Trồng dưa lưới đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP, một HTX ở Bình Dương thu 45 tỷ đồng mỗi năm Mua quả dưa lưới thấy ngon bớt ít hạt trồng thử giờ có hẳn vườn dưa lưới công nghệ cao Dưa lưới Nam Giao |
Bước chuyển mình từ vùng đất khắc nghiệt
![]() |
Sản phẩm dưa lưới của HTX nông nghiệp công nghệ cao Thiện An. |
Từng được mệnh danh là “thủ phủ khô hạn” của Nam Trung Bộ, Bình Thuận giờ đây lại trở thành cái nôi của nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, dưa lưới trồng trong nhà màng tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam… đang mở ra hướng đi đầy triển vọng. Việc ứng dụng đồng bộ các công nghệ tiên tiến như hệ thống tưới nhỏ giọt Israel, điều khiển tự động nhiệt độ – độ ẩm – ánh sáng, cùng chế phẩm sinh học, đã giúp sản phẩm không chỉ đạt năng suất cao mà còn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Tiêu biểu cho xu hướng này là Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Thiện An do nhóm thanh niên tại Tuy Phong thành lập. Với hơn 2,5 ha nhà màng, HTX không chỉ đạt sản lượng trung bình 5–6 tấn/sào mỗi vụ mà còn sở hữu nhiều chứng nhận quan trọng như VietGAP, OCOP 3 sao cấp huyện. Dưa lưới Thiện An đã có mặt tại các siêu thị và chuỗi cửa hàng nông sản sạch tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng…
Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm chưa đủ để giúp dưa lưới Bình Thuận trở thành thương hiệu mạnh. Hạn chế về vốn đầu tư, kỹ năng tiếp thị và khả năng kết nối thị trường đang khiến các HTX vẫn loay hoay với bài toán đầu ra. “Chúng tôi từng có thời điểm gần như gục ngã khi nhà màng bị mưa lớn làm sập. Không chỉ thiếu vốn đầu tư, mà khi có sản phẩm rồi cũng rất khó tìm nơi tiêu thụ với mức giá hợp lý”, ông Lê Minh Thạch, Phó Giám đốc HTX Thiện An chia sẻ.
Dù đã đạt chuẩn VietGAP, có mã vùng trồng, mẫu mã đẹp và quy trình sản xuất an toàn, nhưng việc đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối lớn vẫn là một cánh cửa chưa mở. Nhiều siêu thị yêu cầu khắt khe về quy cách đóng gói, nhãn mác, số lượng ổn định và thương hiệu rõ ràng – những tiêu chí mà HTX nhỏ, nguồn lực hạn chế như Thiện An chưa thể đáp ứng ngay. Thực trạng này cũng phản ánh một “nút thắt” phổ biến trong ngành nông sản sạch Việt Nam: sản xuất bài bản nhưng kết nối thị trường còn đứt gãy.
Mở đường cho sản phẩm chạm tới thị trường lớn
![]() |
Dưa lưới công nghệ cao không chỉ là thành quả của nông nghiệp đổi mới, mà còn là biểu tượng cho tư duy làm ăn hiện đại của người nông dân Bình Thuận. |
Không đứng ngoài cuộc, chính quyền Bình Thuận đang từng bước tháo gỡ các rào cản để dưa lưới công nghệ cao có thể phát triển bền vững. Theo Sở Công Thương tỉnh, nhiều chương trình xúc tiến thương mại đã được triển khai, từ cấp tỉnh đến cơ sở. Cụ thể, tỉnh Bình Thuận hỗ trợ kết nối cung cầu, đưa HTX tham gia hội chợ nông sản vùng miền, xây dựng gian hàng trên sàn thương mại điện tử, kết nối với doanh nghiệp logistics và các chuỗi phân phối tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…
Các chính sách hỗ trợ kỹ thuật cũng đang đồng hành cùng người nông dân từ những bước đầu: cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, tem QR truy xuất nguồn gốc, chứng nhận an toàn thực phẩm, tư vấn xây dựng thương hiệu. Riêng tại huyện Tuy Phong, chính quyền còn phối hợp với ngân hàng triển khai các gói vay ưu đãi cho HTX nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời hỗ trợ lập hồ sơ tham gia chương trình OCOP nhằm định vị dưa lưới là sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Trong bối cảnh thị trường trong nước ngày càng khắt khe, định hướng xuất khẩu dưa lưới cũng đang được tính đến. Bình Thuận hiện đang phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) xây dựng các phiên kết nối giao thương trực tuyến với thị trường Hàn Quốc, UAE, Singapore… Một số HTX tiên phong như Thiện An, Đông Giang cũng đã bắt đầu xúc tiến thủ tục đạt chuẩn GlobalGAP để tiếp cận các thị trường cao cấp hơn.
Về dài hạn, việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, gắn kết chặt chẽ từ khâu trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ, được xem là chìa khóa giúp dưa lưới Bình Thuận vươn ra thị trường quốc tế một cách bài bản, thay vì tự phát và nhỏ lẻ như hiện nay.
Dưa lưới công nghệ cao không chỉ là thành quả của nông nghiệp đổi mới, mà còn là biểu tượng cho tư duy làm ăn hiện đại của người nông dân Bình Thuận. Tuy nhiên, để những quả dưa ấy không chỉ “chín” trên đồng mà còn “chín” trong lòng người tiêu dùng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống xúc tiến thương mại, cùng với sự đồng hành của chính quyền và doanh nghiệp.
Một chiến lược xúc tiến thương mại bài bản, từ xây dựng thương hiệu, chuẩn hóa bao bì, quảng bá số hóa đến kết nối chuỗi giá trị, sẽ là bệ phóng để dưa lưới Bình Thuận không chỉ hiện diện ở siêu thị mà còn chinh phục được các thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng.