Vải làm từ bã cà phê – hướng đi mới cho chất liệu ngành may mặc May 10 đẩy mạnh phát triển thương hiệu tại thị trường nội địa Biến xơ mướp thành các sản phẩm thời trang cao cấp |
![]() |
Tại Hội chợ Source Fashion London đã diễn ra buổi tọa đàm giữa các đơn vị bán lẻ, nhà thiết kế, chuyên gia về vật liệu với những người quan tâm đến xu hướng thời trang dệt may tại Anh và thế giới. Ảnh: Hữu Tiến/PV TTXVN |
Khăn lụa và vest Việt Nam gây ấn tượng mạnh tại London
Diễn ra từ ngày 8 đến 10/7 tại trung tâm triển lãm Olympia London (Anh), Hội chợ Source Fashion London 2025 quy tụ hơn 350 doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam có 10 doanh nghiệp dệt may tham gia trưng bày sản phẩm tại gian hàng quốc gia. Với sự hỗ trợ từ Thương vụ Việt Nam tại Anh và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), các doanh nghiệp đã mang đến hội chợ nhiều mẫu mã thời trang chất lượng cao như áo veston, váy, quần áo trẻ em, đồ thể thao, đồng phục và đặc biệt là các phụ kiện như túi xách, mũ, khăn lụa...
Trong số các mặt hàng trưng bày, khăn lụa và áo vest “Made in Vietnam” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà bán lẻ quốc tế. Theo ghi nhận từ Thương vụ Việt Nam tại Anh, nhiều nhà thiết kế, thương hiệu thời trang và các chuỗi siêu thị tại Anh như M&S, Next, Primark… đã bày tỏ ấn tượng với chất liệu, kỹ thuật và giá thành cạnh tranh của sản phẩm Việt. Một số khách tham quan đánh giá cao thiết kế khăn lụa Việt Nam với họa tiết mang đậm bản sắc phương Đông nhưng được xử lý tinh tế, hiện đại – phù hợp với thị hiếu châu Âu.
Ông Lê Đình Bá, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh, nhấn mạnh: “Việc trưng bày các sản phẩm tại Source Fashion là cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời khẳng định khả năng sản xuất các mặt hàng đạt chuẩn quốc tế. Với tổng nhu cầu nhập khẩu thời trang lên đến 22,5 tỷ USD của Anh trong năm 2024, thị trường này vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, đặc biệt ở phân khúc phụ kiện cao cấp.”
Source Fashion London được đánh giá là triển lãm thời trang B2B lớn nhất Vương quốc Anh, nơi các nhà bán lẻ tìm kiếm nhà sản xuất trực tiếp, hướng đến xu thế rút ngắn chuỗi cung ứng và tăng minh bạch sản phẩm. Trong bối cảnh 68% thị phần thời trang Anh là thương hiệu riêng (private label), nhu cầu tìm nguồn cung ứng phụ kiện chất lượng và bền vững từ châu Á, trong đó có Việt Nam, đang ngày càng tăng mạnh.
Phụ kiện thời trang Việt: Dư địa lớn và tiềm năng xuất khẩu chưa được khai thác hết
Dù ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà cung cấp thời trang lớn thứ 6 cho thị trường Anh – sau Trung Quốc, Bangladesh, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ – nhưng trong tổng thể cơ cấu xuất khẩu, mặt hàng phụ kiện thời trang vẫn chưa được khai thác đúng mức.
Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Anh, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thời trang và phụ kiện của Việt Nam sang Anh năm 2024 đạt khoảng 920 triệu USD, tăng 15% so với năm 2023. Tuy nhiên, phân khúc phụ kiện như khăn lụa, túi xách, thắt lưng, mũ… vẫn chủ yếu là sản phẩm phụ trong các hợp đồng OEM lớn, chưa có nhiều thương hiệu độc lập mang tính nhận diện cao.
Trong khi đó, tại hội chợ Source Fashion, gian hàng của Việt Nam cho thấy rõ tiềm năng xuất khẩu phụ kiện – khi nhiều nhà bán lẻ chọn sản phẩm khăn lụa làm mẫu để đàm phán đơn hàng riêng. Các phụ kiện nhẹ, nhỏ gọn nhưng mang tính bản sắc và tiện dụng như khăn, túi vải, mũ… đang ngày càng phù hợp với xu thế tiêu dùng “sản phẩm xanh”, “tiêu dùng có trách nhiệm” đang lan rộng tại thị trường Anh và châu Âu.
Ông Pietro Lessi – Giám đốc Quan hệ khách hàng của hội chợ Source Fashion London – cho biết: “Việt Nam là một trong những điểm đến sourcing tiềm năng nhất tại châu Á. Các sản phẩm phụ kiện của các bạn đáp ứng khá tốt yêu cầu về chất lượng, kiểm soát chuỗi cung ứng và định vị thương hiệu bản địa. Nếu doanh nghiệp Việt tiếp tục đầu tư vào thiết kế sáng tạo, gắn với yếu tố bền vững, phụ kiện thời trang Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm lĩnh được phân khúc trung và cao cấp ở châu Âu.”
Ngoài ra, việc tổ chức gian hàng quốc gia – nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể gửi sản phẩm mẫu và catalogue để trưng bày – cũng được đánh giá là hình thức xúc tiến phù hợp, tiết kiệm chi phí, mở rộng cơ hội hợp tác. Nhiều nhà mua hàng tại Anh đã chủ động liên hệ lại để thảo luận sau hội chợ, cho thấy hiệu quả kết nối bước đầu khá rõ rệt.
Từ sản phẩm truyền thống đến thương hiệu phụ kiện toàn cầu
![]() |
Khăn lụa Việt Nam – với truyền thống từ làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông), Nam Cao (Nam Định), Tân Châu (An Giang)… |
Khăn lụa Việt Nam – với truyền thống từ làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông), Nam Cao (Nam Định), Tân Châu (An Giang)… – vốn nổi tiếng về chất lượng và hoa văn, đang đứng trước cơ hội được tái định vị như một sản phẩm phụ kiện thời trang cao cấp. Nếu biết cách đổi mới thiết kế, chuẩn hóa chất lượng và khai thác yếu tố bản sắc trong chiến lược thương hiệu, khăn lụa Việt có thể trở thành sản phẩm mũi nhọn để thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu.
Tương tự, áo vest – một sản phẩm mang tính toàn cầu – cũng đang là thế mạnh của nhiều doanh nghiệp may mặc Việt Nam khi có thể gia công tinh xảo, tuân thủ chuẩn EU và cung ứng linh hoạt theo mùa. Những sản phẩm “Made in Vietnam” hiện đã xuất hiện tại nhiều hệ thống bán lẻ thời trang lớn ở Anh, song vẫn chủ yếu dưới dạng OEM. Đây là lúc cần chuyển dần sang ODM, OBM – với những thương hiệu Việt Nam riêng biệt có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự kiện Source Fashion London 2025 là một tín hiệu tích cực để ngành phụ kiện thời trang Việt Nam tiếp tục đổi mới, tận dụng các nền tảng hội chợ quốc tế để phát triển thương hiệu bền vững. Không chỉ dừng lại ở gia công, các doanh nghiệp Việt đang có cơ hội khẳng định bản sắc và giá trị sản phẩm phụ kiện "Made in Vietnam" trên bản đồ thời trang thế giới.
![]() |
![]() |