Ngành cao su kỳ vọng mang về 11 tỉ USD trong năm 2025 Xuất khẩu cao su kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025 Cao su Việt Nam trước ngưỡng cửa chuyển mình |
Thách thức từ chuỗi cung tiểu điền
![]() |
Chuỗi cung cao su từ tiểu điền chiếm tỷ trọng lớn nhưng vẫn thiếu hệ thống truy xuất đồng bộ, gây khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. |
Chuỗi cung cao su từ tiểu điền – chiếm tới 63% tổng sản lượng cao su nguyên liệu cả nước – đang trở thành điểm nghẽn lớn nhất của ngành cao su Việt Nam khi đối mặt với Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR). Theo quy định này, từ ngày 30/12/2025, các sản phẩm cao su nhập khẩu vào EU phải đảm bảo được sản xuất hợp pháp, không gây mất rừng, có khả năng truy xuất đầy đủ nguồn gốc từ vườn cây đến thành phẩm.
Dù là thị trường lớn thứ ba của ngành cao su Việt Nam, chiếm khoảng 7,4% kim ngạch xuất khẩu, EU lại là thị trường có yêu cầu khắt khe hàng đầu về minh bạch chuỗi cung và truy xuất nguồn gốc. Đây là rào cản kỹ thuật khó vượt nếu không có sự tham gia tích cực từ chính các hộ tiểu điền – những người vốn sản xuất manh mún, chưa quen với các yêu cầu truy xuất, quản lý dữ liệu và chứng nhận lâm nghiệp.
Thống kê cho thấy, trong năm 2024, nguồn cung cao su từ các nông hộ đạt 819.000 tấn mủ, tương đương gần hai phần ba tổng nguyên liệu cao su trong nước. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có con số chính thức về lượng cao su tiểu điền đang được đưa vào chuỗi xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một phần không nhỏ lượng cao su này đã và đang lọt vào thị trường EU qua các sản phẩm cao su tự nhiên hoặc bán thành phẩm.
Theo ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), nếu không có các biện pháp hỗ trợ phù hợp, khối tiểu điền – vốn là nền tảng cung ứng chính của ngành – sẽ bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu. "Yêu cầu về truy xuất và minh bạch chuỗi cung đang trở thành tiêu chuẩn bắt buộc, không phải tùy chọn. Ngành cao su Việt Nam không thể giữ được thị trường nếu thiếu các giải pháp chuyển đổi chuỗi cung từ gốc", ông An cảnh báo.
Cùng quan điểm đó, TS. Tô Xuân Phúc – Giám đốc Chương trình Chính sách, Tài chính và Thương mại rừng của Tổ chức Forest Trends – khẳng định: tái cấu trúc lại chuỗi cung tiểu điền theo hướng đáp ứng EUDR là xu thế không thể đảo ngược. Dù không phải toàn bộ cao su tiểu điền đều phục vụ xuất khẩu vào EU, nhưng nếu chuỗi cung này không được chuẩn hóa, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời cản trở mục tiêu phát triển bền vững của ngành trong dài hạn.
Động lực để tái cấu trúc bền vững
![]() |
Nhiều doanh nghiệp cao su đã chủ động triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ tiểu điền nhằm xây dựng chuỗi cung minh bạch, đáp ứng quy định EUDR. |
Trước sức ép từ EUDR, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã chủ động chuyển đổi. Điển hình như Tổng công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco) – đơn vị có tới 16% sản lượng xuất khẩu vào thị trường EU. Donaruco đã xây dựng thành công hệ thống truy xuất nguồn gốc DNRC-Traceability, giúp theo dõi toàn bộ thông tin vườn cây, vị trí địa lý, thời gian thu hoạch, chế biến và chất lượng từng lô mủ cao su.
Không chỉ quản lý nguyên liệu nội bộ, Donaruco còn phối hợp với các hộ tiểu điền – vốn là đối tác cung cấp nguyên liệu thường xuyên – để hỗ trợ lập bản đồ, thu thập dữ liệu và đảm bảo khả năng truy xuất theo tiêu chuẩn EUDR. Đây là một trong số ít doanh nghiệp phát triển mô hình hợp tác kỹ thuật chặt chẽ với tiểu điền, đồng thời chia sẻ lợi ích rõ ràng với các hộ tuân thủ quy định mới. Nhờ vậy, đến cuối năm 2024, đã có khoảng 1.600 tấn mủ cao su đạt chuẩn EUDR được xuất khẩu thành công sang EU.
Bên cạnh Donaruco, một số doanh nghiệp tư nhân như Mai Vĩnh, Việt Sing, Thuận Lợi cũng đang triển khai mô hình chuỗi cung khép kín cùng tiểu điền, đảm bảo tính minh bạch và tính hợp pháp theo EUDR. Đại diện Công ty Mai Vĩnh, bà Đặng Thị Hoa Mai cho biết: “Nhu cầu thị trường trong tương lai rất lớn. Chúng tôi đang mở rộng mô hình để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe, đồng thời gia tăng giá trị cho sản phẩm”.
Thực tế cho thấy, sản phẩm cao su đáp ứng EUDR từ các mô hình này có thể được xuất khẩu với mức giá cao hơn từ 150 đến 300 USD/tấn so với cao su thông thường. Đây không chỉ là yếu tố kinh tế hấp dẫn, mà còn khẳng định uy tín thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất để mở rộng mô hình này là thay đổi tư duy phát triển chuỗi cung trong doanh nghiệp. Việc hỗ trợ tiểu điền không còn là hoạt động “đồng hành vì trách nhiệm xã hội” mà cần trở thành một hợp phần cốt lõi trong chiến lược kinh doanh. Doanh nghiệp chế biến – dù là tư nhân hay nhà nước – đều phải trở thành đầu tàu dẫn dắt, cung cấp kỹ thuật, hệ thống số hóa và xây dựng nền tảng truy xuất để gắn kết hộ tiểu điền vào chuỗi giá trị minh bạch.
Trong bối cảnh EU đang siết chặt các tiêu chuẩn môi trường và minh bạch chuỗi cung, các quốc gia sản xuất nguyên liệu như Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA tiếp tục là một lợi thế lớn, tạo điều kiện để sản phẩm cao su Việt Nam duy trì lợi thế thuế quan và tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU – nơi sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm “sạch”, minh bạch và có trách nhiệm.
Việc đáp ứng EUDR là thách thức không nhỏ, đặc biệt với khối tiểu điền – thành phần chủ lực của ngành cao su Việt Nam. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng đây như một cú hích tái cấu trúc chuỗi cung, ngành cao su có thể nâng cấp toàn diện về chất lượng, thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Điều kiện tiên quyết là sự vào cuộc thực chất và đồng bộ của cả doanh nghiệp, hộ dân và chính sách hỗ trợ từ nhà nước, nhằm xây dựng một chuỗi giá trị cao su hiện đại, minh bạch và phát triển bền vững.