Hình ảnh cây sâm Ngọc Linh. |
Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý của Việt Nam và thế giới
Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý của Việt Nam và thế giới, được xác định là quốc bảo của Việt Nam, được phân bố tại Kon Tum, Quảng Nam. Tu Mơ Rông hiện đã phát triển được hơn 2.800ha sâm Ngọc Linh, lớn nhất nước. Trong 5 năm qua, cây sâm Ngọc Linh đã góp phần xóa gần 2.000 hộ nghèo; giúp hàng trăm hộ làm giàu, cá biệt có hộ thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh sâm Ngọc Linh, cũng có nhiều loại củ, sâm có vẻ ngoài tương tự như sâm Ngọc Linh. Điều này khiến người tiêu dùng khó nhận biết, phân loại, tạo cơ hội cho những kẻ xấu lừa đảo. Thực tế là đã xảy ra các trường hợp rao bán sâm Ngọc Linh giả bằng những loại củ có vẻ ngoài giống sâm Ngọc Linh. Người chịu thiệt đầu tiên là khách hàng khi bỏ số tiền lớn nhưng không mua đúng sản phẩm chất lượng, còn người trồng tâm huyết thì bị mang vạ.
"Hội thảo phát triển sâm Ngọc Linh tổ chức tại Kon Tum vào sáng 10/12 nhằm giúp nhận diện rõ, đầy đủ hơn giá trị của sâm Ngọc Linh. Từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trên cả nước có thêm thông tin chính thống để phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại sâm, củ khác, qua đó, đưa ra sự lựa chọn phù hợp trong việc lựa chọn các loại sâm để chăm sóc sức khỏe; xây dựng ngành sâm bền vững, hướng đến sớm biến quốc bảo sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh”, Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - ông Nguyễn Hữu Tháp cho biết thêm: Hiện 1 héc ta sâm Ngọc Linh đem lại giá trị hơn 30 tỷ đồng. Thực sự là một cây trồng có giá trị cao về kinh tế, tuy nhiên loại cây này đang đối mặt với nạn sâm giả khiến người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã bị thiệt hại lớn.
Theo Quyết định 611/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 định hướng đến năm 2045, đã thể hiện rõ ý chí biến sâm “quốc bảo” trở thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cho người trồng sâm, trong đó sâm Ngọc Linh là loại có giá trị dược lý và giá trị kinh tế vượt trội.
Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum và huyện Tu Mơ Rông đã ban hành nhiều văn bản chính sách bảo vệ cây sâm Ngọc Linh nhưng vẫn chưa hiệu quả như mong muốn. Đóng góp về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Đức, khoa dược, Trường đại học Tôn Đức Thắng - cho hay, “Do giá cả chênh lệch đến hàng trăm triệu đồng giữa một số loại sâm so với sâm Ngọc Linh, cùng với tình trạng nhập lậu Tam Thất hoang giá rẻ, chất lượng không kiểm soát từ Trung Quốc vào Việt Nam, thị trường sâm đang bất ổn, thiếu kiểm soát, dẫn đến tình trạng hàng gian, hàng giả tràn lan, gây thiệt hại hình ảnh và uy tín của sâm Ngọc Linh và thiệt hại cho người dùng. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển cây sâm của Việt Nam chưa thật sự chặt chẽ và khoa học ... đã gây khó khăn, thậm chí hạn chế sự phát triển của sâm Việt Nam nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng”.
Cần mở rộng danh mục sản phẩm từ sâm
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tìm hiểu nghiên cứu sâm Ngọc Linh. |
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận về việc các doanh nghiệp đóng vai trò cầu nối, biến sâm Ngọc Linh từ một nguồn tài nguyên thiên nhiên thành sản phẩm thương mại hóa có giá trị cao. Ngoài sâm tươi, cần mở rộng danh mục sản phẩm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và thuốc. Đồng thời xây dựng chuỗi giá trị khép kín đầu tư vào công nghệ chế biến, từ khâu trồng trọt đến sản xuất và phân phối; đẩy mạnh xuất sâm Ngọc Linh sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, đồng thời củng cố vị thế tại thị trường nội địa.
Theo ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, từ kết quả nghiên cứu của các cơ quan, viện nghiên cứu, có thể khẳng định, sâm Ngọc Linh là một trong những loài sâm tốt nhất thế giới với hàm lượng saponin cao hơn nhiều so với các loài sâm khác. Nhiều nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và có nhiều công trình khoa học chứng minh giá trị đặc hữu của cây sâm Ngọc Linh. Do đó, với những giá trị của sâm Ngọc Linh đối với người tiêu dùng và thị trường thì nhu cầu về trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh là rất lớn; nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã liên hệ với các sở ngành, địa phương thực hiện việc được khảo sát để trồng sâm. Tuy nhiên, hiện nay còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện như: vốn đầu tư lớn, quy định và hướng dẫn về thuê dịch vụ môi trường rừng; chưa có quy định, hướng dẫn về quản lý, cấp mã số vùng trồng, và đặc biệt hiện nay trên thị trường có nhiều loại sâm có hình thái rất giống sâm Ngọc Linh như: sâm Lai Châu, sâm Lang Biang, sâm Vũ Điệp... Một số tư thương đã trà trộn vào lấy thương hiệu sâm Ngọc Linh, do đó đã ảnh hưởng tới lòng tin của người tiêu dùng.
GS.TS Nguyễn Minh Đức kiến nghị: “Nhanh chóng xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia, chuyên luận dược điển phù hợp cho từng loại sâm, nhất là áp dụng các phương pháp kiểm nghiệm hiệu quả để phân biệt các loại sâm, xác định đúng giá trị. Áp dụng biện pháp mạnh mẽ kiểm soát thị trường sâm, đặc biệt phải tăng cường quản lý chất lượng để giữ gìn hình ảnh, uy tín của các cây sâm, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước…"
Các nhà khoa học khuyến nghị để bảo vệ cần sâm Ngọc Linh doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân trồng sâm cần đồng lòng, đồng tâm, hợp sức thực hiện những chính sách vĩ mô và vi mô, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu. Làm sao phải hài hoà, hiệu quả, trong đó cần đặt lợi ích toàn cục của đất nước và Nhân dân trên hết.
GS.TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường đại học Tây Đô - nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: Sau hơn 50 năm được phát hiện, cây thuốc dấu của dân tộc Xê Đăng đã được công nhận là sâm quốc bảo của đất nước và đang vươn tầm ra thế giới. Các công trình được công bố về sâm Việt Nam trên thế giới tuy vẫn còn khiêm tốn so với sâm Triều Tiên nhưng đều là những thành tựu về khoa học và thực tiễn. Do sự quý hiếm và có giá trị kinh tế cao của sâm Việt Nam nên việc ngụy tạo trở thành một vấn nạn. Đặc biệt còn phát hiện thêm hai thứ của sâm Việt Nam như anh em song sinh làm cho khả năng nhầm lẫn về giá trị sử dụng và kinh tế tăng cao. Vì vậy, rất cần một hành lang minh bạch, an toàn về tính pháp lý, tính khoa học và sự tỉnh táo của người tiêu dùng trong việc lựa chọn và tin dùng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
PGS.TS Nguyễn Trường Huy, Khoa Dược – Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu đều là những cây sâm quý có ở Việt Nam, cần được bảo tồn và phát triển rộng rãi để mang lại lợi ích cho đất nước và cộng đồng. Tuy nhiên việc minh định phân biệt rõ ràng là hết sức cần thiết để đảm bảo tác dụng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì 2 thứ sâm này khác nhau về phân loại (taxon) và giá trị, nhưng có chứa nhiều saponin tương đồng nhau. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã xác định rõ các chỉ dấu hóa học có khả năng phân biệt sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu hiệu quả, tiến tới để xây dựng chuyên luận cho sâm Lai Châu trong Dược Điển Việt Nam phiên bản tới.
Gia Lai đặt mục tiêu đến 2030 trồng khoảng 800 ha sâm Ngọc Linh |
Khi sâm Ngọc Linh hội nhập môi trường số |
15 quốc gia tham gia Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM 2024 |