Đặc sản Phú Thọ không thể bỏ qua khi đến Đền Hùng Gỏi cá chình là đặc sản của tỉnh nào? Từ nguyên liệu đan lát thành món ăn đặc sản |
Tiềm năng vẫn chưa được khai thác triệt để
![]() |
Các sản phẩm dù đạt chất lượng tốt, giàu bản sắc nhưng chưa được định vị thương hiệu rõ ràng. |
Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc, không chỉ nổi bật với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ mà còn là nơi sản sinh ra nhiều đặc sản mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao. Những sản phẩm như chè Shan Tuyết Suối Giàng, cốm nếp Tú Lệ, măng tre Bát Độ, tinh dầu quế Văn Yên, mật ong rừng Mù Cang Chải, táo mèo Trạm Tấu, xôi trứng kiến, bánh chưng đen Mường Lò… đều không chỉ là món ăn đặc trưng mà còn có giá trị kinh tế đáng kể nếu được đầu tư và phát triển đúng cách. Tuy nhiên, những đặc sản này vẫn chưa thực sự tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường rộng lớn.
Tại Yên Bái, hiện nay có hơn 150 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó không ít HTX tham gia chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) nhằm xây dựng thương hiệu cho các đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, số lượng HTX thành công trong việc mở rộng thị trường vẫn còn rất hạn chế. Dù sản phẩm đạt chất lượng cao và có bản sắc độc đáo, nhưng thương hiệu chưa được định vị rõ ràng, giá trị gia tăng còn thấp, và phụ thuộc nhiều vào mùa vụ cũng như khách hàng truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc HTX Chế biến, Kinh doanh Tổng hợp Long Đạt chia sẻ: "Đối với sản phẩm thịt trâu gác bếp, dù đã đầu tư vào khu sơ chế những cơ sở vật chất hiện đại như kho hun khói, máy hút chân không và hệ thống truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của chúng tôi vẫn chủ yếu tiêu thụ qua các kênh bán lẻ nhỏ lẻ tại các chợ dân sinh hoặc qua các đơn hàng gia công theo yêu cầu. Chúng tôi gặp khó khăn trong việc tiếp cận các hệ thống phân phối lớn. Sản phẩm còn mang tính thủ công, thương hiệu chưa mạnh, năng lực giao hàng còn hạn chế nên khó giữ được đơn hàng dài hạn".
Khó khăn lớn nhất của HTX Long Đạt cũng là khó khăn chung của nhiều đơn vị sản xuất đặc sản truyền thống hiện nay: thiếu nguồn lực để đầu tư mở rộng, thiếu kỹ năng bán hàng hiện đại, thiếu niềm tin thị trường. Trong khi đó, sản phẩm lại mang giá thành cao do chế biến thủ công, chi phí nguyên liệu và vận chuyển đều đội lên, khiến đầu ra bấp bênh, sức cạnh tranh yếu. Ngay tại thị trường nội tỉnh, sản phẩm đặc sản vùng cao cũng chưa có chỗ đứng vững vàng trong các hệ thống phân phối lớn.
Cơ hội vàng để đặc sản địa phương “lên kệ lớn”
![]() |
Việc tổ chức hội chợ có ý nghĩa thiết thực trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ cho các HTX, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến xuất khẩu. |
Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh và đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã cũng như giá trị thương hiệu, việc HTX Long Đạt tham gia Hội chợ Xúc tiến thương mại dành cho các HTX khu vực miền Bắc năm 2025 được xem là một bước đi đúng hướng. Đây là lần đầu tiên sản phẩm thịt trâu gác bếp Long Đạt được trưng bày trong một không gian triển lãm chuyên nghiệp, với gian hàng được đầu tư bài bản, đội ngũ nhân viên giới thiệu sản phẩm, tài liệu quảng bá đầy đủ, sản phẩm dùng thử và bảng giá niêm yết rõ ràng. Đáng chú ý, hình ảnh thịt trâu gác bếp vốn quen thuộc như một món ăn quê nay đã được "nâng tầm" trở thành đặc sản địa phương – mang giá trị văn hóa đặc trưng của vùng cao, đồng thời khẳng định tiềm năng thương mại rõ nét.
“Thông qua hội chợ, chúng tôi đã kết nối được với một chuỗi thực phẩm sạch tại Hà Nội và nhận được lời mời hợp tác từ một sàn thương mại điện tử chuyên phân phối đặc sản. Quan trọng hơn, đây là dịp để chúng tôi lắng nghe trực tiếp phản hồi từ người tiêu dùng, từ đó điều chỉnh mẫu mã, bao bì và quy cách đóng gói sao cho phù hợp hơn với thị hiếu”, chị Hương, đại diện HTX Long Đạt, chia sẻ.
Đánh giá về vai trò của hội chợ trong hoạt động xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, ông Bùi Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: “Các hội chợ không chỉ là sự kiện tiêu dùng mà còn là nơi giới thiệu tiềm năng, tìm kiếm nhà đầu tư, kết nối vùng nguyên liệu và thúc đẩy liên kết chuỗi”.
Theo ông Hưng, việc tổ chức hội chợ có ý nghĩa thiết thực trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ cho các HTX, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến xuất khẩu. Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế tập thể – với nòng cốt là các HTX – ngày càng khẳng định vai trò trong sản xuất nông nghiệp, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp, đồng thời là nhân tố quan trọng trong phát triển các sản phẩm chủ lực và đặc sản vùng miền.
Hướng đến tương lai, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ HTX phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, linh hoạt và phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập.
Trên hành trình từ bếp lửa bản Mường đến quầy hàng trong trung tâm thương mại, các sản phẩm đặc sản vùng cao không chỉ chứa đựng hương vị truyền thống mà còn mang theo khát vọng của người làm nông: gìn giữ hồn cốt bản địa và từng bước hòa mình vào nhịp sống hiện đại. Hội chợ lần này không phải là đích đến, mà là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình chuyên nghiệp hơn, vững vàng hơn trên hành trình đưa sản vật quê hương đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước và quốc tế.
Trong quý I/2025, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã triển khai nhiều hoạt động đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX mở rộng thị trường và kết nối chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm. Trong số đó, Hội chợ xúc tiến thương mại dành cho các HTX khu vực miền Bắc được tổ chức quy mô lớn tại Hà Nội, quy tụ 180 gian hàng từ hơn 40 tỉnh, thành phố, qua đó tạo cầu nối hiệu quả giữa sản phẩm đặc sản vùng miền với hệ thống phân phối hiện đại. Theo kế hoạch, trong năm 2025, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển kinh tế xanh, đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các chủ thể kinh tế vùng miền. |