Cần làm gì để hiện đại hóa hệ thống chợ truyền thống? Vẫn bất an với an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống Chợ truyền thống ở Hà Nội ế ẩm, làm gì để hút khách trở lại? |
Tâm lý ngại thay đổi cản bước chuyển đổi số
![]() |
Một số quầy hàng tạm ngưng hoạt động do tiểu thương còn e ngại trước các quy định mới về hóa đơn điện tử và máy tính tiền. Ảnh: T.H |
Gần đây, khi Nghị định số 70/2025/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chính thức được triển khai, một số chợ lớn như Ninh Hiệp, Đồng Xuân, La Phù, Long Biên (Hà Nội) xuất hiện hiện tượng tiểu thương đồng loạt đóng cửa, bán hàng cầm chừng. Hình ảnh phố vắng, sạp trống nhanh chóng gây chú ý và dấy lên nghi ngại rằng chính sách thuế mới là nguyên nhân gây "chấn động" thị trường.
Tuy nhiên, phân tích kỹ số liệu cho thấy thực tế không hẳn như vậy. Theo Chi cục Thuế khu vực I (Hà Nội), trong số gần 3.000 hộ kinh doanh ngừng hoạt động trong tháng 5 và 6/2025, chỉ khoảng 260 hộ thuộc diện bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, chiếm chưa đến 9%. Tại TP.HCM, tỷ lệ hộ nghỉ kinh doanh phải áp dụng hóa đơn điện tử cũng chỉ khoảng 3,2%. Những con số này cho thấy, phần lớn tiểu thương ngừng kinh doanh không nằm trong nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quy định mới.
Nguyên nhân chủ yếu, theo các chuyên gia, đến từ tâm lý lo ngại bị kiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc, e ngại công nghệ mới và đặc biệt là sự thiếu thông tin rõ ràng, nhất quán về chính sách. Thói quen giao dịch tiền mặt, không hóa đơn, không kê khai thuế tồn tại lâu năm tại chợ truyền thống khiến nhiều người chưa sẵn sàng chuyển đổi.
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam – nhận định: “Tâm lý lo ngại là điều dễ hiểu khi người dân chưa hiểu rõ chính sách. Có người sợ bị truy thu, bị phạt vì không biết sử dụng máy tính tiền hay cách phát hành hóa đơn điện tử”. Ông Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín – cũng chỉ rõ, trong bối cảnh cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra gian lận thương mại, nhiều hộ kinh doanh chọn cách "án binh bất động" để tránh rủi ro.
Về bản chất, hóa đơn điện tử không làm tăng mức thuế, không thay đổi nghĩa vụ tài chính đã được áp dụng theo phương thức khoán từ trước. Tuy nhiên, do thiếu thông tin đầy đủ, việc đồng nhất giữa "áp dụng hóa đơn điện tử" với "tăng thuế" hay "truy thu thuế cũ" đã vô tình tạo ra làn sóng hoang mang không đáng có.
Hóa đơn điện tử tạo minh bạch thị trường
![]() |
Hộ kinh doanh sử dụng máy tính tiền có kết nối phần mềm phát hành hóa đơn điện tử, góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động bán lẻ hằng ngày. |
Việc triển khai hóa đơn điện tử không chỉ là bước tiến trong quản lý thuế mà còn là một phần trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Với khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh trên toàn quốc, ngành thuế đang thực hiện chiến lược áp dụng từng bước, bắt đầu từ nhóm có doanh thu lớn, điều kiện phù hợp, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số hộ. Cách làm có chọn lọc này cho thấy rõ định hướng hỗ trợ thay vì áp lực.
Tại nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, cơ quan thuế đã tích cực phối hợp với chính quyền cơ sở, ban quản lý chợ để tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể đến từng hộ. Nhiều buổi tập huấn sử dụng phần mềm, lắp đặt máy tính tiền, phát tờ rơi hướng dẫn... được tổ chức ngay tại chợ, giúp các tiểu thương tiếp cận dần với quy trình mới. Đáng chú ý, trong giai đoạn đầu triển khai, cơ quan thuế không đặt nặng xử phạt mà ưu tiên hỗ trợ, đồng hành, giải thích chính sách.
Song song đó, các quy định hiện hành cũng tạo điều kiện để hộ kinh doanh chủ động điều chỉnh thuế khoán nếu doanh thu thay đổi. Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC, nếu có biến động doanh thu tăng/giảm trên 50%, hộ kinh doanh có thể đề nghị cơ quan thuế xác định lại mức khoán từ thời điểm phát sinh thay đổi, không có yếu tố truy thu cho thời gian trước. Điều này giúp xóa bỏ tâm lý lo sợ bị "áp lại sổ sách", củng cố niềm tin vào tính minh bạch, công bằng trong quản lý thuế.
Quan trọng hơn, hóa đơn điện tử còn là công cụ bảo vệ hộ kinh doanh chính đáng trước rủi ro bị xử phạt do sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc. Có chứng từ, có hóa đơn rõ ràng, tiểu thương có thể tự tin khẳng định tính hợp pháp của hàng hóa, đặc biệt khi hoạt động kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái đang được Chính phủ đẩy mạnh. Đồng thời, trong dài hạn, việc có hóa đơn bán ra cũng giúp hộ kinh doanh nâng cao hình ảnh chuyên nghiệp, tăng độ tin cậy với người mua – nhất là nhóm khách hàng doanh nghiệp, công ty hoặc cá nhân mua bán online.
Với tầm nhìn dài hạn, hóa đơn điện tử không chỉ giúp ngành thuế chống thất thu, mà còn tạo dựng sân chơi minh bạch, công bằng giữa các hộ kinh doanh. Người tuân thủ đúng luật sẽ không bị thiệt thòi trước người lách luật, buôn bán hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Từ đây, các tiểu thương có thể từng bước nâng cao năng lực quản lý, phát triển kinh doanh bền vững và mở ra cơ hội kết nối với kênh bán hàng hiện đại.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – thuế là xu thế tất yếu. Dù chợ truyền thống có đặc thù riêng, nhưng không thể đứng ngoài tiến trình chung. Nếu được hướng dẫn sát sao và hỗ trợ đúng cách, tiểu thương hoàn toàn có thể thích nghi, biến công cụ công nghệ thành lợi thế trong cạnh tranh. Khi đó, hóa đơn điện tử không còn là nỗi lo, mà trở thành trợ thủ đắc lực giúp thị trường bán lẻ Việt Nam minh bạch, chuyên nghiệp hơn từng ngày.