Thương mại nông sản Việt Nam – Trung Quốc nhìn từ những con số Thêm nhiều nông sản Việt Nam sắp xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc “Tinh hoa trái cây Việt” - Nơi hội tụ hương sắc nông sản Việt Nam |
Chất lượng quyết định cuộc chơi
![]() |
Hiện thanh long xuất khẩu sang EU đang chịu tần suất giám sát tại cửa khẩu là 20%. |
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức gửi văn bản đề xuất cử đoàn thanh tra sang Việt Nam để kiểm tra và đánh giá hệ thống kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm thực vật xuất khẩu sang thị trường này.
Theo kế hoạch, đoàn thanh tra EU sẽ bắt đầu làm việc tại Bình Thuận từ ngày 11/6, sau đó tiếp tục giám sát tại các địa phương trọng điểm phía Nam gồm Tiền Giang, Long An và TP. Hồ Chí Minh – những nơi tập trung nhiều mặt hàng chủ lực như thanh long, sầu riêng và ớt. Tại các điểm đến, đoàn sẽ trực tiếp khảo sát vùng trồng, cơ sở sơ chế và đóng gói để đánh giá việc khắc phục vi phạm, bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm cũng như sự minh bạch, đầy đủ của hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Việc thanh tra của EU được thực hiện định kỳ tại các quốc gia có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang khối này. Trước đó, từ 24/9 đến 17/10/2024, EU cũng đã tiến hành thanh tra tại Việt Nam đối với chương trình kiểm soát dư lượng ở sản phẩm thủy sản nuôi và mật ong.
Chuẩn bị cho đợt làm việc sắp tới, ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật – cho biết, Cục đã chỉ đạo các cơ sở liên quan chủ động chuẩn bị hồ sơ về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất lô hàng xuất khẩu và thông tin truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là với những lô hàng từng bị cảnh báo. Các cơ sở nằm trong diện kiểm tra cũng được yêu cầu sớm cung cấp thông tin vùng nguyên liệu để hoàn thiện hồ sơ tiếp đoàn, đồng thời xây dựng báo cáo tóm tắt về tình hình sản xuất phục vụ làm việc với phía EU.
Chuẩn hóa và số hóa để vượt qua rào cản SPS toàn cầu
![]() |
Hiện một số sản phẩm của Việt Nam như ớt chuông, đậu bắp (bị kiểm tra tới 50%), thanh long (20%) và sầu riêng (10%) đang nằm trong nhóm bị giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu EU. |
Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – cho biết, hiện EU đang áp dụng Quy định (EU) 2019/1973 nhằm kiểm soát thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật nhập khẩu. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định này.
Cụ thể, Phụ lục I yêu cầu kiểm tra tăng cường tại cửa khẩu với tần suất ngẫu nhiên từ 5% đến 50%. Phụ lục II bổ sung điều kiện về giấy chứng nhận từ cơ quan có thẩm quyền và kết quả phân tích nguy cơ. Phụ lục IIa quy định biện pháp tạm ngừng nhập khẩu nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng. Ngoài ra, các lô hàng phải được khai báo trước qua hệ thống TRACES theo Quy định (EU) 2019/1013.
Hiện một số sản phẩm của Việt Nam như ớt chuông, đậu bắp (bị kiểm tra tới 50%), thanh long (20%) và sầu riêng (10%) đang nằm trong nhóm bị giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu EU. Dù là thị trường xuất khẩu nông sản – thực phẩm lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch khoảng 350 triệu USD mỗi năm, nhưng con số này vẫn còn rất nhỏ bé so với quy mô nhập khẩu rau quả của EU lên tới 500 tỷ Euro mỗi năm.
Theo ông Ngô Xuân Nam, môi trường thương mại toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng với các chính sách SPS (biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động – thực vật) ngày càng siết chặt. Trung Quốc – thị trường lớn nhất của nông sản Việt – liên tục cập nhật quy định về mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn; Indonesia triển khai mô hình kiểm dịch tích hợp; còn Nhật Bản, EU và nhiều quốc gia Ả Rập liên tục điều chỉnh giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Để thích ứng, Việt Nam cần chủ động cập nhật các quy định SPS từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA, VIFTA, CEPA... Việc nắm rõ tiêu chuẩn kỹ thuật từng thị trường sẽ là yếu tố then chốt giúp nông sản Việt vững bước trên hành trình hội nhập.
Đi đường dài bằng chất lượng và minh bạch hóa
![]() |
Thị trường toàn cầu ngày nay không còn là sân chơi của những sản phẩm giá rẻ hay dễ dãi. |
Ông Ngô Xuân Nam cho biết, EU hiện chia các nhóm thực phẩm nhập khẩu thành hai loại: ít rủi ro và rủi ro cao. Với nhóm ít rủi ro, sản phẩm sau khi được đánh giá đạt yêu cầu sẽ không cần kiểm soát tại cửa khẩu. Ngược lại, nhóm rủi ro cao phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định trong Quy định (EU) 2019/1973.
Việt Nam hiện thuộc nhóm các quốc gia phải áp dụng đầy đủ cả ba phụ lục: kiểm tra tăng cường, khai báo trước, cung cấp giấy chứng nhận cùng kết quả phân tích nguy cơ và chịu khả năng bị tạm ngừng nhập khẩu nếu không đáp ứng tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, EU yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký danh sách sản phẩm, đảm bảo giới hạn dư lượng tối đa (MRL) đối với sản phẩm thực vật, kiểm soát kháng sinh trong sản phẩm động vật, phụ gia thực phẩm và cả vật liệu tiếp xúc với thực phẩm.
“Thị trường toàn cầu ngày nay không còn là sân chơi của những sản phẩm giá rẻ hay dễ dãi. Để trụ vững, nông sản Việt Nam bắt buộc phải chuyển mình theo hướng nâng cao chất lượng và minh bạch hóa toàn bộ chuỗi cung ứng”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cũng lưu ý rằng mỗi thị trường, thậm chí mỗi nhà nhập khẩu hay hệ thống siêu thị đều có tiêu chuẩn SPS riêng biệt. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn hóa vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ số để quản lý truy xuất nguồn gốc, và xây dựng thương hiệu trên nền tảng chất lượng bền vững.
Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu nông sản – thực phẩm tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc duy trì uy tín, nâng cao chất lượng và chủ động thích ứng với các yêu cầu khắt khe từ thị trường EU sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp Việt Nam tiến xa, phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.