Tín hiệu tích cực cho hàng Việt từ hội đàm cấp cao tại WEF 16 Thiên Tân Thương mại điện tử Nhật mở lối cho hàng Việt Cơ hội cho hàng Việt ra thế giới |
Nhiều rào cản khi đưa hàng Việt lên sàn Hoa Kỳ
![]() |
Đóng gói sản phẩm bưởi da xanh phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. |
Hoa Kỳ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – tiêu thụ gần 4.000 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, với tiêu dùng nội địa chiếm khoảng 70% GDP. Người tiêu dùng Hoa Kỳ hiện diện rộng rãi trên các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, eBay, Etsy, Facebook Marketplace hay TikTok Shop, mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản, hàng tiêu dùng và sản phẩm thủ công.
Tuy nhiên, để hiện diện hiệu quả trên các “sàn Hoa Kỳ”, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản và thủ công mỹ nghệ, vẫn còn nhiều rào cản. Trong khi các doanh nghiệp lớn đã quen với xuất khẩu chính ngạch, quản lý đơn hàng và logistics xuyên biên giới, thì phần lớn hợp tác xã, hộ nông dân và cơ sở sản xuất nhỏ vẫn thiếu nền tảng cần thiết.
Rào cản đầu tiên là ngôn ngữ và nội dung số. Khách hàng Hoa Kỳ yêu cầu mô tả sản phẩm chi tiết bằng tiếng Anh, hình ảnh chất lượng cao, thông số kỹ thuật rõ ràng và đặc biệt là câu chuyện thương hiệu giàu cảm xúc. Việc xây dựng gian hàng không đơn thuần là biên dịch nội dung, mà đòi hỏi sự am hiểu về thị trường, hành vi tiêu dùng và khả năng kể chuyện – những kỹ năng mà nhiều nhà sản xuất nhỏ hiện chưa được trang bị.
Thách thức tiếp theo đến từ logistics quốc tế. Với đặc điểm dễ hư hỏng và phụ thuộc thời gian, nhiều nông sản không phù hợp để xử lý qua các đơn hàng nhỏ lẻ. Trong khi đó, các nền tảng như Amazon lại yêu cầu thời gian giao hàng cụ thể, quy chuẩn đóng gói nghiêm ngặt và dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp. Nếu không đáp ứng được các tiêu chí này, người bán sẽ khó duy trì mức đánh giá cao – yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến quyết định mua lại của khách hàng.
Bên cạnh đó, thanh toán và pháp lý cũng là trở ngại lớn. Nhiều hộ sản xuất chưa có tài khoản ngân hàng quốc tế, chưa làm quen với các cổng thanh toán như PayPal, Stripe hay Amazon Pay. Để xuất khẩu chính ngạch vào Hoa Kỳ, sản phẩm còn cần đạt chuẩn về mã vạch, nhãn mác theo quy định của FDA, giấy chứng nhận nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Những yêu cầu này đòi hỏi sự đầu tư bài bản và đồng hành chuyên môn.
Chuẩn hóa nội dung và logistics để khai thác thị trường Hoa Kỳ
![]() |
Gian hàng sản phẩm Việt Nam trên nền tảng Amazon được vận hành bởi doanh nghiệp khởi nghiệp của người Việt tại Hoa Kỳ. |
Dù đối mặt với nhiều thách thức, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng cho sản phẩm Việt Nam – đặc biệt là nhóm hàng mang bản sắc như nông sản chế biến, sản phẩm hữu cơ, đặc sản vùng miền và thủ công mỹ nghệ. Theo Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, điều kiện tiên quyết để tiếp cận thị trường này thông qua thương mại điện tử là chuẩn hóa nội dung.
Một sản phẩm dù chất lượng tốt đến đâu, nếu thiếu thông tin chi tiết, hình ảnh thiếu chuyên nghiệp hoặc không có câu chuyện thương hiệu hấp dẫn, vẫn rất khó thu hút người tiêu dùng Hoa Kỳ – vốn yêu cầu trải nghiệm mua sắm minh bạch, tiêu chuẩn và mang tính cá nhân hóa cao. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân cần đầu tư vào việc xây dựng câu chuyện thương hiệu: từ nguồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất đến các giá trị văn hóa, cộng đồng gắn với sản phẩm. Đây là yếu tố làm tăng giá trị cảm xúc và tạo khác biệt – điều mà mức giá rẻ không thể bù đắp.
Về logistics, thay vì tự xử lý các đơn hàng nhỏ lẻ, mô hình hiệu quả hiện nay là hợp tác với các đối tác chuyên nghiệp như Amazon FBA, DHL eCommerce hoặc Etsy Fulfillment. Những đơn vị này hỗ trợ lưu kho, đóng gói và giao hàng đạt chuẩn, giúp duy trì trải nghiệm mua hàng nhất quán cho người tiêu dùng Hoa Kỳ. Một hướng đi tiềm năng khác là hình thành cụm cung ứng theo chuỗi giá trị. Các hợp tác xã có thể liên kết với doanh nghiệp thương mại điện tử, startup logistics hoặc cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ để cùng xây dựng và vận hành gian hàng chung trên các nền tảng như Amazon hoặc Walmart Marketplace.
Mô hình này giúp chia sẻ chi phí, thống nhất chất lượng đầu ra và tăng hiệu quả tiếp cận khách hàng. Thực tế, nhiều sản phẩm như cà phê đặc sản, nước mắm truyền thống, trà thảo mộc hay trái cây sấy dẻo đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử tại Hoa Kỳ, được vận hành bởi người Việt trẻ am hiểu công nghệ, nắm bắt nhu cầu bản địa và giữ kết nối chặt chẽ với quê hương. Đây chính là lực lượng cầu nối hiệu quả mà các địa phương cần chủ động khai thác.
Song song đó, vai trò hỗ trợ từ phía Nhà nước là hết sức quan trọng. Các đơn vị như Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Thương vụ Việt Nam tại New York… đang triển khai nhiều chương trình đào tạo, tư vấn và kết nối gian hàng số xuyên biên giới. Đây là kênh thiết thực giúp nông dân, hợp tác xã từng bước làm quen với phương thức kinh doanh hiện đại, nâng cao năng lực số và hội nhập thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện, thương mại điện tử xuyên biên giới không còn là sân chơi của riêng doanh nghiệp lớn mà đang trở thành một hướng đi tất yếu cho sản phẩm Việt Nam. Nếu được đầu tư bài bản về nội dung, logistics, pháp lý và có sự liên kết hiệu quả trong – ngoài nước, hàng Việt hoàn toàn có thể chinh phục thị trường Hoa Kỳ – không chỉ nhờ chất lượng mà còn bằng thương hiệu và giá trị bền vững.