Sầu riêng Việt: Từ “trái cây tỷ đô” đến bài học về phát triển bền vững Những điều cần lưu ý khi ăn sầu riêng Xuất khẩu sầu riêng và bài toán chất lượng bền vững |
![]() |
Sự tăng trưởng nóng về sản lượng cùng những bất cập về chất lượng và quy chuẩn đang khiến thương hiệu sầu riêng Việt Nam đối diện với nhiều thách thức. |
Sự tăng trưởng nhanh chóng cùng những thách thức về chất lượng
Trong vài năm trở lại đây, sầu riêng Việt Nam đã có bước tiến ấn tượng trên thị trường quốc tế. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 đạt trên 3,2 tỷ USD, đưa mặt hàng này trở thành một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam, vượt qua nhiều loại trái cây truyền thống như thanh long, chuối. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 90% tổng lượng xuất khẩu.
Tuy nhiên, sang năm 2025, tình hình đã có nhiều biến động. Báo cáo từ Cục Hải quan cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 183 triệu USD, giảm gần 61% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc giảm mạnh tới 75,5%, chỉ còn khoảng 105,7 triệu USD.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này không phải do nhu cầu giảm mà do chất lượng sản phẩm chưa ổn định. Nhiều lô hàng bị trả lại vì vi phạm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Nhiều vùng trồng không đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, dẫn đến việc đình chỉ mã số vùng trồng – điều kiện bắt buộc để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khó tính khác.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chia sẻ: "Giá sầu riêng tại Trung Quốc vẫn rất tốt, nhưng vấn đề là không có nhiều hàng đạt chuẩn xuất khẩu do thời điểm thu hoạch trùng mùa mưa khiến trái sượng, hư, không thể phân loại cao."
Ngoài ra, theo các chuyên gia, diện tích trồng sầu riêng tại Việt Nam tăng "nóng", từ khoảng 30.000 ha năm 2020 lên gần 180.000 ha năm 2024, nhiều diện tích chưa được quy hoạch rõ ràng, chất lượng quản lý yếu kém, dẫn đến trái không đồng đều, ảnh hưởng uy tín sản phẩm.
Giải pháp nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu bền vững
![]() |
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam. |
Trước những thách thức hiện hữu, nhiều chuyên gia trong ngành và Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã đưa ra những khuyến nghị nhằm khắc phục tình trạng và phát triển bền vững thương hiệu sầu riêng Việt Nam:
Chuẩn hóa quy trình sản xuất, quản lý vùng trồng nghiêm ngặt: Áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong canh tác là điều kiện tiên quyết để kiểm soát chất lượng từ khâu cây giống, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế đến đóng gói và bảo quản. Việc truy xuất nguồn gốc qua tem điện tử, mã QR sẽ tạo sự minh bạch, nâng cao uy tín sản phẩm trên thị trường xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhấn mạnh: "Quá trình canh tác chạy theo năng suất, thiếu kiểm soát đầu vào đã vô tình đưa chất độc vào chuỗi sản xuất, cũng là lời cảnh tỉnh cho sự phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng về sau."
Đào tạo, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp: Nâng cao nhận thức và kỹ năng sản xuất của người nông dân là yếu tố then chốt. Chính phủ và các tổ chức cần tăng cường các khóa đào tạo kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính để khuyến khích áp dụng canh tác bền vững, tránh sử dụng quá liều thuốc bảo vệ thực vật.
Xây dựng chiến lược thương hiệu đồng bộ, kết hợp quảng bá và phát triển thị trường: Việc xây dựng thương hiệu không chỉ là in ấn bao bì hay đặt tên vùng trồng, mà còn cần câu chuyện thương hiệu đặc trưng, kết nối trải nghiệm người tiêu dùng. Các hoạt động như tổ chức lễ hội sầu riêng, buffet sầu riêng, quảng bá trên truyền thông chính thống, phát triển xuất khẩu sang các thị trường đa dạng ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, EU, Úc sẽ giúp nâng tầm thương hiệu.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, người chủ trì nhiều phiên họp của Diễn đàn Kết nối Nông sản 970, cho biết: "Muốn xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam bền vững, cần sự phối hợp đồng bộ từ nông dân, doanh nghiệp, địa phương đến các cơ quan quản lý nhằm đảm bảo chất lượng và phát triển thị trường ổn định lâu dài."
Sầu riêng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành thương hiệu nông sản quốc gia có sức ảnh hưởng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng này, ngành hàng cần nhận thức rõ bài toán "được mùa nhưng chưa được chuẩn", ưu tiên cải thiện chất lượng và chuẩn hóa quy trình sản xuất, đồng thời đầu tư nghiêm túc vào xây dựng thương hiệu bền vững.
Chỉ khi có sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý và các bên liên quan, sầu riêng Việt mới giữ vững vị thế và phát triển lâu dài trên bản đồ nông sản thế giới.
![]() |
![]() |
![]() |