Lần đầu tiên xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 5 tỷ USD Tăng sức cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam Chung tay xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam |
Xây dựng thương hiệu gạo thành công chính là xây dựng được lòng tin. Ảnh minh hoạ |
Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu gạo quy mô thế giới
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), 11 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 8,5 triệu tấn gạo (tăng 10,6%), với giá trị 5,31 tỷ USD (tăng 22,4%) cao nhất từ trước đến nay. Trong những năm gần đây, cơ cấu gạo của Việt Nam liên tục thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng gạo chất lượng cao, giá trị cao và giảm loại gạo phẩm cấp thấp.
Hạt gạo Việt không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn là một trong những cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, liên tục trong các năm qua gạo Việt đều lọt vào top 3, trong đó gạo ST25 đã hai lần trở thành loại gạo ngon nhất thế giới.
Bên cạnh kết quả đạt được, hạt gạo Việt Nam hiện đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường quốc tế. Cụ thể, nhiều nước trong khu vực có lợi thế về lúa gạo đang dần mở cửa trở lại sau một thời gian hạn chế xuất khẩu. Do đó, việc định hình thương hiệu quốc gia cho gạo Việt đang trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.
Với quy mô quốc tế, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia có sự nhận biết rộng rãi, cũng như thiếu vắng các thương hiệu gạo của doanh nghiệp trên kệ bán lẻ thế giới.
Nói đến gạo Việt Nam, người tiêu dùng vẫn chưa hình dung ra cụ thể đó là loại gạo nào... Trong khi, Thái Lan có gạo Thai Hom Mali, Ấn Độ và Pakistan có Basmati Rice, Nhật Bản có gạo Japonica, Ý có gạo Arborio Rice… đã định hình được thương hiệu gạo quốc gia của riêng mình.
Thương hiệu gạo Việt Nam được Chính phủ chỉ đạo xây dựng từ năm 2017 và Bộ NN-PTNT đã hoàn thiện xây dựng chứng nhận nhãn hiệu Gạo Việt Nam (VietNam Rice), đăng ký bảo hộ theo thỏa ước Madrid, cũng như đăng ký bảo hộ tại 20 quốc gia trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Philippines... Tuy nhiên, việc ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu gạo Việt Nam đang có những vướng mắc liên quan đến việc đăng ký các thủ tục mang tính chất pháp lý...
Xây dựng thương hiệu gạo từ doanh nghiệp
Các đại biểu chia sẻ về giải pháp xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Ảnh: Kim Anh. |
Ông Lê Thanh Tùng, nguyên phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng trong 30 năm qua, Bộ NN-PTNT đang làm bước xây dựng thương hiệu gạo với các nền tảng khác nhau, về giống, quy trình canh tác, thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Theo ông Tùng, trong 30 năm, Việt Nam đã xuất khẩu gạo với nhiều chủng loại, đang đi dần tới gạo Việt Nam trắng, trong, hạt dài mà Việt Nam dày công xây dựng trong 20 năm gần đây.
Trước đây gạo trắng, trong, hạt dài chỉ chiếm 15-20%, hiện tại đã chiếm khoảng 75%. Còn lại 10% là nếp, 10% gạo cho chế biến, còn lại khoảng 10% gạo đặc thù (như gạo giảm đường, gạo canh tác theo Viet GAP, Global GAP).
"Xây dựng thương hiệu gạo phải từ doanh nghiệp, không đi từ quốc gia, xây dựng thương hiệu gạo từ quốc gia đều thất bại. Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ làm hẹp đi sự sáng tạo của các doanh nghiệp.
Gạo cũng giống các mặt hàng khác, đánh giá thương hiệu từ mức độ an toàn, độ đồng đều, về thời gian, giá cả phù hợp, về thân thiện thị trường, cách tiếp cận chuỗi thị trường…
Không ai làm được chuyện này ngoài doanh nghiệp. Trong hội thảo hôm nay có nhiều doanh nghiệp đã làm được. Những cái này mà làm thành khối thì thành thương hiệu quốc gia.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đề án 1 triệu hecta gạo chất lượng cao, phát thải thấp cũng là cách để theo định hướng đó xây dựng thương hiệu gạo: đi vào canh tác, có doanh nghiệp, xây dựng nhãn mác, xây dựng thương hiệu, bán giá ổn định… Đó đều là thương hiệu gạo Việt Nam", ông Tùng bày tỏ quan điểm.
Anh hùng lao động Hồ Quang Cua nhìn nhận, theo kinh nghiệm từ xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng của thế giới như ở Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia thì "mình chưa làm được (thương hiệu), và có làm cũng chưa tới đâu".
"Nhìn ra những quốc gia xây dựng thương hiệu thành công nhất thế giới, Ấn Độ tập trung cho giống Basmati, Thái Lan có Hom Mali, tức là họ tập trung cho một giống. Sau khi tập trung cho một giống thì luôn luôn có tiêu chuẩn độ thuần. Trong 10 năm tới, Việt Nam tiến tới đâu cũng phải tuân theo luật chơi của quốc tế, không thể làm khác", ông trình bày quan điểm.
Theo ông Cua, độ thơm là tinh túy của gạo, các nước đều chọn độ thơm làm thương hiệu. Bước kế tiếp luôn luôn là độ thuần, còn tiêu chí về gạo trắng, độ ẩm là bình thường. Còn ở Việt Nam, xâm nhiễm hóa chất quá nhiều do vấn đề thâm canh, vì vậy trong vấn đề xây dựng thương hiệu ở Việt Nam, ngoài tiêu chuẩn độ thuần, cần hạn chế hóa chất để gạo có hương vị tự nhiên (giảm thuốc hóa học bằng thuốc hữu cơ, giảm phân hóa học bằng phân sinh học), tránh lúa chín thời điểm mưa dầm hoặc nắng quá gắt thì sẽ giữ được độ thơm.
"Chúng tôi rất mừng là năm nay, khi chúng ta bước vào thị trường gạo cao cấp của thế giới, hành vi doanh nghiệp và nông dân đã thay đổi nhiều. Doanh nghiệp và người dân từng bước yêu cầu qua yêu cầu lại, hỗ trợ qua hỗ trợ lại để cùng nâng cấp. Đó là yếu tố cho chúng ta tiến bước lên. Có năm Việt Nam có 600 container gạo xuất khẩu do Mỹ trả về, có nghĩa chúng ta sử dụng hóa chất. Gạo thơm Việt Nam là giống lúa thơm cải tiến, sử dụng nhiều phân bón và chất hóa học nên yếu tố an toàn cần được đặt ra", ông Cua cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng Việt Nam nói và làm thương hiệu gạo từ lâu. Hiện tại nếu nói chưa có, chưa thành công thì không hẳn đúng.
Hiện tại Philippines mỗi năm nhập khẩu của Việt Nam vài chục ngàn tấn gạo. "Cuối năm 2023 có sự kiện Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, làm giá gạo lên. Nhưng giờ Ấn Độ xả lệnh cấm và bán giá rất rẻ, vì sao Philippines không mua của Ấn Độ mà mua của Việt Nam? Đó là vì họ có lòng tin vào gạo Việt Nam", ông nhận định.
Vì vậy, theo ông Bình, xây dựng thương hiệu gạo thành công là xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Về vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam, ông Bình kể từ năm 2010 đến năm 2014, ông và ông Hồ Quang Cua "như hình với bóng" trong vấn đề xây dựng gạo ST để lan tỏa trên thế giới. "Việt Nam của chúng ta tại sao ST25 vang lừng trên thế giới, dù sản lượng xuất khẩu chưa nhiều, nhưng có thể lấy xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Khi chúng ta có gạo ngon nhất thế giới là thương hiệu quốc gia, các loại gạo khác cũng được hưởng lợi theo. Việt Nam nên lấy gạo ST25 làm giống lúa tiêu biểu của Việt Nam.
Còn về vấn đề chung là chúng ta xây dựng thương hiệu nên từ đồng ruộng tới bàn ăn, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu không xây dựng chuẩn chỉnh, gạo có ngon nhất thế giới mà bị trả về hàng trăm container thì chúng ta cũng bị ảnh hưởng.
Xây dựng thương hiệu gạo phải xây dựng cả chuỗi từ khâu giống, tới đồng ruộng, sản xuất và chế biến. Chúng ta xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng thì lúc đó xây dựng thương hiệu sẽ thành công", ông Bình nói.
Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024 có thể đạt kỷ lục mới |
Việt Nam chi gần 1,2 tỷ USD mua gạo để làm gì? |
Xuất khẩu gạo Việt Nam hướng tới kỷ lục mới, vượt 5 tỷ USD |