Kết quả nghiên cứu đã được nhóm nghiên cứu từ Đại học California, Los Angeles (UCLA) trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Hóa học Mỹ ở San Diego vào ngày 26/3. Công trình này dự kiến sẽ được công bố trên tạp chí Hazardous Materials Letters vào cuối năm nay.
Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra 10 loại kẹo cao su phổ biến trên thị trường Mỹ, bao gồm cả loại tổng hợp và tự nhiên. Một tình nguyện viên được yêu cầu nhai kẹo trong vòng 4 phút. Sau mỗi 30 giây, nước bọt được thu thập, và tình nguyện viên sẽ súc miệng với nước tinh khiết để lấy lại các vi nhựa còn sót lại trong miệng. Phương pháp này được lặp lại 7 lần đối với mỗi loại kẹo.
![]() |
Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra 10 loại kẹo cao su phổ biến. |
Một số mẫu kẹo cao su đã được nhai trong thời gian lên đến 20 phút để đánh giá ảnh hưởng của thời gian nhai đến lượng vi nhựa được giải phóng. Sau đó, các mẫu nước bọt được phân tích bằng kính hiển vi và các phương pháp lọc hóa học để đảm bảo độ chính xác của kết quả.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng mỗi 1g kẹo cao su thải ra trung bình 100 mảnh vi nhựa, với một số loại kẹo cao su thải ra hơn 600 mảnh vi nhựa. Trọng lượng trung bình của một thanh kẹo cao su là 150g. Do đó, những người nhai khoảng 180 thanh kẹo cao su mỗi năm có thể đang nuốt vào cơ thể khoảng 30.000 mảnh vi nhựa.
Theo tiến sĩ Tasha Stoiber, chuyên gia tại Nhóm Công tác Môi trường, kẹo cao su tự nhiên không làm giảm đáng kể lượng vi nhựa được giải phóng. Cả kẹo cao su tự nhiên và tổng hợp đều thải ra các polyme như polyolefin, polyterephthalate (PET), polyacrylamide và polystyrene – những chất liệu nhựa phổ biến trong các sản phẩm tiêu dùng.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra cảnh báo về tác động tiêu cực của bã kẹo cao su đối với môi trường, đặc biệt khi chúng bị vứt bừa bãi tại các khu vực công cộng.
"Việc vi nhựa được giải phóng không phải là điều bất ngờ. Bất kỳ loại nhựa nào khi chịu tác động từ nhiệt, ma sát hay lực cơ học – như nhai – đều có thể giải phóng vi nhựa", tiến sĩ David Jones, giảng viên tại Trường Môi trường và Khoa học Đời sống, Đại học Portsmouth, nhận xét. Ông cũng nhấn mạnh, trung bình con người hít thở, ăn và uống khoảng 250.000 hạt vi nhựa mỗi năm.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng con số này vẫn còn nhỏ so với lượng vi nhựa mà con người hấp thụ qua các nguồn khác. Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2024 cho thấy một lít nước đóng chai nhựa có thể chứa trung bình tới 240.000 mảnh vi nhựa.
![]() |
Một nghiên cứu vào năm 2024 cho thấy một lít nước đóng chai nhựa có thể chứa trung bình tới 240.000 mảnh vi nhựa. |
Nghiên cứu này được tiến hành trong bối cảnh ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy vi nhựa hiện diện ở khắp nơi trên thế giới, từ các đỉnh núi cao đến đáy đại dương, thậm chí cả trong không khí mà chúng ta hít thở.
Vi nhựa là những mảnh nhựa siêu nhỏ, có kích thước từ 1 nm đến 5 mm, được tạo ra khi các mảnh nhựa lớn phân hủy theo thời gian. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi tuần, con người hấp thụ một lượng vi nhựa đáng kể thông qua nước uống, thực phẩm và không khí.
Những hạt vi nhựa này đã được tìm thấy trong nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm phổi, gan, thận, tim, máu, tinh hoàn và thậm chí cả sữa mẹ. Đáng chú ý, một nghiên cứu còn cho thấy não người trung bình có thể chứa tới một thìa vi nhựa.
Hiện vẫn chưa có thử nghiệm trực tiếp nào trên cơ thể người chứng minh được tác động của vi nhựa. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên động vật và tế bào người cho thấy vi nhựa có thể gây hại cho sức khỏe, bao gồm tổn thương tế bào, gây viêm, rối loạn chức năng cơ quan và thay đổi phản ứng miễn dịch.
Đáng lo ngại hơn, nghiên cứu mới còn chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiếp xúc nhiều với vi nhựa và nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường và đột quỵ.
Một nghiên cứu khác đã xem xét mối liên hệ giữa mức độ vi nhựa trong nước và các vấn đề sức khỏe tại các cộng đồng ven biển và ven hồ ở Mỹ trong giai đoạn 2015-2019.
Nhà khoa học dữ liệu Sai Rahul Ponnana, tác giả chính của nghiên cứu tại Trường Y khoa thuộc Đại học Case Western Reserve (Mỹ), cho biết: "Khi chúng tôi đưa 154 đặc điểm kinh tế - xã hội và môi trường khác nhau vào phân tích, chúng tôi không ngờ rằng vi nhựa lại được xếp trong nhóm 10 yếu tố dự đoán hàng đầu về tỷ lệ mắc bệnh mãn tính không lây."
Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý rằng mối liên hệ này không đồng nghĩa với việc vi nhựa là nguyên nhân gây bệnh. Vi nhựa có thể chỉ là yếu tố xuất hiện đồng thời với các tác nhân môi trường hoặc thói quen sinh hoạt khác góp phần gây bệnh.
Dù khó tránh hoàn toàn vi nhựa, các chuyên gia khuyến nghị một số biện pháp giúp giảm tiếp xúc. Cụ thể, nên hạn chế sử dụng chai nhựa, đun sôi và lọc nước máy trước khi sử dụng, tránh dùng thớt nhựa và không hâm nóng hộp nhựa trong lò vi sóng. Đối với trà, nên ưu tiên trà khô đựng trong túi giấy thay vì túi nhựa.
![]() |
![]() |
![]() |