![]() |
Năm 2024, ngành cao su gặp nhiều thách thức. |
Tối 12/12, Hiệp hội Cao su Việt Nam và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế ngành cao su Việt Nam 2024.
Ông Lê Thanh Hưng, Chủ tịch VRA, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cho biết năm 2024, ngành cao su gặp nhiều thách thức từ bối cảnh địa chính trị, biến đổi khí hậu và xu thế chuyển đổi xanh.
Trong bối cảnh đầy khó khăn, ngành cao su Việt Nam vẫn kiên trì bám sát với các mục tiêu chiến lược và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Ước tính giá trị xuất khẩu toàn ngành cao su năm 2024 đạt 10,2 tỉ đồng gồm 3,1 tỉ đồng từ sản phẩm cao su thiên nhiên; 4,6 tỉ đồng sản phẩm chế biến từ cao su và 2,5 tỉ đồng từ gỗ cao su. Đây không chỉ là minh chứng cho nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành mà còn là động lực để các doanh nghiệp đưa thương hiệu cao su Việt Nam vươn xa hơn nữa.
"Dựa trên những tín hiệu tích cực từ thị trường và nền tảng đã xây dựng, chúng tôi kỳ vọng rằng, năm 2025 sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ hơn của ngành cao su Việt Nam.
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt trên 11 tỉ USD. Trong đó, cao su thiên nhiên dự kiến đạt khoảng 3,5 tỉ USD, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường quốc tế, sản phẩm cao su đạt khoảng 5 tỉ USD, nhờ vào việc đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Riêng gỗ cao su đạt khoảng 2,5 tỉ USD, khai thác tối đa giá trị bền vững từ nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường và tái chế. Để đạt được những mục tiêu trên, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt" – ông Lê Thanh Hưng bày tỏ.
![]() |
Ông Lê Thanh Hưng - Chủ tịch VRG, Tổng giám đốc VRG - phát biểu tại sự kiện. |
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhận xét, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò là cầu nối vững chắc giữa các thành phần kinh tế trong ngành cao su, từ doanh nghiệp, nông dân, đến các tổ chức sản xuất và kinh doanh.
Xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sự gia tăng yêu cầu về tính bền vững, môi trường, kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng cùng với việc tham gia hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới đang mở ra những thách thức đan xen cơ hội cho ngành cao su Việt Nam.
"Do đó, cần tăng cường quảng bá nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam - Viet Nam Rubber tại các hội chợ, triển lãm quốc tế và thông qua các kênh thương mại điện tử.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường xuất khẩu và gia tăng giá trị thương hiệu cao su Việt Nam.
Khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và xây dựng chuỗi giá trị xanh; đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của quy định chống phá rừng (EUDR)", ông Chiến cho biết.
Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến tháng 10.2024, kim ngạch xuất khẩu cao su Việt Nam đạt hơn 2,5 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngành cao su Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu cao su thiên nhiên, chỉ sau Thái Lan và Indonesia.
Cao su thiên nhiên Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với các thị trường xuất khẩu chính gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong năm 2024, xuất khẩu cao su sang các thị trường mới nổi như Brazil và khu vực Trung Đông cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, mở ra những cơ hội mới cho ngành.