Để trái cây Việt vững vàng mùa thu hoạch Vải, mận được mùa mất giá, vì sao chế biến vẫn chưa bứt phá? Xuất khẩu khởi sắc: Hàng Việt vươn tầm thế giới |
![]() |
Hoa dứa Đồng Giao. Ảnh: Tùng Đinh. |
Từ cây trồng thử nghiệm đến đặc sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Cây dứa bắt đầu bén rễ tại vùng đất bán sơn địa ở Tam Điệp (Ninh Bình) từ những năm 1970, khi Nông trường Đồng Giao – tiền thân của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) – đưa giống dứa về trồng thử nghiệm. Nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây dứa phát triển mạnh, cho năng suất cao và chất lượng quả vượt trội, dần trở thành cây trồng chủ lực của vùng.
Hiện nay, vùng trồng dứa trọng điểm ở phía Nam tỉnh Ninh Bình đã mở rộng lên hàng nghìn hecta, chủ yếu là giống dứa Cayenne và dứa Queen. Trong đó, giống Cayenne đạt năng suất 60–70 tấn/ha, còn giống Queen cũng dao động 50–60 tấn/ha. Nhờ kỹ thuật canh tác tiến bộ, người dân có thể luân phiên xuống giống, điều chỉnh ra hoa để cho thu hoạch nhiều đợt trong năm, tránh được tình trạng “được mùa mất giá”.
Đáng chú ý, năm 2025 ghi nhận mức giá dứa cao chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Tại thời điểm dứa chín rộ, giá thu mua vẫn ổn định ở mức 8.000–13.000 đồng/kg, tùy thời điểm, giống và kích cỡ quả, tăng khoảng 1,2–1,5 lần so với những năm trước. Với năng suất và giá bán như vậy, nông dân có thể thu hàng trăm triệu đồng mỗi hecta, thậm chí có hộ lãi tới hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài quả dứa, người dân còn tận thu chồi giống, hoa dứa để bán với giá 1.000 đồng/chồi, góp thêm 30–50 triệu đồng mỗi hecta. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế của cây dứa càng được nâng cao, giúp người dân ổn định đời sống, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Không chỉ là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, dứa Đồng Giao còn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, khẳng định vị thế thương hiệu nông sản đặc sản của tỉnh Ninh Bình. Đặc trưng của dứa Đồng Giao là vị ngọt đậm, không xơ, hương thơm nồng nàn – được tạo nên từ điều kiện tự nhiên lý tưởng của vùng đất bán sơn địa với đất sét pha tơi xốp, thoát nước tốt, biên độ nhiệt ngày – đêm lớn, kết hợp lượng bức xạ dồi dào.
Chế biến sâu – “chìa khóa vàng” nâng tầm giá trị sản phẩm
![]() |
Hình ảnh những quả dứa Đồng Giao thơm ngon khi bước vào vụ thu hoạch |
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của thương hiệu dứa Đồng Giao chính là chiến lược đầu tư chế biến sâu của doanh nghiệp DOVECO. Không chỉ dừng lại ở mô hình bao tiêu sản phẩm tươi cho nông dân, DOVECO còn xây dựng hệ thống nhà máy hiện đại tại Ninh Bình để chế biến dứa thành các sản phẩm xuất khẩu như: dứa hộp, dứa đông lạnh IQF, nước ép dứa, sinh tố dứa và dứa sấy.
Nhờ chuỗi giá trị khép kín từ vùng nguyên liệu đến chế biến, dứa Đồng Giao đã có mặt tại hơn 55 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, thị phần xuất khẩu sang châu Âu – nơi có yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm – hiện chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của DOVECO.
Chiến lược chế biến sâu không chỉ giúp doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản mà còn nâng cao giá trị gia tăng cho trái dứa. So với bán tươi, dứa chế biến có thể đạt giá trị cao gấp 2–3 lần, đồng thời giảm áp lực tiêu thụ trong thời điểm thu hoạch rộ. Điều này góp phần bảo vệ thu nhập cho nông dân, ổn định thị trường và từng bước xây dựng thương hiệu nông sản có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh đó, DOVECO cũng đồng hành cùng người dân chuyển đổi sang giống dứa MD2 – giống dứa chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu tốt. Doanh nghiệp hỗ trợ giống, kỹ thuật và cam kết bao tiêu, từ đó thúc đẩy nông dân sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Các kỹ thuật hiện đại như màng phủ nông nghiệp, cơ giới hóa trong trồng – thu hoạch – chăm sóc cũng được áp dụng ngày càng nhiều, giảm chi phí và tăng năng suất lao động.
Cách làm thương hiệu từ nông sản địa phương
Từ câu chuyện của dứa Đồng Giao có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong xây dựng thương hiệu nông sản vùng miền. Trước hết là việc quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, có điều kiện tự nhiên phù hợp và duy trì được tính đặc trưng của sản phẩm. Thứ hai là sự vào cuộc đồng bộ giữa nông dân – doanh nghiệp – chính quyền địa phương để hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ – chế biến hiệu quả. Và cuối cùng là đầu tư đúng hướng vào chế biến sâu và xúc tiến thương mại, giúp nông sản không chỉ “tốt ở làng” mà còn chinh phục được thị trường quốc tế.
Dứa Đồng Giao không còn đơn thuần là cây xóa đói giảm nghèo mà đã trở thành “cây làm giàu”, một biểu tượng của sự thay đổi trong tư duy sản xuất và xây dựng thương hiệu nông sản. Mỗi mùa thu hoạch, tiếng cười nói rộn ràng trên các cánh đồng dứa là minh chứng rõ rệt cho thành công của mô hình liên kết bền vững giữa người dân và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang đứng trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, bài học từ dứa Đồng Giao chính là hình mẫu cho các địa phương khác tham khảo trong hành trình nâng tầm nông sản Việt Nam – từ sản phẩm tươi sống đến chế biến sâu, từ nông trại ra thế giới.
![]() |
![]() |