trường xuất khẩu sẽ yêu cầu sản phẩm phải có chứng chỉ carbon, chỉ số phát thải và truy xuất nguồn gốc chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn ESG. Nếu không sớm chuyển đổi số, hợp tác xã Việt Nam sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Trong khi đó, một số hợp tác xã tiên phong đã cho thấy kết quả tích cực. Đơn cử như Hợp tác xã Nông nghiệp Hena (Đắk Lắk), với chiến lược đầu tư bài bản vào hoạt động trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, đã mở rộng thị trường xuất khẩu tới Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand và Australia. Việc áp dụng công nghệ số trong quản lý cũng giúp hợp tác xã này giảm tới 30% chi phí vận hành, tiết kiệm vật tư từ 15–20% và nâng năng suất sản xuất lên gần 28%. Thực tế đó phản ánh rõ khoảng cách giữa tiềm năng và thực tiễn chuyển đổi số trong khu vực hợp tác xã – một điểm nghẽn lớn cần được tháo gỡ bằng các giải pháp đồng bộ và thiết thực.
Đổi tư duy để dẫn dắt chuyển đổi
![]() |
Nhờ chuyển đổi số, nhiều sản phẩm của hợp tác xã đã có chỗ đứng trên thị trường. |
Để chuyển đổi số thành công, các hợp tác xã không thể chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ hay thiết bị phần mềm, mà cần bắt đầu từ thay đổi tư duy quản trị và cách thức tổ chức sản xuất. Đây không chỉ là khuyến nghị từ chuyên gia mà còn là yêu cầu sống còn trong tiến trình phát triển hiện đại và hội nhập sâu rộng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, nguyên Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, chuyển đổi số là quá trình tái cấu trúc toàn diện: “Không thể chỉ cài phần mềm hay lập trang fanpage mà gọi là số hóa. Hợp tác xã phải thay đổi từ phương thức điều hành, mô hình kinh doanh đến cách quản lý nội bộ thì mới có thể phát triển bền vững”.
Tại hội thảo do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức, nhiều gợi ý thực tiễn đã được đưa ra. Trước hết, cần phát triển mô hình hợp tác ba bên giữa Nhà nước – doanh nghiệp công nghệ – hợp tác xã. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, hỗ trợ tín dụng công nghệ, xây dựng nền tảng số dùng chung như phần mềm kế toán, cổng quản lý hợp tác xã, hệ thống truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp công nghệ đảm nhận cung cấp giải pháp số phù hợp với quy mô và đặc thù từng hợp tác xã. Còn hợp tác xã cần chủ động chuyển đổi từ bên trong, sẵn sàng đổi mới phương thức điều hành và mở rộng hợp tác.
Cùng với đó, việc đào tạo kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ và thành viên hợp tác xã – đặc biệt là lực lượng trẻ – cần được thúc đẩy. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, khoảng 60% hợp tác xã và nông dân sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ tư vấn và thông tin dự báo nếu được tiếp cận bằng phương thức phù hợp. Điều này cho thấy tinh thần học hỏi, tiếp cận công nghệ đã sẵn sàng – điều cần thiết là phải có định hướng dẫn dắt đúng.
Song song với đào tạo, cần xây dựng hệ sinh thái số nông nghiệp gắn với tiêu chuẩn ESG và các yêu cầu thị trường quốc tế như dấu chân carbon (carbon footprint), chỉ số phát thải và truy xuất chuỗi giá trị. Khi số hóa được gắn kết với minh bạch chuỗi sản xuất, sản phẩm của hợp tác xã sẽ gia tăng sức cạnh tranh và đủ điều kiện tham gia vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Chuyển đổi số cần được nhìn nhận như một phần trong chiến lược phát triển bền vững của khu vực hợp tác xã. Việc này cần được lồng ghép hiệu quả với các chương trình lớn như chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và chiến lược tăng trưởng xanh. Khi được tích hợp một cách hợp lý, chuyển đổi số sẽ trở thành công cụ then chốt giúp hợp tác xã nông nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy quản trị thông minh và từng bước xây dựng vị thế mới trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là đầu tư thiết bị hay triển khai phần mềm, mà là một quá trình thay đổi tư duy, đổi mới cách làm và tái tổ chức quản trị. Hợp tác xã cần chủ động nắm bắt công nghệ, mạnh dạn đổi mới mô hình hoạt động và kết nối đúng các nguồn lực hỗ trợ. Khi làm được điều đó, các hợp tác xã không chỉ nâng cao năng lực sản xuất – kinh doanh mà còn sẵn sàng hội nhập thị trường toàn cầu một cách tự tin và bền vững.