Ninh Bình: Nuôi cua biển sử dụng chế phẩm sinh học Ninh Bình: Làm giàu từ phát triển hàu giống Ninh Bình: Cả làng ăn nên làm ra, giàu lên nhờ trồng ổi lê Đài Loan |
Dứa Đồng Giao cùng với cá rô Tổng Trường, dê núi và cơm cháy Ninh Bình được coi là những đặc sản ẩm thực tiêu biểu của Ninh Bình. Theo bảng xếp hạng của Vietkings năm 2016, dứa Đồng Giao là một trong số 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam.
Dứa Đồng Giao chiếm phần lớn diện tích canh tác tại thành phố Tam Điệp |
Dứa được trồng chủ yếu tại TP. Tam Điệp và được xem là nguồn thu nhập chính của người nông dân. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, đến nay cây dứa vẫn phát triển mạnh và là cây trồng chính cho thu nhập cao.
Hiện nay, ở Tam Điệp, cây dứa chiếm 60% diện tích trồng các cây ăn quả, trong đó có 2 giống dứa chính là dứa Cayen và dứa Queen. Nhờ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nên sản lượng dứa thu hoạch qua hàng năm đều tăng nhanh. Sản phẩm từ dứa chủ yếu được chế biến thành dứa hộp và các sản phẩm nước dứa, đây là những mặt hàng xuất khẩu lớn, có giá trị kinh tế cao.
Sản phẩm dứa nơi đây nổi tiếng với vị ngọt đậm và hàm lượng chất dinh dưỡng cao (hàm lượng chất khô hòa tan: 12,71-14,03 0bx (dứa Cayene); 16,7-17,87 03 0bx (dứa Queen), hàm lượng vitamin C: 27,87-28,57 mg/100g (dứa Cayene); 26,52-27,10 mg/100g (dứa Queen), hàm lượng axit: 0,75-0,71% (dứa Cayene); 0,78-0,79 (dứa Queen).
Dứa Đồng Giao có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, thành phần dinh dưỡng cao |
Bên cạnh kinh nghiệm và bí quyết canh tác của người dân, các đặc tính này có được là nhờ điều kiện tự nhiên độc đáo của khu vực này: vùng bán sơn địa, có mức độ phân cắt địa hình ít nên tạo sự đồng đều về khí hậu, tiêu thoát nước tốt, thuận lợi cho việc trồng và sản xuất cây dứa.
Đất đai nơi đây có hàm lượng sét cao, tầng mặt của đất tơi xốp, phù hợp với đặc điểm của cây dứa là có bộ rễ yếu, ăn nông và cần lượng nước cao.Ngoài ra, đây là khu vực có biên độ nhiệt ngày đêm lớn (4 - 6oC) và lượng bức xạ cao giúp tạo nên đặc điểm đặc thù cho sản phẩm dứa Đồng Giao.
Ngoài các yếu tố tự nhiên của khu vực địa lý, bí quyết canh tác, kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và bảo quản sản phẩm của người sản xuất tại khu vực địa lý cũng góp phần tạo nên các đặc thù của sản phẩm dứa Đồng Giao.
Dứa Đồng Giao là loại cây ăn quả đầu tiên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Ninh Bình |
Ngày 27/5/2019, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2588/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00074 cho sản phẩm dứa Đồng Giao. Ủy ban nhân dân thành phố Tam Điệp là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Dứa Đồng Giao là sản phẩm thứ hai ở Ninh Bình được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sau sản phẩm thịt dê, và là loại cây ăn quả đầu tiên ở đây được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Khu vực địa lý bao gồm các xã Phú Long, Quảng Lạc thuộc huyện Nho Quan; các xã Đông Sơn, Quang Sơn và các phường Trung Sơn, Nam Sơn thuộc thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Hiện tại, tỉnh Ninh Bình có một số doanh nghiệp chế biến dứa xuất khẩu, đã góp phần đẩy mạnh nghề trồng dứa phát triển. Đặc biệt, Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao (DOVECO) - một trong 6 trung tâm chế biến thực phẩm quy mô nhất cả nước, mỗi năm tiêu thụ hàng chục nghìn tấn rau, hoa quả các loại, trong đó có sản phẩm từ dứa.
Hiện nay, DOVECO đã đưa dứa và các sản phẩm rau hoa quả khác của tỉnh đến với hơn 30 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Vì vậy, sản phẩm dứa sản xuất ra được đảm bảo tiêu thụ nhanh chóng với giá cả hợp lý, đảm bảo nguồn thu cho người nông dân. Nhờ phát triển bền vững cây dứa, nhiều hộ nông dân nơi đây có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu nhập từ 80-100 triệu đồng/ha, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.