Định vị lại giá trị sản phẩm OCOP
![]() |
Sản phẩm OCOP của hợp tác xã nông thôn được chuẩn hóa mẫu mã và kiểm soát chất lượng để tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. |
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được coi là một sáng kiến chiến lược của Việt Nam trong việc nâng cao giá trị nông sản và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Qua nhiều năm triển khai, chương trình đã để lại dấu ấn rõ nét khi gia tăng hàm lượng giá trị cho sản phẩm địa phương, đồng thời giúp người dân tiếp cận phương thức sản xuất hiện đại, từng bước hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương và sự hỗ trợ chính sách từ trung ương, nhiều sản phẩm OCOP đã vượt qua giới hạn của đặc sản vùng miền để trở thành hàng hóa được ưa chuộng trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Tính đến nay, cả nước đã có 16.855 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó hơn 75% là sản phẩm 3 sao, gần 23% là 4 sao và 126 sản phẩm được công nhận 5 sao – tức đạt chuẩn hàng hóa quốc gia. Sự tham gia của 9.822 chủ thể, bao gồm doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình và tổ hợp tác, cho thấy sức lan tỏa cũng như tính thực tiễn cao của chương trình.
Đặc biệt, trong số các chủ thể tham gia OCOP, có tới 40% là phụ nữ và hơn 17% là người dân tộc thiểu số. Điều này cho thấy OCOP không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy bình đẳng giới, bao trùm xã hội và phát huy tri thức bản địa. Sản phẩm OCOP ngày càng đáp ứng các tiêu chí cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, bao bì thân thiện với môi trường và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Chương trình OCOP vẫn gặp phải không ít thách thức. Nhiều chủ thể sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, thiếu vùng nguyên liệu ổn định, công nghệ còn hạn chế và gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng đầu tư. Điều này khiến một số sản phẩm dù có tiềm năng nhưng không thể mở rộng quy mô hoặc duy trì chất lượng ổn định.
Không ít siêu thị quốc tế đánh giá cao chất lượng sản phẩm OCOP Việt Nam, nhưng vẫn phản ánh tình trạng nguồn cung chưa đủ lớn, chất lượng chưa đồng đều. Do đó, định hướng trong thời gian tới không chỉ dừng lại ở mở rộng số lượng mà cần tập trung nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, đậm bản sắc văn hóa và tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Vấn đề này được đặt ra rõ ràng tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì vào sáng 4/7, nhằm lấy ý kiến về việc sửa đổi Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong bối cảnh chính quyền địa phương đang được tổ chức lại theo mô hình hai cấp, việc hoàn thiện khung pháp lý là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm chất lượng đánh giá và tránh khoảng trống chính sách.
Hướng tới thương hiệu quốc gia bền vững
![]() |
Các sản phẩm OCOP tiêu biểu được giới thiệu tại sự kiện quảng bá thương hiệu Việt Nam, hướng đến xây dựng thương hiệu hàng hóa quốc gia. |
Một trong những mục tiêu trọng tâm là xây dựng sản phẩm OCOP như một thương hiệu quốc gia, thay vì chỉ dừng lại ở cấp địa phương. Nghĩa là, bất kể sản phẩm được sản xuất bởi hộ gia đình, hợp tác xã hay cộng đồng, nếu đạt tiêu chuẩn quốc gia thì cần được bảo hộ pháp lý, hỗ trợ xúc tiến thương mại và định vị như đại diện cho giá trị hàng hóa Việt Nam.
Tại cuộc họp ngày 4/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Mỗi sản phẩm OCOP cần được nhìn nhận như một hàng hóa quốc gia, được bảo vệ bằng pháp lý và truyền thông dựa trên câu chuyện văn hóa, lịch sử, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Ông yêu cầu việc đánh giá, công nhận sản phẩm phải gắn với tiêu chuẩn cao, đảm bảo tính chuyên môn, khách quan và có sự phối hợp liên ngành – tránh tình trạng “vừa làm, vừa điều chỉnh”.
Về thẩm quyền đánh giá, đề xuất chuyển trách nhiệm phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao từ cấp huyện lên cấp tỉnh được đồng thuận cao. Các ý kiến cho rằng cấp tỉnh có đủ năng lực chuyên môn, bộ máy tổ chức và nhân sự để đảm bảo uy tín và chất lượng sản phẩm. Trường hợp địa phương đủ điều kiện, có thể đề xuất phân cấp cho cấp xã thực hiện, nhưng cần kèm theo cơ chế phối hợp rõ ràng, quy trình minh bạch và hướng dẫn chi tiết để tránh tình trạng đánh giá cảm tính.
Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Hồ Xuân Hùng, nhấn mạnh rằng việc để cấp tỉnh công nhận sản phẩm 3 sao dù khiến chủ thể sản xuất vất vả hơn nhưng sẽ giúp gia tăng uy tín, bảo vệ giá trị và nâng tầm thương hiệu OCOP. Thực tế đã có những sản phẩm OCOP trở thành quà tặng đối ngoại cấp cao, tạo niềm tự hào cho cộng đồng địa phương và khẳng định vai trò không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa của chương trình.
Để tránh lặp lại tình trạng “vừa làm, vừa sửa”, việc ban hành Bộ tiêu chí mới cần được xây dựng với tầm nhìn dài hạn, có sự tham gia của đầy đủ các bên liên quan – từ bộ ngành trung ương, hiệp hội chuyên môn, chính quyền địa phương đến các chủ thể sản xuất. Cơ chế đánh giá và công nhận cần hướng đến tính liên ngành, liên kết vùng, đảm bảo tính thống nhất và minh bạch.
Với định hướng này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Quyết định số 148 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhằm tránh khoảng trống pháp lý. Song song đó, Bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội và địa phương xây dựng Chương trình OCOP theo hướng bài bản, chiến lược và phù hợp với bối cảnh hội nhập.
Tương lai của OCOP không nằm ở số lượng sản phẩm được xếp hạng, mà ở năng lực cạnh tranh và khả năng chinh phục thị trường. Việc ứng dụng công nghệ số, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu vùng miền và mở rộng hệ thống phân phối hiện đại sẽ là những yếu tố cốt lõi giúp OCOP trở thành thương hiệu quốc gia, đưa nông sản Việt vươn tầm thế giới.