Thách thức từ liên kết và công nghệ
![]() |
Nông dân thu hoạch dứa thủ công – chuỗi liên kết sản xuất vẫn còn thiếu đồng bộ và bền vững. |
Với hơn 48 nghìn ha diện tích cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 860 nghìn tấn, dứa đang là một trong những cây trồng chủ lực có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam. Các vùng trồng trọng điểm gồm Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Tiền Giang, Kiên Giang đang đẩy mạnh mô hình rải vụ để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dứa tươi quanh năm và đáp ứng công suất chế biến trong mùa trái vụ.
Dù đã hiện diện tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, song dứa Việt vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – thị trường thế giới hiện đang trong tình trạng “không có hàng để bán” khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, đặc biệt tại châu Âu và Bắc Mỹ – hai khu vực chiếm tới 50% tiêu thụ toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) 6,33%, quy mô thị trường dứa thế giới dự kiến sẽ đạt gần 39,13 tỷ USD vào năm 2029. Trong bối cảnh đó, Việt Nam hoàn toàn có khả năng nâng tầm chuỗi giá trị dứa nếu xây dựng được chiến lược phát triển phù hợp.
Trên thực tế, nước dứa cô đặc của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 50 quốc gia. Sản phẩm của DOVECO thậm chí được thị trường Nhật Bản trả tới 4.000 USD/tấn – cao hơn từ 1.000 đến 1.200 USD so với mức giá tại EU và Mỹ. Đây là minh chứng rõ nét cho chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm dứa Việt trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, ngành dứa vẫn đang đối diện nhiều “nút thắt”. Trước hết là vấn đề giống trồng còn đơn điệu, khả năng chống chịu sâu bệnh kém và thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Tỷ lệ diện tích trái vụ còn thấp, liên kết sản xuất thiếu chặt chẽ, khiến chuỗi giá trị dễ đứt gãy. Hoạt động chế biến vẫn ở mức hạn chế, trong khi dứa Việt Nam gần như chưa có thương hiệu quốc gia, khó tạo được chỗ đứng vững chắc trước các đối thủ lớn như Costa Rica, Indonesia hay Philippines.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods – nhận định, quy hoạch thiếu đồng bộ đã dẫn đến tình trạng trồng dứa ồ ạt khi giá cao, gây ra thừa cung rồi rớt giá. Cùng với đó là hoạt động mua bán không kiểm soát của thương lái nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc, khiến nông dân dễ bị ép giá.
Về vấn đề chất lượng, các doanh nghiệp cảnh báo một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể gây tổn hại đến uy tín ngành. Do đó, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cần cập nhật thường xuyên các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Trung Quốc, để đảm bảo dứa Việt không bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu.
Chiến lược tái thiết bằng công nghệ và tín dụng xanh
![]() |
Dây chuyền chế biến dứa ứng dụng công nghệ hiện đại – hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị xuất khẩu. Ảnh: NY. |
Để ngành dứa có thể bứt phá, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp – từ quy hoạch vùng trồng, tín dụng ưu đãi, cho tới đầu tư hạ tầng. Trước mắt, cần mở rộng diện tích vùng nguyên liệu gắn với các giống chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, nên dành khoảng 30–40% diện tích cho dứa trái vụ nhằm ổn định cung cầu quanh năm, tối ưu hóa hiệu quả chế biến.
Một rào cản lớn hiện nay là thiếu vốn đầu tư ban đầu. Ước tính chi phí trồng dứa lên tới 120–130 triệu đồng/ha cho chu kỳ 15 tháng. Vì vậy, cần sớm ban hành chính sách tín dụng ưu đãi riêng cho các vùng nguyên liệu năng suất cao. Đồng thời, ông Nguyên đề xuất các cơ quan chức năng xem xét “cởi trói” về quỹ đất thông qua các cơ chế như cổ phần hóa đất công, cho thuê hoặc đấu giá công khai, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư dài hạn.
Ở góc độ kỹ thuật, PGS.TS Phạm Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch – cho rằng dứa là loại quả dễ hư hỏng sau thu hoạch, do đó cần đầu tư vào công nghệ bảo quản và chế biến phù hợp. Đẩy mạnh chế biến sâu như nước ép, mứt, dứa lên men… sẽ giúp giảm áp lực tiêu thụ tươi, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Theo chuyên gia này, hiện nay tỷ lệ chế biến sâu trong ngành dứa vẫn còn thấp so với tiềm năng. Việc đầu tư hệ thống bảo quản lạnh, sấy khô và công nghệ đóng gói hiện đại sẽ là bước đột phá để đưa chất lượng sản phẩm dứa Việt tiệm cận chuẩn quốc tế.
Về mặt thị trường, ông Ngô Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật – cho biết Việt Nam dù đã xuất khẩu dứa sang 122 quốc gia nhưng vẫn chưa mở rộng thêm được hồ sơ kỹ thuật cho các thị trường mới. Đây là hạn chế cần khắc phục, nhất là trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đang mở ra nhiều cơ hội lớn tại thị trường EU.
Để tiến tới mục tiêu xuất khẩu tỷ đô, ngành dứa Việt Nam cần một chiến lược tổng thể – từ quy hoạch vùng trồng, phát triển giống chất lượng cao, đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, đến mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu quốc gia. Chỉ khi tái thiết toàn diện chuỗi cung ứng, Việt Nam mới có thể không chỉ là quốc gia sản xuất mà còn là trung tâm chế biến và xuất khẩu dứa có giá trị cao trong chuỗi nông sản toàn cầu.