Gìn giữ thương hiệu Việt giữa sóng hội nhập Kiến tạo nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nâng tầm giá trị thương hiệu Việt Thương hiệu Việt lan tỏa tại châu Á qua Tuần hàng Việt Nam 2025 |
Thiếu nền tảng cho giao dịch xanh
![]() |
Doanh nghiệp Việt gặp khó khi thiếu nền tảng số hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và đáp ứng tiêu chuẩn xanh trong xuất khẩu. |
Trong bối cảnh các rào cản kỹ thuật về môi trường như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu hay tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tại các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng khắt khe, việc minh bạch chuỗi cung ứng và giảm phát thải trở thành điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trên hành trình đó, thương mại điện tử không chỉ là giải pháp chuyển đổi số, mà còn là công cụ quan trọng thúc đẩy quá trình xanh hóa sản xuất và tiêu dùng.
Tuy nhiên, hệ sinh thái thương mại điện tử tại Việt Nam hiện chưa thật sự sẵn sàng cho xu hướng phát triển xanh. Phần lớn nền tảng giao dịch đang tập trung vào hình thức doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) hoặc giữa người tiêu dùng với nhau (C2C), phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa. Trong khi đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phát triển những nền tảng doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) có tích hợp truy xuất nguồn gốc, đo lường phát thải và hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn hóa tiêu chí ESG.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang loay hoay với việc tự xây dựng hệ thống kiểm soát dữ liệu, truy xuất chuỗi cung ứng và cập nhật tiêu chuẩn môi trường, trong khi không có một nền tảng tích hợp nào để hỗ trợ toàn diện. Việc thiếu liên kết với các đối tác quốc tế trên môi trường số càng khiến doanh nghiệp Việt yếu thế khi cạnh tranh với các quốc gia đã hoàn thiện mô hình giao dịch xanh.
Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới sản phẩm, chuyển sang bao bì thân thiện môi trường, hoặc tối ưu hóa quy trình nhằm giảm phát thải. Tuy nhiên, do thiếu kênh giao tiếp số hóa minh bạch, các nỗ lực đó khó được ghi nhận tại thị trường xuất khẩu. Khi doanh nghiệp không thể chứng minh "dấu chân carbon" của sản phẩm, thì khâu sản xuất xanh sẽ bị đứt gãy trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng bộ thể chế và công nghệ xanh
![]() |
Nền tảng TMĐT xanh tích hợp công nghệ giúp doanh nghiệp truy xuất phát thải, minh bạch chuỗi cung ứng và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. |
Trước thực trạng đó, Bộ Công Thương đã nhận diện rõ vai trò thiết yếu của hạ tầng thương mại điện tử xanh và đề xuất nhiều giải pháp mang tính đột phá. Trong đó nổi bật là kế hoạch phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử B2B xanh – một nền tảng số chuyên biệt cho phép doanh nghiệp kết nối trực tiếp với đối tác quốc tế, đồng thời tích hợp công cụ truy xuất nguồn gốc, đo lường phát thải và minh bạch hóa dữ liệu ESG.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, thương mại điện tử xanh không chỉ giải quyết bài toán giao dịch mà còn góp phần hình thành một “hệ sinh thái số hóa xanh”, hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường toàn cầu. Đồng thời, nền tảng này cũng là công cụ quan trọng để cơ quan quản lý theo dõi, điều tiết và hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn hóa theo tiêu chuẩn xanh.
Để mô hình này vận hành hiệu quả, cần có sự đồng bộ từ ba trụ cột: thể chế, công nghệ và năng lực doanh nghiệp. Về thể chế, các tiêu chuẩn xanh cần được luật hóa, cập nhật thường xuyên và hài hòa với quy chuẩn quốc tế. Đồng thời, chính sách cần tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xanh thông qua ưu đãi thuế, tín dụng xanh hoặc cơ chế chứng nhận thương mại bền vững.
Về công nghệ, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và Internet vạn vật (IoT) vào nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp truy xuất dữ liệu phát thải, theo dõi vòng đời sản phẩm và xác minh nguồn gốc một cách minh bạch và tự động. Đây là yếu tố quan trọng khi các đối tác quốc tế yêu cầu thông tin chính xác theo thời gian thực.
Tuy nhiên, tham gia vào hệ sinh thái giao dịch xanh cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tái cấu trúc hệ thống vận hành. Việc đào tạo nhân sự hiểu về ESG, đầu tư phần mềm quản trị chuỗi cung ứng và hệ thống kiểm soát chất lượng xanh là những bước đi tất yếu nếu muốn giữ vững vị thế cạnh tranh dài hạn.
Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ – nhóm chịu nhiều rào cản trong tiếp cận công nghệ và tài chính – các chương trình hỗ trợ cần được thiết kế riêng biệt. Cụ thể như đào tạo kỹ năng số, tư vấn ESG, hướng dẫn tích hợp công cụ truy xuất xanh, hoặc hỗ trợ vốn đổi mới hệ thống vận hành… Những giải pháp này giúp thu hẹp khoảng cách số, đồng thời tạo điều kiện để nhóm doanh nghiệp này không bị gạt ra ngoài quá trình chuyển đổi.
Bên cạnh đó, phát triển văn hóa tiêu dùng xanh cũng là yếu tố then chốt trong thành công của thương mại điện tử bền vững. Khi người tiêu dùng trên các sàn giao dịch ưu tiên lựa chọn sản phẩm thân thiện môi trường, doanh nghiệp buộc phải thích nghi nếu muốn tồn tại. Thương mại điện tử vì thế không chỉ là công cụ giao dịch, mà còn là nơi doanh nghiệp thể hiện cam kết xanh, gây dựng thương hiệu uy tín trong mắt người tiêu dùng toàn cầu.