Sầu riêng Việt Nam và bài toán chất lượng: Được mùa nhưng chưa chuẩn Sầu riêng Việt: Làm sao giữ thị phần ngay trên “sân nhà”? Chuẩn hóa chất lượng, nâng tầm sầu riêng Việt |
Xuất khẩu lao dốc, nhập khẩu tăng mạnh
![]() |
Người tiêu dùng chọn mua sầu riêng nhập khẩu tại hệ thống bán lẻ hiện đại, trong bối cảnh nguồn cung nội địa sụt giảm do yếu tố mùa vụ. |
Từng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mang về hàng tỷ USD mỗi năm cho nông nghiệp Việt Nam, sầu riêng hiện đang đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng. Trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu liên tục giảm sâu, trong khi các doanh nghiệp lại mạnh tay nhập khẩu loại trái cây này từ Thái Lan và Malaysia.
Theo số liệu từ Cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2025, giá trị nhập khẩu sầu riêng vào Việt Nam đạt gần 9,3 triệu USD – tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng mặt hàng này trong tổng lượng rau quả nhập khẩu cũng tăng từ 0,24% lên 1,17%, cho thấy rõ sự biến động bất thường của thị trường.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – nhận định, việc Việt Nam nhập khẩu sầu riêng dù đang là nước xuất khẩu lớn không phải là hiện tượng hiếm gặp. Thực tế, nhiều quốc gia có thế mạnh xuất khẩu như Thái Lan hay Trung Quốc vẫn thường xuyên nhập khẩu trái cây nhằm đa dạng hóa nguồn cung, phục vụ thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng trong nước.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhập khẩu tăng cao là do thói quen tiêu dùng của một bộ phận khách hàng có thu nhập cao, vốn ưa chuộng sản phẩm ngoại nhập với niềm tin về chất lượng vượt trội, sẵn sàng trả giá cao. Bên cạnh đó, yếu tố mùa vụ cũng ảnh hưởng đáng kể. Vào đầu năm, các tỉnh miền Tây – vùng trọng điểm trồng sầu riêng – bước vào giai đoạn nghịch vụ, sản lượng sụt giảm mạnh so với chính vụ từ tháng 4 đến tháng 9. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ Tết tăng mạnh khiến doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt.
Thị trường nhập khẩu chủ yếu là các giống Musang King và Black Thorn – những loại sầu riêng cao cấp nổi tiếng của Thái Lan và Malaysia. Đơn cử, sầu riêng Black Thorn có giá gần 1 triệu đồng/kg; còn Musang King đông lạnh được bán với giá từ 500.000 đến 600.000 đồng/hộp 400g – mức giá khá cao so với khả năng chi tiêu của phần lớn người tiêu dùng Việt.
Việc trong nước chưa sở hữu nhiều giống sầu riêng có thương hiệu quốc tế khiến thị trường cao cấp vẫn nghiêng về hàng nhập khẩu. Điều này mở ra một phân khúc giàu tiềm năng, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc phát triển thương hiệu nội địa.
Tái cấu trúc thị trường, hướng tới tăng trưởng bền vững
![]() |
Nông hộ chăm sóc sầu riêng theo quy trình kỹ thuật cao, hướng đến nâng chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn thị trường quốc tế. |
Dù từng là quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu sầu riêng năm 2024 – chỉ sau Thái Lan, nhưng trong năm 2025, ngành hàng này đang đối mặt với thách thức lớn do thị trường xuất khẩu biến động mạnh. Đặc biệt, Trung Quốc – thị trường chiếm tới 72% sản lượng xuất khẩu – đang ghi nhận mức suy giảm nghiêm trọng.
Theo Cục Hải quan, giá trị xuất khẩu sầu riêng trong 5 tháng đầu năm 2025 chỉ đạt 387 triệu USD, giảm gần 58% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng mặt hàng này trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cũng giảm mạnh, từ 35% xuống chỉ còn 17%. Tháng 5 vừa qua đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp sầu riêng xuất khẩu giảm – một kịch bản chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành.
Nguyên nhân chủ yếu, theo ông Đặng Phúc Nguyên, là do Trung Quốc đã áp dụng nhiều quy định kỹ thuật nghiêm ngặt hơn, như kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cấm, kim loại nặng và yêu cầu mã số vùng trồng. Những quy định này khiến nhiều doanh nghiệp Việt gặp khó trong việc đáp ứng tiêu chuẩn, dẫn đến việc thu hẹp đơn hàng, xuất khẩu nhỏ giọt hoặc tạm ngừng giao dịch để hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật.
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tích cực vào cuộc, triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ đã cử đoàn công tác đàm phán trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy mở rộng danh sách vùng trồng được công nhận và tạo thuận lợi hơn cho việc thông quan.
Ngoài ra, ngành sầu riêng Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc tế cho các giống nội địa nhằm tăng giá trị gia tăng và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Việc áp dụng công nghệ cao trong canh tác, quản lý chất lượng vùng trồng và hiện đại hóa khâu đóng gói là chìa khóa để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường lớn.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động thích ứng với thay đổi bằng cách hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, xây dựng quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc tế và giảm thiểu rủi ro bị trả hàng. Song song đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc.
Ngành sầu riêng Việt Nam đang đứng trước thời điểm quyết định. Nếu tận dụng tốt các cơ hội, chủ động nâng cấp chuỗi giá trị và thích ứng linh hoạt với thay đổi, ngành hàng này hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển ổn định và đóng góp lớn hơn cho sự thịnh vượng của nền nông nghiệp quốc gia.