“Tam giác chính sách” của EU làm khó chuỗi logistics nông sản Việt Nam Mở rộng đường xuất khẩu cho nông sản Việt Nông sản Việt vững bước trên hành trình chất lượng |
Áp lực dư cung đẩy nông sản vào vòng xoáy giá rẻ
![]() |
Nông dân thu hoạch chuối trong bối cảnh giá giảm sâu, đầu ra bấp bênh. |
Tại Hội nghị kết nối giao thương nông sản và sản phẩm OCOP khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2025, tổ chức ngày 28/6 tại TP. Huế, nhiều chuyên gia và đại diện địa phương đã cùng chỉ ra nguyên nhân cốt lõi dẫn tới tình trạng “được mùa mất giá”, buộc phải giải cứu nông sản lặp đi lặp lại trong nhiều năm. Đó là sự thiếu đồng bộ trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ và đặc biệt là chưa chuẩn hóa được chất lượng sản phẩm.
Theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Việt Nam hiện có khoảng 11 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, phần lớn phụ thuộc vào thương lái và thị trường Trung Quốc. Dù xuất khẩu rau quả đã có dấu hiệu tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2025, nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhiều mặt hàng chủ lực như dưa hấu, chuối, mít, sầu riêng… bị ùn ứ tại cửa khẩu hoặc rớt giá ngay tại vườn. Đơn cử, tại Gia Lai (nay thuộc vùng Gia Lai – Bình Định), giá chuối từng giảm xuống chỉ còn 1.000 – 2.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất cao gấp nhiều lần.
Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu nông sản, nhận định: nguyên nhân chính là sản lượng gia tăng nhưng không gắn với nhu cầu thực tế của thị trường. Bên cạnh đó, nhiều vùng trồng chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và truy xuất nguồn gốc – yếu tố mà các thị trường như Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ. Việc quá phụ thuộc vào một vài thị trường lớn khiến ngành nông sản Việt dễ rơi vào trạng thái bị động trước những biến động về chính sách hoặc sức mua.
Sự phát triển “nóng” về diện tích vùng nguyên liệu mà thiếu quy hoạch bài bản cũng tạo ra cạnh tranh nội vùng, dẫn đến tình trạng dội hàng và rớt giá. Nhiều địa phương phía Nam như TP. Cần Thơ (được sáp nhập bởi TP. Cần Thơ – Sóc Trăng – Hậu Giang), Đồng Nai (Bình Phước – Đồng Nai), Lâm Đồng (Lâm Đồng – Đắk Nông – Bình Thuận) đã liên tục mở rộng diện tích trồng sầu riêng, mít… nhưng lại thiếu mối liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Chuyên gia thị trường nông nghiệp Nguyễn Ngọc Dũng thẳng thắn chỉ rõ: “Ngành trái cây Việt Nam đang đi theo hướng ngược – sản xuất trước rồi mới tìm thị trường, thay vì nghiên cứu nhu cầu để điều tiết sản xuất.” Nếu không có sự thay đổi đột phá về tư duy và mô hình, nguy cơ bão hòa sản phẩm, giá rớt sâu và đầu ra bị động sẽ còn tiếp diễn, đặc biệt vào thời điểm thu hoạch rộ trong quý III và quý IV hàng năm.
Chuẩn hóa và chuyển đổi số để nâng tầm nông sản Việt
![]() |
Ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc giúp tăng giá trị nông sản. |
Để thoát khỏi vòng lặp “giải cứu” và tiến tới phát triển bền vững, các chuyên gia tại hội nghị nhấn mạnh: Việt Nam cần sớm chuẩn hóa quy trình sản xuất, chất lượng và truy xuất nguồn gốc theo hướng bài bản và đồng bộ. Bên cạnh đó, chiến lược chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là hai trụ cột nâng cao sức cạnh tranh dài hạn của nông sản Việt.
Theo ông Nguyễn Văn Hội, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), chuyển đổi số là giải pháp then chốt giúp kết nối sản xuất với thị trường. “Sàn thương mại điện tử không chỉ giúp nông sản đến tay người tiêu dùng cuối cùng, mà còn là nơi thử nghiệm nhu cầu, khảo sát thị hiếu, phân tích dữ liệu để điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp,” ông Hội chia sẻ.
Nhiều địa phương đã bước đầu triển khai mô hình kinh tế nông nghiệp số, hướng dẫn nông dân sử dụng mã QR truy xuất, cập nhật nhật ký sản xuất điện tử và kết nối trực tiếp với doanh nghiệp vận tải – logistics. Những bước đi này không chỉ giúp giảm sự lệ thuộc vào thương lái mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường tiêu chuẩn cao như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Đồng thời, chuyển đổi sang nông nghiệp tuần hoàn và xanh hóa sản xuất cũng đang trở thành xu hướng tất yếu. Đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp nhấn mạnh cần khuyến khích mô hình canh tác hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, giảm phát thải CO₂ và hạn chế nước thải trong trồng trọt, chăn nuôi. Đây là điều kiện quan trọng để hàng hóa Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu – nơi các yêu cầu về phát triển bền vững ngày càng được đặt lên hàng đầu.
Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP mở ra cơ hội lớn, song sẽ trở nên vô nghĩa nếu doanh nghiệp Việt không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, môi trường và minh bạch nguồn gốc. Do đó, Nhà nước cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ hơn cho công nghệ sau thu hoạch, kho lạnh và hệ thống logistics chuyên biệt, thay vì để doanh nghiệp tự xoay sở trong bối cảnh cạnh tranh ngày một khốc liệt.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, muốn nông sản Việt không còn phụ thuộc vào giải cứu, cần thay đổi tư duy từ sản xuất thuần túy sang tiếp thị và xây dựng thương hiệu. “Mỗi sản phẩm cần có một câu chuyện riêng, một mã số vùng trồng, một kênh phân phối chuyên biệt. Khi ấy, nông sản Việt mới có thể định vị giá trị trên thị trường quốc tế,” bà Hạnh nhấn mạnh.