Bước đi chiến lược từ tiềm năng bản địa
![]() |
Công bố “Tri thức dân gian về Sâm Ngọc Linh” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 01/06/2025. |
Tháng 2/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 463/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam, lấy sâm Ngọc Linh làm cây chủ lực. Mục tiêu là xây dựng một trung tâm quy mô lớn, hiện đại, khép kín từ nghiên cứu, trồng trọt, chế biến sâu đến thương mại hóa sản phẩm dược liệu, tạo bước đột phá cho ngành dược liệu quốc gia.
Việt Nam hiện có hơn 5.000 loài thực vật có thể làm thuốc, song phần lớn vẫn đang dừng ở khai thác thô, giá trị gia tăng thấp. Đặc biệt, vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên được Bộ Y tế đánh giá có tiềm năng lớn với nhiều loài dược liệu quý như bách bộ, cẩu tích, dây đau xương, hà thủ ô, thiên niên kiện, ba kích, sa nhân... Trong đó, nổi bật nhất là sâm Ngọc Linh – "báu vật quốc gia" – một trong những loài sâm quý hiếm nhất thế giới, chỉ tồn tại tự nhiên trên dãy Ngọc Linh, giáp ranh hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Hiện sâm Ngọc Linh phân bố chủ yếu tại ba huyện: Nam Trà My (Quảng Nam), Đắk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum). Riêng Nam Trà My đã mở rộng diện tích trồng sâm ra 7/10 xã, với tổng diện tích thuê rừng trồng sâm hơn 800 ha. Trong đó, 533 hộ dân canh tác trên 464 ha và 18 công ty, tổ chức thuê rừng trồng sâm trên hơn 340 ha, tập trung ở các xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang.
Tại Kon Tum, diện tích trồng sâm đã lên gần 3.000 ha. Riêng huyện Tu Mơ Rông có 2.883 ha, với khoảng 1.650 hộ dân, 30 nhóm hộ, tổ liên kết và bốn doanh nghiệp tham gia. Tỉnh cũng đang triển khai Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao quy mô khoảng 60 ha tại địa bàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết: “Trước đây, người dân chủ yếu dùng sâm để ngâm rượu, mật ong. Giờ đây, sâm Ngọc Linh đã được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như trà sâm, rượu hoa sâm, kẹo sâm, viên sủi tăng sức đề kháng, bánh gạo lứt sâm, yến chưng sâm...”.
Một số doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền hiện đại để sản xuất thực phẩm chức năng, trà túi lọc, kẹo bánh từ sâm Ngọc Linh. Tiêu biểu như Công ty TNHH Sâm Sâm – doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy chế biến tại Khu công nghiệp Tam Thăng (TP. Tam Kỳ) từ năm 2020, hiện cung cấp 10 dòng sản phẩm ra thị trường. Các sản phẩm như trà túi lọc sâm Ngọc Linh, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe đều được kiểm định chất lượng và đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn cao.
Bên cạnh đó, huyện Nam Trà My còn tổ chức các hoạt động xúc tiến như phiên chợ sâm hàng tháng, lễ hội sâm hằng năm, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở chế biến sâu sản phẩm từ sâm. Nhờ đó, trong tổng số 25 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao cấp tỉnh, phần lớn đều có nguyên liệu từ sâm Ngọc Linh.
Tăng tốc xây dựng chuỗi giá trị dược liệu bền vững
![]() |
Quảng Nam đã và đang mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh. |
Mục tiêu của Đề án là từng bước đưa Quảng Nam trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu của cả nước, phát huy tối đa tiềm năng của sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu thế mạnh tại địa phương, phát triển ngành dược liệu thành lĩnh vực kinh tế hàng hóa có giá trị cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh: Tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên để xây dựng chuỗi sản xuất – chế biến – kinh doanh dược liệu, lấy sâm Ngọc Linh làm trụ cột. Trên cơ sở quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh sẽ mở rộng vùng nuôi trồng, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, tập trung vào các loại dược liệu giá trị như ba kích, đảng sâm, sa nhân tím...
Đồng thời, Quảng Nam sẽ phát triển mạng lưới liên kết sơ chế, chế biến dược liệu với các địa phương trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh chế biến sâu tại trung tâm công nghiệp dược liệu, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng.
Đề án cũng định hướng xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh gắn với du lịch – văn hóa bản địa thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước. Tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, kết nối đầu tư, phát triển các sản phẩm dịch vụ phục vụ du lịch gắn với tham quan vùng trồng sâm, nhà máy chế biến… tạo nền tảng hình thành ngành kinh tế mới dựa trên kết hợp giữa tài nguyên thiên nhiên, tri thức bản địa và công nghiệp chế biến hiện đại.