OCOP và cuộc chuyển mình sau sáp nhập OCOP Hà Nội: Đậm đà bản sắc – Vững vàng hội nhập OCOP – Chuyển hóa giá trị văn hóa thành giá trị kinh tế |
![]() |
Các sản phẩm OCOP Lào Cai (trước khi sáp nhập) được giới thiệu, quảng bá qua các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại. |
Bối cảnh mới - Cơ hội lớn để hình thành vùng OCOP quy mô
Tính đến tháng 6/2025, Việt Nam đã hoàn thành việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh, đồng thời thu gọn khoảng 1.243 xã và 50 huyện trên cả nước. Cùng với đó, hơn 14.600 sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó đa số đạt chuẩn 3 sao và 4 sao. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng các vùng sản xuất – chế biến – tiêu thụ OCOP theo hướng chuỗi giá trị.
Việc thu hẹp ranh giới hành chính tạo điều kiện để các địa phương xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm OCOP theo vùng thay vì cục bộ theo từng xã. Sau sáp nhập, nhiều địa phương đã chủ động rà soát, tái cơ cấu sản phẩm, vùng nguyên liệu, đồng thời xác định lại sản phẩm chủ lực mang tính vùng miền.
Điển hình như tỉnh Bắc Ninh mới (sáp nhập giữa Bắc Giang và Bắc Ninh) đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 có 500 sản phẩm OCOP, trong đó nhiều sản phẩm đạt 4 sao và phấn đấu có thêm sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Tỉnh Thanh Hóa cũng xây dựng kế hoạch phân hạng cho 323 sản phẩm OCOP, tập trung vào các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực như chè, miến dong, các sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Khu vực nguyên là tỉnh Bình Thuận – hiện nay thuộc tỉnh Lâm Đồng mới (sáp nhập Bình Thuận, Lâm Đồng và Đắk Nông) – xác định các sản phẩm như nước mắm, thanh long, yến sào là nhóm OCOP chủ lực, được định hướng phát triển trong chuỗi liên kết vùng, tận dụng tiềm năng xuất khẩu và lợi thế kết nối hạ tầng giao thông nội vùng.
Một xu hướng đáng chú ý là nhiều địa phương đã bắt đầu xây dựng “bản đồ vùng OCOP”, định hướng vùng nguyên liệu, sản phẩm đặc trưng để hình thành vùng liên kết chặt chẽ. Tỉnh Lào Cai cũ là ví dụ tiêu biểu với 21 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao trong tháng 6/2025, trong đó có cá hồi Sa Pa, mật ong Bát Xát và gạo Séng Cù. Các tỉnh như Sơn La, Lai Châu vẫn đang đẩy mạnh phân vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn OCOP. Riêng Quảng Trị sau khi sáp nhập với Quảng Bình thành tỉnh Quảng Trị mới, đang có kế hoạch xây dựng vùng liên kết OCOP quy mô liên tỉnh, tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu liền mạch và hệ thống giao thông kết nối để phát triển các sản phẩm chủ lực như hồ tiêu, cà phê, và thủy sản nước ngọt.
Liên kết vùng và chuyển đổi số - bước nhảy đại cho OCOP Việt
Sáp nhập hành chính tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các chuỗi giá trị liên tỉnh, liên huyện trong phát triển sản phẩm OCOP. Nhiều tỉnh đã quy hoạch vùng nguyên liệu theo hướng chuyên canh tập trung, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi: từ trồng trọt, sơ chế đến chế biến và tiêu thụ. Xã A trồng nguyên liệu, xã B sơ chế, xã C chế biến và đóng gói – mô hình này đang dần phổ biến tại các vùng sản xuất lớn.
Lợi ích rõ rệt là tiết kiệm chi phí vận chuyển, nâng cao năng suất, đồng thời đảm bảo chất lượng đồng đều và dễ dàng kiểm soát truy xuất nguồn gốc. Các địa phương như tỉnh Bắc Ninh mới, khu vực Bình Thuận thuộc tỉnh Lâm Đồng mới, tỉnh Hưng Yên mới (sáp nhập Thái Bình và Hưng Yên), An Giang, và tỉnh Lào Cai mới (sáp nhập Yên Bái và Lào Cai) đã triển khai mạnh chuyển đổi số trong OCOP: gắn mã QR, áp dụng phần mềm quản lý, đào tạo livestream, bán hàng qua nền tảng TikTok, Shopee, Lazada…: gắn mã QR, áp dụng phần mềm quản lý, đào tạo livestream, bán hàng qua nền tảng TikTok, Shopee, Lazada…
![]() |
Liên kết vùng và chuyển đổi số - bước nhảy đại cho OCOP Việt. |
Phiên chợ OCOP online do khu vực Bình Thuận (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng mới) tổ chức vào tháng 6/2025 đã thu hút hơn 6 triệu lượt truy cập trong vòng 3 ngày. Đây là minh chứng cho tiềm năng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua nền tảng số, giảm phụ thuộc vào kênh truyền thống.
Tính đến giữa năm 2025, cả nước có hơn 2.100 hợp tác xã nông nghiệp tham gia chương trình OCOP. Tuy nhiên, không ít HTX gặp khó khăn sau sáp nhập do phải điều chỉnh giấy tờ pháp lý, đổi tên đơn vị, đăng ký nhãn hiệu mới. Trường hợp của HTX quýt hồng Lai Vung là một ví dụ: sau khi sáp nhập địa danh, đơn vị lo ngại thương hiệu bị ảnh hưởng vì mất yếu tố địa phương trong tên gọi.
Giải pháp đặt ra là cần có cơ chế linh hoạt trong việc giữ tên gọi truyền thống, hỗ trợ HTX hoàn thiện thủ tục hành chính và định danh lại sản phẩm OCOP phù hợp với địa giới mới. Đồng thời, các tỉnh cần xây dựng chiến lược nâng hạng sản phẩm OCOP, chuyển từ số lượng sang chất lượng để tăng sức cạnh tranh.
Từ nền tảng hiện có đến chiến lược toàn quốc cho OCOP
Chương trình OCOP không chỉ là một phần của nông thôn mới nâng cao mà còn là trụ cột thúc đẩy kinh tế nông nghiệp hiện đại. Việc sáp nhập đơn vị hành chính đã mở ra không gian mới để tổ chức lại hệ thống OCOP theo hướng vùng liên kết, thay vì manh mún như trước đây. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, cần chiến lược đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Thứ nhất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường – cơ quan mới sau khi hợp nhất Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT – cần phối hợp với các tỉnh xây dựng “bản đồ OCOP quốc gia” nhằm xác định sản phẩm chủ lực theo vùng sinh thái, hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng liên tỉnh. Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh số hóa OCOP – từ hồ sơ sản phẩm, mã QR truy xuất, gian hàng số đến đào tạo kỹ năng kinh doanh online cho HTX và doanh nghiệp nhỏ. Thứ ba, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ tài chính, xúc tiến thương mại và bảo vệ thương hiệu OCOP trong bối cảnh địa giới thay đổi.
Mặt khác, công tác nâng cao chất lượng sản phẩm cũng cần được chú trọng, đặc biệt với các sản phẩm 3 sao đang chiếm đa số. Mục tiêu là tăng tỷ lệ sản phẩm 4 sao, 5 sao và có khả năng xuất khẩu. Đồng thời, cần khuyến khích các HTX, doanh nghiệp tham gia OCOP liên kết với du lịch cộng đồng, phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ, ứng dụng công nghệ chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm.
Sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn tạo bước ngoặt về tư duy phát triển kinh tế địa phương. OCOP có cơ hội bứt phá khi được quy hoạch theo vùng, liên kết chuỗi giá trị, số hoá và được hỗ trợ từ cấp trung ương tới địa phương. Đây chính là thời điểm vàng để OCOP Việt Nam vươn tầm, trở thành thương hiệu quốc gia từ những giá trị bản địa – không chỉ là sản phẩm, mà còn là câu chuyện văn hóa, bản sắc của từng vùng đất.
![]() |
![]() |
![]() |