Thêm quy định siết quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa Nâng cao giá trị nông sản Phú Yên qua chương trình OCOP Việt Nam tăng cường nhập khẩu sản phẩm chiến lược từ Mỹ |
Phát triển bền vững bắt nguồn từ chuyển đổi số
![]() |
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh vai trò sống còn của chuyển đổi số trong bối cảnh ngành nông nghiệp và môi trường đang đối mặt với hàng loạt thách thức chưa từng có: biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt nhanh chóng, áp lực từ yêu cầu tăng trưởng xanh và phát thải thấp ngày một lớn. Những mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, phụ thuộc vào lao động thủ công và đầu vào vật tư lớn, đang dần trở nên lạc hậu.
Theo Bộ trưởng, để xoay chuyển tình thế, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, đồng thời bảo vệ môi trường sống cho hiện tại và các thế hệ tương lai, điều kiện tiên quyết là phải đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận. Khoa học công nghệ và chuyển đổi số chính là nền tảng không thể thiếu cho quá trình phát triển này.
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã từng bước triển khai các ứng dụng công nghệ tiên tiến: từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh, đến hệ thống giám sát môi trường bằng cảm biến, bản đồ số và cơ sở dữ liệu đất đai, rừng, khí tượng. Dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng để đạt đến tầm “đột phá, phát triển” theo yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, vẫn còn rất nhiều việc cần phải thực hiện.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã đề xuất 5 nhóm giải pháp mang tính chiến lược: Hoàn thiện thể chế để xóa bỏ các rào cản; Cải cách hệ thống tổ chức nghiên cứu theo hướng tinh gọn, tự chủ; Đổi mới phương thức đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn chặt với thực tiễn sản xuất; Phát triển nguồn nhân lực chuyên môn sâu; Đẩy mạnh chuyển đổi số một cách toàn diện trong toàn ngành.
![]() |
Ngô biến đổi gen được trồng tại tỉnh Thái Nguyên. |
Tại địa phương, ông Vương Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đang tích cực triển khai các Nghị quyết 57, 193 và 71 bằng cách chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang hướng hiện đại hơn – nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, với mục tiêu phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.Bắc Ninh hiện đang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tiếp cận các công nghệ tiên tiến như: cảm biến giám sát độ ẩm, hệ thống tưới tiêu tự động, AI phân tích sâu bệnh, sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để dự báo sản lượng cây trồng, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR.
Tỉnh Bắc Ninh cũng khuyến khích các mô hình hợp tác công – tư nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực lai tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và đất đai của địa phương. Ở lĩnh vực môi trường, Bắc Ninh đang xây dựng một nền tảng dữ liệu số tổng hợp về môi trường và đất đai, phục vụ cho công tác quy hoạch, kiểm soát ô nhiễm và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
"Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các sáng kiến, công trình nghiên cứu và giải pháp đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sớm được ứng dụng vào thực tiễn. Qua đó, nâng cao năng lực nội sinh, sức cạnh tranh và đưa nông nghiệp Bắc Ninh phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường", ông Tuấn cam kết.
Khoa học công nghệ hiện đại nâng tầm nông sản Việt
![]() |
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn tham quan các sản phẩm ngành nông nghiệp. |
Vào sáng 10/5, phiên toàn thể hội nghị đã quy tụ đông đảo đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp và các địa phương, tạo nên một không gian trao đổi sôi nổi về hiện trạng và những giải pháp đột phá cho sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Sự kiện này không chỉ hiện thực hóa những định hướng quan trọng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, mà còn mở ra con đường vững chắc cho sự phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, đặc biệt trong bối cảnh đầy thách thức của thời đại mới.
Chuyển đổi số không còn là khẩu hiệu, mà là hành động thực tiễn – đó là thông điệp mạnh mẽ từ TS. Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ông nhấn mạnh, để xây dựng một quốc gia đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, cần một chiến lược hành động rõ ràng: đổi mới tư duy, quyết liệt trong thực thi và đặc biệt là trọng dụng nhân tài. “Không có doanh nghiệp đột phá nếu thiếu người tài. Không có chính phủ số nếu thiếu lãnh đạo am hiểu công nghệ. Và càng không thể có quốc gia sáng tạo nếu không có nền giáo dục và chính sách tuyển dụng khuyến khích trí tuệ,” ông Tiến khẳng định.
![]() |
TS. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu. |
Đồng quan điểm, TS. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 57-NQ/TW là bước đi chiến lược, đặt khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào trung tâm phát triển đất nước. Theo ông, một quốc gia không thể đạt được vị thế bền vững nếu thiếu nền tảng công nghệ hiện đại. “Nghị quyết số 57 thể hiện tầm nhìn đột phá khi xác định đây là một cuộc cách mạng. Nhà nước là người dẫn dắt, còn giới khoa học là lực lượng nòng cốt. Đặc biệt, từ bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm’ sẽ mở đường cho sáng tạo và phát triển,” ông Dũng nhận định.
Ông Dũng cũng kiến nghị các bộ, ngành cần tăng cường đặt hàng nghiên cứu từ thực tiễn – đặc biệt ở các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường – và đẩy mạnh truyền thông khoa học đến vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, việc tôn vinh đội ngũ trí thức sẽ là động lực cho phát triển trong kỷ nguyên mới.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các đối tác bao gồm: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Tổng hội Xây dựng Việt Nam; Các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Dabaco, Tập đoàn MASAN, VinUni (thuộc Tập đoàn Vingroup), BAF ViệtNam, Tập đoàn PAN, Thành Thành Công – Biên Hòa, BSB Nanotech.
Đặc biệt, Tập đoàn PAN đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về: Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững; Nâng cao chất lượng tôm giống; Ứng dụng công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản. Với tinh thần hành động cụ thể và quyết liệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tỉnh Bắc Ninh và các chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo ra một xung lực phát triển mới. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ là trụ cột để thúc đẩy nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường bền vững.