Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ đạt mức cao nhất trong 1 năm qua Nhận diện những thách thức đối với ngành gốm sứ Việt Nam Gốm sứ Vạn Linh An: Nâng tầm giá trị tâm linh Việt |
Định hướng tương lai cho ngành gốm sứ, thủy tinh trong kỷ nguyên mới. |
Yêu cầu cấp thiết cho ngành gốm sứ, thủy tinh
Gốm sứ là ngành công nghiệp truyền thống của dân tộc Việt Nam với lịch sử phát triển lâu đời. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, cho đến nay, ngành gốm sứ Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về năng lực sản xuất và xuất khẩu.
Trong đó, với ngành gốm sứ xây dựng, tổng công suất thiết kế gạch ốp lát hiện ở mức 850 triệu m2, sứ vệ sinh 26 triệu sản phẩm. Với ngành gốm sứ mỹ nghệ, sản xuất ngành hàng có quy mô lên đến 5.400 làng nghề và trải rộng khắp cả nước. Trong số này, gần 2.000 là làng nghề truyền thống với 115 nghề đã được công nhận.
Bên cạnh đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trường nước, sản phẩm gốm sứ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, EU, Thái Lan… Trong giai đoạn 2019 -2023, xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam tăng trưởng bình quân 3,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất vào năm 2022 là 711 triệu USD, tuy nhiên đã giảm 13% trong năm 2023. Trong đó, xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam sang nhiều thị trường trong giai đoạn 2019 - 2023 có xu hướng tăng như: Mỹ tăng 7,4%/năm, Nhật Bản tăng 6,7%/năm, Đài Loan tăng 13,6%/năm, Thái Lan tăng 3,6%/năm, Philippin tăng 10,5%/năm… Cơ cấu chủng loại gốm sứ xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng ở nhiều chủng loại trong giai đoạn 2019 - 2023 như gốm sứ vệ sịnh tăng 0,9%/năm; gạch lát nền, ốp tường các loại tăng 12,5%/năm; đồ gốm sứ dùng trong phòng thí nghiệm tăng 9%/năm; gạch chịu lửa và các sản phẩm gốm sứ xây dựng chịu lửa khác tăng 7,3%/năm; bộ đồ ăn, đồ nhà bếp và đồ gia dụng bằng sứ tăng 14,9%/năm; gốm sứ chịu lửa khác tăng 13,8%/năm… Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam đã phục hồi trở lại và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, năm 2024, xuất khẩu gốm sứ đạt 674,4 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Bên cạnh chinh phục được nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, EU, Thái Lan… gốm sứ Việt Nam cũng đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ ở thị trường trong nước. Nhiều thương hiệu gốm sứ đã định hình tốt trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng như gốm Minh Long, gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng… Nhiều sản phẩm đã được vinh danh thương hiệu quốc gia.
Phát biểu tại Tọa đàm "Kết nối công nghệ và định hướng tương lai cho ngành gốm sứ, thủy tinh trong kỷ nguyên mới", bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD khẳng định: “Đất nước đang bước vào kỷ nguyên với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học kĩ thuật. Những đột phá về mặt công nghệ đã và đang tạo ra những cơ hội mới cũng như những thách thức mà ngành gốm sứ, thủy tinh công nghiệp cần phải thích ứng và vượt qua. Trong bối cảnh đó, việc kết nối công nghệ và định hướng tương lai cho ngành không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết để các Doanh nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển bền vững”.
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang ngày càng chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh đặt ra yêu cầu đổi mới đối với mọi ngành nghề kinh tế.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cũng nhìn nhận, việc mở rộng các kênh thương mại điện tử như Tiktok, Shopee, Lazada... là một hướng đi đầy tiềm năng nhưng vô cùng thách thức do đặc thù riêng của ngành gốm sứ. Nhưng chính những thách thức lại là cơ hội để toàn ngành thay đổi chiến lược, ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khâu nghiên cứu, sản xuất, logistics… nâng cao hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa quy trình, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới - trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành.
4 mục tiêu chiến lược
Ông Trần Văn Vinh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp - RICEGLASS. |
Cũng tại toạ đàm, ông Trần Văn Vinh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp chia sẻ những mục tiêu chiến lược RICEGLASS đặt ra trong bối cảnh mới nhằm phát huy vai trò trong việc phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, phát huy những giá trị truyền thống trong ngành gốm sứ thủy tinh.
Đó là RICEGLASS tiếp tục đẩy mạnh phát triển và làm chủ các công nghệ sản xuất, chế tạo gốm sứ kỹ thuật. Làm chủ công nghệ sản xuất gốm bán dẫn, điện tử; công nghệ chế biến và nâng cao chất lượng nguyên vật liệu cho ngành sản xuất gốm sứ, thủy tinh; đẩy mạnh chế tạo các thiết bị hiện đại.
Bên cạnh đó, viện xác định tiếp tục đầu tư hệ thống máy phân tích, trang thiết bị hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu phân tích các mẫu nguyên liệu, sản phẩm thử nghiệm gốm sứ, thủy tinh; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm và nguyên liệu gốm sứ; chuyển giao công nghệ sản xuất sứ dân dụng, gốm sứ kỹ thuật, chế biến nguyên vật liệu tới các doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm gốm sứ thủy tinh…
Đối với sản phẩm gốm sứ, đây không chỉ là sản phẩm tiêu dùng đơn thuần mà còn mang trong mình những đặc trưng văn hoá rất riêng. Do đó, RICEGLASS xác đinh tập trung phục dựng những giá trị di sản văn hóa truyền thống kết hợp với sự đổi mới sáng tạo để sản phẩm không chỉ đẹp mà còn có chất lượng vượt trội, phù hợp với nhu cầu thị trường hiện đại.
Còn theo bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, trong ngành gốm sứ mỹ nghệ, doanh nghiệp phải đào tạo rất lâu mới có công nhân lành nghề. Vì thế cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động trong ngành gốm sứ, quan trọng nữa cần khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới.
Đặc biệt, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, nghiên cứu và mở rộng thị trường mới, nhất là các thị trường tiềm năng có nhu cầu cao về sản phẩm gốm sứ.
Tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng quan hệ đối tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do để tận dụng các ưu đãi về thuế quan.
Ngành gốm sứ cần chú trọng yếu tố văn hóa và bản sắc, trong đó kết hợp yếu tố văn hóa và bản sắc dân tộc vào sản phẩm để tạo ra giá trị đặc biệt và sự khác biệt trên thị trường quốc tế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử, tận dụng các kênh bán hàng trực tuyến và công nghệ số để tiếp cận thị trường và khách hàng quốc tế một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh vai trò của doanh nghiệp, theo bà Vinh, các Bộ, ngành phải có chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề nguyên liệu. Doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại.