Chợ truyền thống giữa lòng Đà Nẵng đông đúc du khách đến mua sắm Ngân hàng đưa công nghệ tới từng cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống Sức mua tại chợ truyền thống giảm sâu, tiểu thương ngao ngán |
Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 233 chợ truyền thống. |
Đó là ý kiến của đại biểu tại tọa đàm "Định hướng phát triển đối với mô hình chợ trên địa bàn Quận 1, TP.HCM", do Sở Công thương TP.HCM tổ chức sáng 27/3.
Khách đến chợ truyền thống giảm tới 50%
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương thông tin, trên địa bàn TP.HCM hiện có 233 chợ, gồm: 17 chợ hạng 1, 54 chợ hạng 2, 162 chợ hạng 3 và chợ tạm. Trong đó, chợ hiện đang hoạt động: 224/233 chợ; Chợ đang tạm ngưng hoạt động: 91/233 chợ (nguyên nhân: một số chợ cơ sở vật chất xuống cấp, đang chờ nâng cấp, sửa chữa; một số chợ đã tạm ngưng hoạt động từ thời điểm trước dịch Covid-19…). Trong thời gian qua, nhiều chợ đã được các địa phương thực hiện nâng cấp, sửa chữa (như chợ Bình Tây, chợ Bến Thành, chợ An Đông,…) nhằm cải thiện chất lượng và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Theo Sở Công thương, hiện nay lượng khách đến tại chợ giảm 20%-30% so với thời điểm trước dịch và giảm 30%-50% so với thời điểm năm 2019. Theo đó, lượng khách mua sắm đối với ngành thực phẩm (bao gồm ăn uống) giảm 10%-30%; ngành hàng vật liệu, phụ kiện máy móc, phụ gia thực phẩm, đồ dùng gia đình... lượng khách giảm 20%-40%; ngành hàng như tạp hóa, quần áo, giày dép... giảm 50-70% so với thời điểm trước dịch. Riêng ngành hàng như vải giảm 60-90% so với thời điểm trước năm 2019.
Theo đồng chí Nguyễn Nguyên Phương, xu hướng tiêu dùng ngày nay khách hàng ngày càng chú trọng hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc sản xuất rõ ràng, chưa kể có nhiều chương trình khuyến mãi được các siêu thị, trung tâm thương mại, mua sắm qua các trang thương mại điện tử… áp dụng để kéo khách hàng, khiến đa số khách hàng đang dần dần thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm. Bên cạnh điều kiện kinh doanh tại rất nhiều chợ truyền thống đang xuống cấp. Các chợ truyền thống vẫn còn tình trạng bán không đúng giá niêm yết, hàng nhái, hàng giả, hàng không có nguồn gốc rõ ràng bán tràn lan, khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin, quay lưng với chợ truyền thống.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Nguyên Phương, bất cập trong kinh doanh và công tác quản lý chợ cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm thu hút khách hàng đến với chợ như: chính sách đầu tư của nhà nước, quy hoạch phát triển thương mại của địa phương, đầu tư cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, mô hình quản lý, nhận thức của ban quản lý chợ, của chính tiểu thương và cả người tiêu dùng đến chợ.
Định hướng phát triển hệ thống chợ truyền thống tại TP.HCM đến năm 2030, đồng chí Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trên cơ sở tổng hợp từ kế hoạch của các địa phương, dự kiến đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, TP.HCM tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tối ưu hóa hệ thống chợ truyền thống. Cụ thể, giảm số lượng chợ còn 216 (giảm 17 chợ), trong đó, 199 chợ sẽ được giữ nguyên hiện trạng, 34 chợ sẽ được giải tỏa, di dời, chuyển công năng và 17 chợ mới sẽ được phát triển.
TP.HCM hiện có 233 chợ truyền thống, với 224 chợ đang hoạt động. 91 chợ tạm ngưng đón khách do cơ sở vật chất xuống cấp, chờ nâng cấp, sửa chữa và một số đã dừng kinh doanh từ trước Covid-19. Định hướng đến 2030, thành phố còn 216 chợ. Trong đó, 199 chợ giữ nguyên hiện trạng, 34 chợ sẽ được giải tỏa, di dời, chuyển công năng và xây dựng 17 chợ mới.
Theo các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, sự phát triển của thương mại điện tử đòi hỏi mô hình chợ truyền thống phải thay đổi để phù hợp. Vì vậy, thời gian tới cần thiết kế các mô hình chợ truyền thống kết hợp ứng dụng công nghệ hiện đại, bền vững trong quy hoạch đô thị.
thiết kế các mô hình chợ truyền thống kết hợp hiện đại là việc cần thiết
Đại diện các sở, ban, ngành tại TP.HCM tham gia tọa đàm. |
Các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến góp ý, gợi mở đề xuất mô hình chợ truyền thống thích hợp cho TP.HCM trên cơ sở định hướng: Xác định tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu phát triển của hệ thống chợ tại TP.HCM nói chung và các chợ tại Quận 1 nói riêng; đề xuất các giải pháp hướng đến việc gia tăng năng lực thích ứng của hệ thống chợ tại TP.HCM với sự chuyển đổi nhu cầu tiêu dùng; các giải pháp chiến lược đối với mô hình chợ truyền thống thuộc khu vực nội thành và chợ phục vụ khách du lịch…
Đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, trong những năm qua, phương thức mua sắm qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội đã và đang chứng minh những ưu thế vượt trội, do đó, ngày càng được chấp nhận rộng rãi bởi người tiêu dùng sau hơn hai thập kỷ. Sự gia tăng về cả chất lượng và số lượng của nền tảng mua sắm số đã thay thế một phần không nhỏ phương thức mua sắm tại các chợ truyền thống. Điều này đòi hỏi mô hình chợ truyền thống phải có những bước thay đổi để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong thời đại mới. Để làm được điều đó, việc thấu hiểu sâu sắc hơn về sự thay đổi trong tâm lý và hành vi của người tiêu dùng trong thời đại số là vô cùng cần thiết đối với các nhà lập pháp, nhà quản lý và thực thi chính sách.
Theo đó, việc thiết kế các mô hình chợ truyền thống kết hợp hiện đại là việc cần thiết trong công tác quy hoạch đô thị; Cần giải pháp mang tính phù hợp và có lộ trình; Chợ truyền thống phải phát triển theo hướng phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, từ lâu, người tiêu dùng đi “Phố Chợ” không chỉ để mua sắm mà còn tìm ở đấy niềm vui được tương tác với cộng đồng đa dạng, được hưởng thụ văn hóa truyền thống, được khám phá hàng hóa, thông tin và các kiến thức mới mẻ về cả kinh doanh và xã hội. Do vậy, Sở Công thương và các Ban quản lý Chợ cần xem các “Phố Chợ” không chỉ là nơi bán sỉ - bán lẻ đơn thuần. Các “Phố Chợ” chính là điểm hội tụ kinh tế - nhân văn rất cần củng cố và phát huy hơn nữa. Đó cũng là nơi tiếp thị hàng hóa và văn hóa, nảy nở các ý tưởng khởi nghiệp và phục vụ xã hội.
Cho biết về các giải pháp phát triển chợ truyền thống trên địa bàn Quận 1 trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Nguyễn Duy An cho hay, quận sẽ tiếp tục triển khai xây dựng chợ truyền thống theo hướng văn minh thương mại, thực hiện phong trào “Người kinh doanh văn minh” tại các chợ. Trong đó, chú trọng đa dạng các phương thức bán hàng để bắt nhịp với xu hướng phát triển xã hội: bán hàng truyền thống, bán hàng qua mạng… Đa dạng hóa các phương thức thanh toán, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng: thanh toán tiền mặt, thanh toán không dùng tiền mặt… Cải tạo, chỉnh trang chợ truyền thống nhằm tạo sự sạch sẽ, khang trang, tạo không gian kinh doanh, mua sắm thoải mái cho thương nhân, người dân, du khách.
Bên cạnh đó, quận cũng chú trọng trang trí, tạo điểm check-in trong các dịp lễ, Tết nhằm thu hút người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm; đồng kết kết hợp bán hàng với các chương trình khuyến mại hoặc các hoạt động sự kiện để tăng sự nhận biết, quảng bá hình ảnh chợ cũng như hàng hóa kinh doanh tại chợ, thu hút khách hàng đến chợ trải nghiệm, mua sắm. Tập trung việc đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không nói thách giá, thái độ phục vụ bán hàng văn minh lịch sử theo phương châm “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”…
Ngoài ra, ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó trưởng Phòng Quản lý tiêu chuẩn và giám sát ngộ độc thực phẩm Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, cần xây dựng niềm tin với người tiêu dùng đối với các chợ truyền thống. Vì bên cạnh giá cả, chất lượng và cách phục vụ thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được nhiều người quan tâm.
“Sở cố gắng làm việc với các BQL chợ để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm ở chợ để tăng niềm tin của người tiêu dùng. Các Sở, ban ngành khác cũng phải quan tâm để tránh tình trạng khách mua hàng ở chợ gặp phải hàng đắt, hàng nhái, làm giảm sức hấp dẫn của chợ truyền thống”, ông Ngọc đề xuất.