Xuất khẩu rau quả Việt Nam sẵn sàng tăng tốc Từ thách thức đến cơ hội: Rau quả Việt đón sóng mới Phát triển thị trường mới cho rau quả Việt |
Phụ thuộc thị trường khiến ngành rau quả dễ tổn thương
![]() |
Rau quả tươi được phân loại và đóng gói chuẩn xuất khẩu, nhưng vẫn đối mặt rủi ro cao khi phụ thuộc vào một số thị trường lớn. |
Sau giai đoạn dài trầm lắng, tháng 6/2025 ghi nhận mức tăng trưởng ngoạn mục của ngành rau quả khi giá trị xuất khẩu đạt khoảng 807 triệu USD – tăng 31% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này được kỳ vọng sẽ chấm dứt chuỗi giảm sút trong nửa đầu năm, khi tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ đạt hơn 3 tỷ USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2024.
Tuy vậy, theo đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), mức tăng trưởng vừa qua chủ yếu mang tính nhất thời. Nguyên nhân là do mặt hàng chủ lực – sầu riêng – đang gặp trở ngại lớn trong xuất khẩu vì các quy định kiểm dịch thực vật mới từ các thị trường nhập khẩu. Sáu tháng đầu năm, sầu riêng chỉ đạt khoảng 400 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi sầu riêng là nguyên nhân chính kéo giảm giá trị xuất khẩu toàn ngành, thì mặt hàng dừa lại trở thành điểm sáng khi nhu cầu từ nhiều thị trường tăng mạnh, kéo giá bán đi lên. Diễn biến này cho thấy ngành rau quả Việt Nam vẫn bị chi phối mạnh bởi biến động thị trường và chính sách thương mại quốc tế.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – thừa nhận, ngành rau quả nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung đang phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường trọng điểm. Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chiếm gần 50% tổng kim ngạch toàn ngành, nhưng lại giảm mạnh tới 35%. Trong khi đó, các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ (chiếm 9%) và Hàn Quốc (5,7%) chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ hoặc đi ngang.
“Sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường khiến ngành hàng dễ tổn thương trước những thay đổi về thuế quan, kỹ thuật và kiểm dịch. Đã đến lúc cần định hướng lại chiến lược thị trường và đầu tư vào các giải pháp thực chất hơn để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững,” ông Nguyên nhấn mạnh.
Chế biến sâu là chìa khóa nâng giá trị nông sản
![]() |
Dây chuyền chế biến sầu riêng đông lạnh tại một nhà máy hiện đại – hướng đi cần thiết để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng bảo quản. |
Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp quan trọng nhất để tăng khả năng chống chịu của ngành rau quả là phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu. Hiện nay, khoảng 70% nông sản Việt Nam vẫn được xuất khẩu dưới dạng thô, khiến giá trị gia tăng còn rất hạn chế. Trường hợp sầu riêng là một ví dụ: dù có tới gần 130.000 tấn sầu riêng tươi được xuất khẩu, nhưng chỉ có hơn 14.000 tấn là hàng đông lạnh – dù loại này có giá trị cao hơn nhờ thời gian bảo quản dài và phù hợp với yêu cầu khắt khe từ nhiều thị trường.
Ông Trần Gia Long – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) – cho biết: “Chúng tôi xác định rõ, nếu không đẩy mạnh chế biến sâu thì khó có thể giữ được đà tăng trưởng bền vững. Do đó, Bộ đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu nông sản cuối năm 2025 theo hướng phát triển chuỗi giá trị, trong đó nhấn mạnh vào chế biến và bảo quản sau thu hoạch.”
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả chiến lược này, còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Hiện phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn đầu tư cho công nghệ chế biến do thiếu tài sản thế chấp. Hợp tác xã Nông sản sạch Việt Nam (tại tỉnh Bắc Kạn cũ) là một điển hình – dù sở hữu dây chuyền sấy hiện đại nhưng vẫn khó vay vốn ngân hàng vì không có tài sản đảm bảo, dù phương án kinh doanh được đánh giá là khả thi.
Ngoài ra, nhiều địa phương vẫn chưa có vùng nguyên liệu tập trung đạt chuẩn, dẫn tới nguồn cung không ổn định cho các nhà máy chế biến. Hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản và logistics cũng còn manh mún, chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất công nghiệp nông sản.
Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với các địa phương triển khai các chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hoàn thiện hệ thống mã số vùng trồng và thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị. Đồng thời, nhiều đề xuất đang được xem xét nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Long kỳ vọng: “Các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa và đẩy mạnh đổi mới công nghệ chế biến – vừa để tiết giảm chi phí sản xuất, vừa đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế về chất lượng và an toàn thực phẩm.”