Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm truyền thống
Có tiềm năng lớn về nông nghiệp, tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang khẳng định thương hiệu, chất lượng, chinh phục được thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
Cụ thể, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông với diện tích trên 130.000 ha, sản lượng 340.000 tấn/năm. Từ khi triển khai Chương trình OCOP, các nông dân, HTX, chủ thể nhận thấy rõ hơn tầm quan trọng của các mô hình tổ chức sản xuất, chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm cà phê. Đến nay, cà phê là sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình OCOP nhiều nhất với 17 sản phẩm.
Sau khi đạt chuẩn OCOP, các chủ thể chú trọng đến quy trình từ trồng, chăm sóc, thu hái quả và chế biến cà phê; không ngừng nâng cấp, phát triển các sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
![]() |
Sản phẩm quýt đường của chị Nguyễn Thị Mai đạt chứng nhận OCOP tỉnh Đắk Nông. |
Giám đốc HTX Tin True Coffee - Hồ Trọng Tín chia sẻ rằng: Để nâng cao giá trị sản phẩm và giá bán cho bà con, HTX tổ chức chế biến sâu nhằm cung cấp cho thị trường cà phê sạch và hướng tới xuất khẩu. Cách làm của HTX Tin True Coffee góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn giúp nâng tầm chất lượng và giá trị của cà phê Đắk Nông.
Ngoài cà phê thì mắc ca cũng có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh (6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao trên 60 sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh). Mắc ca là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được nông dân phát triển trong những năm gần đây.
Nhận thấy tiềm năng, nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn và giá trị dinh dưỡng từ hạt mắc ca, nhiều cơ sở đã đầu tư máy móc chế biến hạt mắc ca cung cấp cho thị trường. Nhiều cơ sở chế biến mắc ca ra đời giúp người dân yên tâm gắn bó với cây trồng này và thu nhập cho nông dân cũng nâng lên.
Từ khi chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh, Tỉnh đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với chương trình OCOP. Kết quả, nhiều gương thanh niên phát triển kinh tế dám nghĩ, dám làm, nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao giá trị thương hiệu, các sản phẩm OCOP. Tiêu biểu, như sản phẩm cà phê bột Star của Công ty TNHH MTV Star Roastery của nhóm bạn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn, Nguyễn Văn Chung, Đặng Hữu Minh, thị trấn Đức An (Đắk Song)... đều được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Giá trị các sản phẩm ngày càng được nâng tầm
Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đạt kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
![]() |
Thông qua các các dịp hội thảo trong, ngoài tỉnh, anh Trần Văn Hội đưa sản phẩm đông trùng hạ thảo giới thiệu nhiều hơn đến người tiêu dùng. |
Chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, được người dân hưởng ứng tích cực và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa. Các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết: Các sản phẩm OCOP ngày càng có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, bắt mắt, mang đặc trưng cho địa phương. Các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đã và đang đầu tư công nghệ, tạo ra đa dạng sản phẩm, áp dụng công nghệ để truy xuất được nguồn gốc.
Nhiều sản phẩm OCOP lên sàn điện tử
Trong thời gian qua, các sản phẩm OCOP không chỉ được bán với hình thức trực tiếp tại các chuỗi cung ứng OCOP, siêu thị… mà còn được bán qua sàn thương mại điện tử.
Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông đã phối hợp, cung cấp cho Sở TT&TT thông tin các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP để đưa lên sàn Postmart.vn và Voso.vn.
Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, lên sàn thương mại điện tử.
Ngành chức năng cũng hướng dẫn người dân mua sắm các sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng di động như: Lazada, Shopee, Sendo, Facebook, Zalo.
Người dân được hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng (app) sàn thương mại điện tử Postmart.vn hoặc Voso.vn và tài khoản thanh toán điện tử.
Tính đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đã hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử cho 630 sản phẩm; trong đó có 47 sản phẩm OCOP, 583 sản phẩm nông nghiệp khác. Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là 111.390 hộ, đạt 92,8%. |
Thời gian tới, Sở NN&PTNT Đắk Nông tiếp tục triển khai kế hoạch, giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ các chủ thể sản xuất đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
Ngành Nông nghiệp tuyên truyền, vận động người dân mua sản phẩm OCOP trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng di động.
Các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP sẽ được tham gia các hoạt động kinh tế số nông nghiệp, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán, trao đổi và kinh doanh nông sản…
Đồng thời, ngành Nông nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; bảo đảm an toàn thông tin cho các chủ thể sản xuất nông nghiệp.
Trong giai đoạn 2022-2025, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông sẽ xây dựng sàn thương mại điện tử thuộc hệ thống thông tin thị trường nông sản, ngành Nông nghiệp sẽ hỗ trợ các chủ thể sản xuất nông nghiệp khai thác, sử dụng các nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, hệ sinh thái nông nghiệp số.