Chuyên gia VPBank CommCredit cùng hộ kinh doanh gỡ khó Nghị định 70 Bảo hộ thương hiệu giữa làn sóng sáp nhập hành chính: Doanh nghiệp cần lưu ý gì? Minh bạch chuỗi cung mở rộng thị trường cao su |
Thị trường nội địa: “sân chơi lớn” và nhiều cơ hội cho thương hiệu Việt
Theo Báo cáo Brand Finance 2024–2025, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2023, đứng thứ 32/193 quốc gia và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng thương hiệu nhanh nhất thế giới. Thị trường bán lẻ nội địa cũng đạt mức quy mô ước tính hơn 350 tỷ USD trong năm 2025.
![]() |
Trưng bày các sản phẩm OCOP được công nhận 5 sao. |
Những con số này cho thấy thị trường nội địa không chỉ rộng lớn mà còn đầy tiềm năng. Người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, độ an toàn và tính minh bạch của sản phẩm.
Bà Hồ Thị Quyên, đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), cho rằng người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến giá cả mà còn chú trọng chất lượng, nguồn gốc, tính minh bạch của sản phẩm. Đó là cơ hội và cũng là thách thức buộc thương hiệu Việt phải thay đổi.
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, các doanh nghiệp Việt đã bước ra khỏi tư duy cũ, tập trung vào đổi mới sáng tạo và trải nghiệm khách hàng. Ông Lê Kim Tú, Giám đốc Điều hành Công ty Rạng Đông (Rando) chia sẻ:
"Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được dự báo đạt giá trị 75 tỷ USD, với sự tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, để chinh phục thị trường, doanh nghiệp cần vượt qua cạnh tranh gay gắt bằng cách “làm đúng” "
Đặc biệt, nhóm người tiêu dùng Gen Z đang trở thành lực lượng chủ đạo, với những kỳ vọng cao về cá nhân hóa, tính bền vững, tính tương tác của sản phẩm và dịch vụ. Xu hướng “shoppertainment” — mua sắm kết hợp giải trí — cũng đang định hình lại chiến lược của nhiều thương hiệu.
Những “kỳ tích” đáng tự hào và bài học đắt giá
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương hiệu nội địa không chỉ trụ vững mà còn tăng trưởng ngoạn mục, trở thành niềm tự hào của quốc gia. Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) là một ví dụ điển hình. Tính đến giữa năm 2025, cả nước đã có hơn 16.855 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có 126 sản phẩm đạt 5 sao, được công nhận là sản phẩm cấp quốc gia.
Những sản phẩm OCOP như cà phê, nông sản chế biến, đồ thủ công mỹ nghệ… không chỉ có chỗ đứng vững chắc ở thị trường nội địa mà còn vươn ra quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh:
“Dù do hộ cá thể, hợp tác xã hay cộng đồng sản xuất, nếu đạt chuẩn quốc gia thì phải được Nhà nước bảo vệ thương hiệu và hỗ trợ phát triển ra thị trường quốc tế”, Phó Thủ tướng đề nghị xây dựng chương trình OCOP bài bản, có tầm nhìn dài hạn, hội tụ đủ yếu tố chất lượng cao, an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng, quy mô thị trường, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, chuyển đổi số và thương mại điện tử.
![]() |
Các thương hiệu lớn như Vinamilk, Trung Nguyên, Rạng Đông… cũng liên tục cải tiến công nghệ, áp dụng chuyển đổi số và đầu tư mạnh mẽ vào trải nghiệm khách hàng. |
Bên cạnh OCOP, các thương hiệu lớn như Vinamilk, Trung Nguyên … cũng liên tục cải tiến công nghệ, áp dụng chuyển đổi số và đầu tư mạnh mẽ vào trải nghiệm khách hàng. Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, cho rằng đổi mới sáng tạo là chìa khóa giúp thương hiệu Việt giữ vững và nâng tầm trên thị trường:
"Đổi mới, sáng tạo không chỉ là ứng dụng công nghệ, mà còn là sự thay đổi trong tư duy quản trị, mô hình kinh doanh và chiến lược thương hiệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính bền vững của sản phẩm, dịch vụ. Khi các doanh nghiệp chú trọng đổi mới, họ có thể khẳng định vị thế trên thị trường, chinh phục người tiêu dùng trong nước và quốc tế".
Việc kết hợp công nghệ số, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đang giúp nhiều thương hiệu tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, gia tăng giá trị và tiết kiệm chi phí. Diễn đàn Chuyển đổi số quốc gia 2025 (DX Summit) đã khẳng định đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường trị giá 1.000 tỷ USD, nếu biết khai thác tốt công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hành trình chinh phục thị trường nội địa của thương hiệu Việt trong những năm qua cho thấy rõ ràng: chỉ những doanh nghiệp làm đúng, làm tốt và làm mới mới có thể trụ vững và phát triển. Không chỉ sản phẩm chất lượng mà cả trải nghiệm khách hàng, câu chuyện thương hiệu và sự thích ứng nhanh với xu hướng tiêu dùng mới đều đóng vai trò quyết định.
Bài học từ những “kỳ tích” như OCOP, Vinamilk, Trung Nguyên… chính là minh chứng rõ rệt rằng, khi doanh nghiệp coi trọng người tiêu dùng, không ngừng sáng tạo và dám đầu tư, thương hiệu Việt hoàn toàn đủ sức cạnh tranh và tỏa sáng ngay trên sân nhà, thậm chí vươn ra quốc tế.