Cô gái người Mông bán nông sản online, livestream là hút vạn người mua Nền tảng số xanh nâng tầm thương hiệu Việt Tăng trưởng nội địa từ tiêu dùng số thông minh |
![]() |
Ông Phạm Văn Thịnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh livestream bán hơn 54 tấn vải Lục Ngạn. |
Luật hóa thương mại điện tử: Thách thức để chuyên nghiệp hóa
Tại tọa đàm "Niềm tin số: Tương lai của thương mại điện tử" sáng 17/7, ông Nguyễn Hữu Tuấn – Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (Bộ Công Thương) – cho biết dự thảo Luật Thương mại điện tử đang mở ra cả cơ hội lẫn thách thức cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trên môi trường số.
Một trong những điểm then chốt của dự thảo là yêu cầu định danh tài khoản người bán – bước đi quyết liệt nhằm tăng tính minh bạch và hạn chế tình trạng tạo nhiều tài khoản ảo để kinh doanh chui. Việc này không chỉ giúp người tiêu dùng an tâm hơn, mà còn tạo áp lực cho nhà bán hàng phải chuyên nghiệp và trung thực hơn trong các giao dịch.
Song song đó, người bán phải cung cấp đầy đủ thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa, đồng thời ghi nhãn rõ ràng và công khai chứng nhận hợp quy (nếu có). Những hàng hóa nhập lậu, hàng xách tay hoặc sản phẩm công nghệ chưa được cấp phép lưu hành sẽ gặp khó trong việc tiếp cận người tiêu dùng.
Không chỉ cá nhân bán hàng, các sàn thương mại điện tử cũng chịu trách nhiệm liên đới nếu hàng hóa trên nền tảng vi phạm quy định pháp luật. Điều này buộc các sàn phải kiểm soát nghiêm ngặt hơn nguồn gốc, chất lượng, thông tin sản phẩm và sử dụng công cụ để sàng lọc trước khi hàng hóa được hiển thị.
Theo ông Tuấn, bối cảnh mới này đặt ra yêu cầu thay đổi tư duy bán hàng: từ kinh doanh tự phát, thiếu minh bạch sang hướng chuyên nghiệp, có trách nhiệm và tuân thủ pháp luật. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho người bán, đặc biệt là nhóm bán hàng livestream và tiếp thị liên kết.
Nông sản Việt cần “kể chuyện” thay vì chỉ đua giá rẻ
Nếu như trước đây, nông sản Việt Nam bán trên sàn thương mại điện tử chủ yếu “câu khách” bằng giá rẻ thì hiện tại, điều đó không còn là lợi thế. Ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) – cho rằng thời của giá rẻ đã qua, thay vào đó là thời của minh bạch và câu chuyện sản phẩm.
Ông Tiến nhấn mạnh: “Chúng ta không còn bán hàng chỉ bằng giá rẻ và không rõ nguồn gốc nữa, mà phải bán bằng những câu chuyện có thật: từ người trồng, vùng nguyên liệu đến quy trình sản xuất và chất lượng kiểm định”. Trung tâm của ông đã phối hợp với TikTok Việt Nam từ năm 2023 để đưa nông sản đặc sản lên nền tảng số, bước đầu tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực.
![]() |
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông Nghiệp và Môi Trường, Bộ Nông Nghiệp và Môi Trường. Ảnh: Thảo Liên. |
Cũng từ năm nay, hoạt động cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và cơ sở sản xuất được mở rộng từ xuất khẩu sang thị trường nội địa. Mục tiêu là ưu tiên người tiêu dùng trong nước được tiếp cận những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Đặc biệt, ông Tiến đưa ra ý tưởng táo bạo: hỗ trợ 3.300 xã phường trên cả nước đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nơi lãnh đạo địa phương có thể “kể câu chuyện vùng nguyên liệu” để tạo niềm tin và nâng tầm giá trị nông sản. Đây được coi là chiến lược đột phá trong bối cảnh Việt Nam vừa tái sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, mở ra cơ hội phân phối số hóa đến từng địa phương.
Thực tế cho thấy nhiều địa phương đã chủ động đẩy mạnh bán hàng online. Trong các phiên livestream như “Tự hào Hàng Việt” hay Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn, lãnh đạo địa phương trực tiếp tham gia cùng các nhà sáng tạo nội dung, giúp tiêu thụ hàng chục tấn nông sản chỉ trong vài giờ.
Người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều hơn cho sản phẩm uy tín
Không chỉ người bán thay đổi, người mua hàng trên nền tảng số cũng đang “tiến hóa”. Theo đại diện TikTok Shop, có tới 80% người dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm nằm trong TikTok Shop Mall – nơi chỉ chấp nhận các sản phẩm uy tín, minh bạch nguồn gốc. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy niềm tin người tiêu dùng đang trở thành thước đo quan trọng nhất trong thương mại điện tử.
TikTok Shop Mall, cùng với tiếp thị liên kết và Shop Tab, đã trở thành những động lực then chốt giúp nhiều ngành hàng tăng trưởng bứt phá. Việc người dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm rõ ràng về xuất xứ, quy trình sản xuất cũng đồng nghĩa với áp lực ngày càng lớn cho người bán trong việc xây dựng thương hiệu và câu chuyện sản phẩm.
Theo thống kê từ YouNet ECI, năm 2024, thương mại điện tử Việt Nam đạt mốc kỷ lục với giá trị giao dịch hơn 13,8 tỷ USD, tăng trưởng 40% so với năm 2023. Riêng quý I, 4 sàn lớn gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đạt tổng GMV hơn 101.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngành hàng thực phẩm – bách hóa tăng gần 80%, cho thấy sức bật mạnh mẽ từ nhu cầu mua hàng thiết yếu online.
Thậm chí, Sendo – một sàn nội địa lâu năm – đã quyết định chuyển hướng hoàn toàn sang kinh doanh nông sản trực tuyến với thương hiệu Sendo Farm từ tháng 4/2024. Họ lập bản đồ nông sản Việt theo mùa vụ và cam kết đầu ra cho sản phẩm – cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của các nền tảng để thích nghi với nhu cầu tiêu dùng mới.
Thương mại điện tử không còn là lựa chọn, mà là hệ sinh thái tất yếu trong chiến lược phát triển kinh tế số. Từ quy định siết chặt trong dự thảo luật mới đến sự thay đổi hành vi người tiêu dùng, tất cả đang tạo ra một “bài toán lớn” buộc nhà bán hàng phải tái cấu trúc, minh bạch hóa và chuyên nghiệp hơn.
Trong bối cảnh đó, những ai biết kể câu chuyện, biết xây dựng niềm tin và cam kết chất lượng sẽ là người thắng cuộc trên môi trường số. Bởi suy cho cùng, niềm tin – chứ không phải giá rẻ – mới là yếu tố quyết định sự sống còn của thương mại điện tử trong tương lai.
![]() |
![]() |