Cua biển là một trong những đối tượng nuôi phổ biến của người dân ở các xã ven biển huyện Kim Sơn. Tuy nhiên, hiện nay, đa phần bà con đang nuôi theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất cua đạt thấp.
Ninh Bình phát triển mô hình nuôi cua biển bằng chế phẩm sinh học
Xuất phát từ thực tế đó, năm 2020 Chi cục Thủy sản đã triển khai xây dựng mô hình: "Nuôi cua biển thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học" tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn. 3 hộ nông dân tự nguyện tham gia mô hình được hỗ trợ con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc xử lý ao. Trong quá nuôi, cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn chủ hộ kỹ thuật nuôi, theo dõi, xử lý môi trường nước và phòng bệnh cho cua.
Với quy mô 2 ha, thả 2 vạn con cua giống (cỡ 3 - 4 cm); ao nuôi chuẩn bị chu đáo, xử lý đúng quy trình kỹ thuật; cua được cho ăn thức ăn tươi sống, đảm bảo chất lượng nên tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng tương đối cao.
Bắt đầu thả từ giữa tháng 4, đến giữa tháng 8, sau 4 tháng nuôi, cua thu hoạch trung bình đạt trọng lượng 320 g/con, có những con đạt trên 500 g, tổng sản lượng đạt gần 4,5 tấn, sau khi trừ chi phí, người nuôi cua thu lãi khoảng 135 triệu đồng/ha.
Là một trong 3 hộ dân tại xã Kim Đông tham gia thực hiện mô hình, anh Nguyễn Văn Tuấn, cho biết, với diện tích hơn 7.000 m2, anh thả 7.000 cua giống. Nhờ sử dụng chế phẩm sinh học mà môi trường ao nuôi được kiểm soát tốt hơn, cua lớn nhanh, sau 4 tháng nuôi trọng lượng cua từ 250 - 350 g/con, bắt đầu cho thu hoạch tỉa. Theo anh Tuấn, chỉ nửa tháng nữa anh sẽ thu hoạch đồng loạt và chắc sẽ trúng lớn. Còn đầm nuôi cua của gia đình anh Nguyễn Văn Hiểu (xóm 5, xã Kim Đông) rộng 6.000 m2 anh thả 6.000 cua giống, qua kiểm tra, sản lượng dự kiến sẽ đạt gần 1,4 tấn; trừ chi phí gia đình anh sẽ có lãi khoảng 80 – 90 triệu đồng.
Theo Chi cục Thủy sản Ninh Bình cho biết, trong quá trình nuôi, hàng ngày người dân phải quan sát khả năng bắt mồi và sử dụng thức ăn của cua để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp nhất, sử dụng thức ăn tươi sống, cho ăn 1 lần/ngày vào 4 - 5 giờ chiều; không được để cua đói nhằm tránh chúng ăn lẫn nhau, nhất là khi nuôi với mật độ cao. Định kỳ thay nước ao 2 lần/tháng và từ tháng thứ 2 cần quạt nước hoặc sục khí để tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan trong nước. Nước mới trong sạch, kích thích cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt, mau lớn.
Mai Quỳnh