Sáp nhập tỉnh mở lối mới cho sản phẩm OCOP Phát huy giá trị OCOP trong giai đoạn mới OCOP xuất khẩu – Cơ hội vươn xa cho đặc sản Việt |
Sản phẩm OCOP vẫn thiếu sức bật
![]() |
Sản phẩm OCOP được bày bán tại hội chợ với mẫu mã còn đơn giản, chưa đáp ứng yêu cầu về thiết kế, truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn thị trường hiện đại. |
Sau nhiều năm triển khai trên cả nước, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mang lại những chuyển biến tích cực cho kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, khi số lượng sản phẩm gia tăng nhanh chóng, nhiều địa phương lại đối mặt với một thách thức lớn: làm thế nào để sản phẩm OCOP đủ sức cạnh tranh trên thị trường rộng lớn – không chỉ quanh quẩn trong làng xã mà còn tiến xa vào hệ thống siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài.
Hiện nay, cả nước đã công nhận hơn 16.000 sản phẩm OCOP. Dù nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, phần lớn vẫn chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. Nhiều chủ thể OCOP là hộ gia đình và hợp tác xã nhỏ, thiếu máy móc hiện đại và nhân lực chuyên sâu về truyền thông, marketing, thiết kế bao bì. Vì vậy, dù sản phẩm sạch và ngon, nhưng lại thiếu điểm nhấn hình ảnh, nhãn mác sơ sài, thông tin chưa đầy đủ, truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Đây là những rào cản lớn khiến sản phẩm khó vào được hệ thống phân phối chuyên nghiệp hoặc không đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ngay tại Hà Nội – địa phương đang dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với hơn 3.400 sản phẩm – những khó khăn cũng không hề nhỏ. Nhiều sản phẩm của Thủ đô vẫn loay hoay định vị thương hiệu, chưa tiếp cận được các siêu thị lớn hay sàn thương mại điện tử. Một số làng nghề truyền thống như mây tre Phú Vinh, cốm Mễ Trì dù đã có nỗ lực cải tiến mẫu mã, vẫn rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền và doanh nghiệp phân phối để có thể tiến xa hơn.
Thực tế cho thấy, các siêu thị lớn và đối tác nước ngoài đánh giá cao chất lượng nhiều sản phẩm OCOP, nhưng vẫn còn e ngại về khả năng cung ứng ổn định, quy trình sản xuất thiếu đồng bộ, và chưa đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường toàn cầu. Thiếu sự liên kết giữa hộ sản xuất, vùng nguyên liệu và doanh nghiệp tiêu thụ cũng là một nút thắt lớn.
Nhiều địa phương chưa hình thành được chuỗi giá trị khép kín từ nguyên liệu – sản xuất – tiêu thụ – tái đầu tư. Tình trạng sản xuất manh mún khiến chi phí cao, năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu. Nếu chỉ dừng lại ở việc được công nhận 3 sao hay 4 sao, sản phẩm OCOP rất khó bứt phá. Đã đến lúc chương trình cần chuyển từ “tăng số lượng” sang “nâng chất lượng” – cả về tư duy sản xuất lẫn cách tiếp cận thị trường.
Chuyển hướng sang chất lượng và thương hiệu
![]() |
Các sản phẩm OCOP được trưng bày tại siêu thị hiện đại, cho thấy nỗ lực nâng chất lượng, cải tiến bao bì và tiếp cận người tiêu dùng qua hệ thống phân phối chuyên nghiệp. |
Để giải bài toán thiếu sức bật, nhiều địa phương và cơ quan quản lý đã chủ động chuyển hướng chiến lược. Ở tầm quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định OCOP không chỉ là chương trình tiêu thụ nông sản, mà còn là chiến lược phát triển thương hiệu vùng miền, gắn với chỉ dẫn địa lý, bảo hộ sở hữu trí tuệ và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. OCOP giờ đây là chiếc cầu nối giữa văn hóa bản địa và nhu cầu tiêu dùng hiện đại.
Hà Tĩnh là một ví dụ tiêu biểu. Là tỉnh thuần nông, nhưng Hà Tĩnh đang nổi bật nhờ chiến lược chế biến sâu. Từ các mặt hàng như tôm, cá, nhung hươu, gạo lứt… nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cấp bao bì và xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đã “lên đời” rõ rệt: từ 3 sao lên 4 sao, từ tiêu thụ trong tỉnh vươn ra thị trường quốc tế thông qua các kênh xuất khẩu không chính ngạch. Những cái tên như HTX Hoa Linh Chi, HTX Hươu sao Ngọc Linh, Công ty An Phát… cho thấy, khi sản phẩm được nâng chuẩn, đầu ra sẽ tự khắc rộng mở.
Hà Nội cũng đang đẩy nhanh chiến lược mở rộng thị trường. Bên cạnh việc phát triển thêm 110 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, thành phố còn ký kết hợp tác với các tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, AEON, Winmart... Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể OCOP tập huấn kỹ năng số, mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử, gắn mã QR lên bao bì, xây dựng hình ảnh nhận diện chuyên nghiệp hơn. Các tuần lễ kết nối OCOP với văn hóa vùng miền cũng được tổ chức thường xuyên, giúp người tiêu dùng hiểu thêm về câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm.
Trên phạm vi toàn quốc, chương trình OCOP giai đoạn 2026–2035 sẽ được đầu tư theo hướng gắn với phát triển du lịch nông thôn, bảo tồn tri thức bản địa và phát triển sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền. Một gói trà ở vùng cao, một lọ nước mắm ở miền biển, hay món thủ công mỹ nghệ ở đồng bằng… không chỉ là hàng hóa, mà còn là “ký ức đóng gói”, mang trong mình tinh hoa văn hóa nông thôn đến với người tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam, OCOP không chỉ là một sáng kiến kinh tế mà còn là “cách để các hộ dân nhỏ lẻ, hợp tác xã, nghệ nhân thủ công có cơ hội xây dựng thương hiệu, bước vào thị trường lớn”. Ông nhấn mạnh: chương trình đã mở rộng vai trò của ngành nông nghiệp, không còn đơn thuần là sản xuất, mà còn gắn với bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan, phát triển chỉ dẫn địa lý và thúc đẩy du lịch nông thôn. “Chúng tôi muốn sản phẩm OCOP gắn với giá trị văn hóa – như câu hò, điệu múa – để mỗi sản phẩm là một vật phẩm có giá trị gia tăng cao”, ông chia sẻ.
Với cách tiếp cận “nâng niu từng sản phẩm”, tập trung vào chất lượng và bản sắc, OCOP đang từng bước trở thành chiếc cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Khi mỗi sản phẩm nông thôn mang trong mình một câu chuyện, một giá trị và một thương hiệu riêng, cũng là lúc nông thôn Việt Nam có thể tự tin vươn xa trên con đường phát triển bền vững.