Phát huy giá trị OCOP trong giai đoạn mới OCOP xuất khẩu – Cơ hội vươn xa cho đặc sản Việt Không nâng chất, sảm phẩm OCOP khó bước chân vào siêu thị |
![]() |
Các Bộ trưởng đến từ các quốc gia châu Phi tham quan các gian hàng sản phẩm OCOP của Việt Nam. |
OCOP trở thành chất xúc tác cho hợp tác quốc tế trong nông nghiệp
Ngày 15/7/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam phối hợp với FAO tổ chức Diễn đàn Cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP tại Hà Nội. Sự kiện đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quá trình thúc đẩy hợp tác Nam – Nam, hướng tới mục tiêu chung là xây dựng nền nông nghiệp bền vững và giàu bản sắc.
Diễn đàn quy tụ sự tham gia của lãnh đạo ngành nông nghiệp từ 17 quốc gia châu Á và châu Phi, gồm: Bhutan, Nepal, Tunisia, Zambia, Zimbabwe, Ghana, Ethiopia, Cameroon, Mozambique, Sierra Leone, Bờ Biển Ngà, Gabon, CHDC Congo, Malawi, Lesotho, Nam Sudan và chủ nhà Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một sự kiện quy mô lớn về mô hình OCOP được tổ chức giữa các nước đang phát triển, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng không gian hợp tác toàn cầu.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết diễn đàn là kết quả cụ thể từ sáng kiến của Tổng Giám đốc FAO khu vực – ông Khuất Đông Ngọc – trong chuyến công tác tại Việt Nam hồi tháng 2/2025. Ông nhấn mạnh, sự kiện này là cơ hội kết nối các nỗ lực quốc tế và khu vực trong triển khai chương trình OCOP, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu “Bốn tốt hơn” của FAO: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn.
![]() |
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: "OCOP không chỉ đơn thuần là thương hiệu mà là một mô hình phát triển tổng thể, tích hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân". |
Chương trình OCOP, được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018, là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế nông thôn của Việt Nam, dựa trên việc khai thác lợi thế bản địa và nâng cao năng lực cộng đồng. OCOP không chỉ là một nhãn hiệu, mà còn là một mô hình phát triển toàn diện, kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hơn 60% chủ thể OCOP có mức tăng trưởng doanh thu trung bình 18%/năm. Chương trình này đã góp phần tạo ra hàng triệu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
OCOP Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tính hiệu quả và khả năng lan tỏa. Bà Beth Bechdol – Phó Tổng Giám đốc FAO toàn cầu – nhận xét rằng chương trình không chỉ đóng vai trò là động lực cho phát triển kinh tế địa phương mà còn là nền tảng để các quốc gia xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Theo bà, sự đa dạng sản phẩm, khả năng thích ứng và tinh thần chia sẻ kinh nghiệm là những yếu tố giúp châu Á và châu Phi cùng tiến về phía trước.
Việt Nam đang được nhìn nhận như một “điểm đến tri thức” trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp dựa trên nền tảng địa phương kết hợp kết nối toàn cầu. Bà Bechdol cho rằng, thành công của Việt Nam trong xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm nông thôn chính là minh chứng rõ nét cho khả năng chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển theo chuỗi giá trị.
Hiện nay, FAO đang hỗ trợ 56 quốc gia trên thế giới triển khai phiên bản quốc tế của OCOP – sáng kiến “Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên”. Mục tiêu của sáng kiến này là phát huy giá trị văn hóa, tăng cường sinh kế nông thôn và thúc đẩy hệ sinh thái sản xuất lương thực bền vững, minh bạch và thân thiện với môi trường.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất thành lập một mạng lưới chia sẻ chính sách, công nghệ và thị trường giữa các nước đang phát triển. Đồng thời, ông nhấn mạnh cần thúc đẩy mô hình hợp tác công – tư – cộng đồng nhằm huy động hiệu quả nguồn lực tài chính, kỹ thuật và tri thức phục vụ phát triển nông thôn. Đặc biệt, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cho phụ nữ, người già, người khuyết tật và cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua chương trình OCOP.
Ngoài ra, các văn phòng FAO khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tích cực phối hợp với các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc biệt (SAP). Những tiến bộ trong công nghệ dinh dưỡng, truy xuất nguồn gốc và quản trị môi trường đang góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và yêu cầu thị trường toàn cầu.
Tăng cường tiếp xúc song phương, mở rộng hợp tác thiết thực
![]() |
Bà Beth Bechdol, Phó Tổng Giám đốc FAO, phát biểu tại Diễn đàn. |
Bên lề diễn đàn, chiều 15/7/2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung đã có các cuộc gặp song phương với đại diện ngành nông nghiệp một số nước châu Á và châu Phi, nhằm thúc đẩy hợp tác cụ thể về công nghệ, cây trồng chủ lực và an ninh lương thực.
Trong buổi gặp với ông Samuel Dalitso Kawale – Bộ trưởng Nông nghiệp Malawi, hai bên cùng thể hiện mong muốn làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác nông nghiệp dựa trên nền tảng ngoại giao đã thiết lập. Bộ trưởng Samuel đề xuất tăng cường phối hợp trong sản xuất thuốc lá – cây trồng chiến lược của Malawi – cùng với các mặt hàng nông sản có tiềm năng khác. Ông nhấn mạnh rằng Malawi cam kết tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập và phát triển tại thị trường nội địa.
Tại cuộc trao đổi với Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh Lương thực Nam Sudan – ông Hussein Abdelbagi Akol – phía bạn chia sẻ rằng cây cao lương, một trong những lương thực chính tại nước này, đang gặp nhiều thách thức về khí hậu và điều kiện sản xuất. Bộ trưởng Hussein đánh giá cao mô hình OCOP và bày tỏ mong muốn học tập kinh nghiệm Việt Nam để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế.
Thứ trưởng Hoàng Trung nhận định cao lương – nếu được phát triển thành sản phẩm OCOP chủ lực – sẽ là điểm khởi đầu đầy tiềm năng cho hợp tác giữa hai nước. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ nghiên cứu giống, chuyển giao công nghệ và cùng phát triển chuỗi giá trị cao lương theo hướng bền vững.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Chăn nuôi Nepal – ông Ram Nath Adhikari – hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong cải cách hệ thống lương thực, thực phẩm. Nepal bày tỏ ấn tượng với thành tựu canh tác lúa gạo của Việt Nam và có kế hoạch mời Việt Nam tham dự Diễn đàn Lương thực Quốc gia sắp tới. Hai bên cũng kỳ vọng đẩy mạnh trao đổi chuyên gia trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, hoa – cây cảnh và công nghệ sau thu hoạch. Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng Nepal trong việc xây dựng chương trình OCOP và định danh sản phẩm đặc trưng phù hợp.
Theo lịch trình, ngày 16/7/2025, các đại biểu quốc tế sẽ tham quan thực tế các mô hình OCOP tại tỉnh Ninh Bình. Chuyến đi nhằm giúp các quốc gia hiểu rõ hơn về cách Việt Nam triển khai chương trình OCOP, từ đó mở rộng cơ hội hợp tác trong giai đoạn mới.
![]() |
![]() |
![]() |