Cần chiến lược dài hơi để xuất khẩu rau quả "đi được đường dài" Mã số vùng trồng đưa nông sản chủ lực địa phương "bay" xa Nông sản Việt chất lượng tốt, Mỹ không có nhiều lựa chọn thay thế |
![]() |
Hoàng Anh Gia Lai đẩy mạnh xuất khẩu chuối sang Trung Quốc. |
Thị trường tỷ USD của nông sản Việt
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu nông sản 3 tháng đầu năm 2025 đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông sản Việt Nam với thị phần chiếm 42%.
Chỉ riêng tháng 3/2025, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt hơn 6,1 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản quý I/2025 đạt hơn 15,7 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại ngành nông lâm thủy sản quý I ước đạt thặng dư 4,4 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch hai chiều đạt 204,9 tỷ USD (tăng 19,2%). Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ Trung Quốc với con số 83,7 tỷ USD.
Cho đến nay, nông sản Việt đã khai phá thành công thị trường Trung Quốc và nhiều mặt hàng nông sản mới đã được "cấp visa" xuất khẩu chính ngạch. Việc ký kết các nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc những năm qua đã mở đường cho Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân lên tới 17 mặt hàng.
Năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc chi 4,6 tỷ USD để mua rau quả Việt. Trong đó, thanh long đứng đầu với hơn 1,2 tỷ USD, sầu riêng khoảng 900 triệu USD, chuối 400 triệu USD.
Với Công ty TNHH Huy Long An - nhà xuất khẩu xoài, chuối - Trung Quốc là thị trường hấp dẫn, tiêu thụ nông sản Việt lớn gấp nhiều lần quốc gia khác. Riêng quý đầu năm nay, lượng bán của Huy Long An sang thị trường này tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.
"Trái cây Việt sang Trung Quốc chưa bao giờ bị ế, dù đôi khi giá biến động khiến lợi nhuận không cao", ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An chia sẻ.
Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai ví von, "Trung Quốc là 'gã khổng lồ' tiêu thụ nông sản Việt".
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức sở hữu hơn 7.000 ha chuối, xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn mỗi năm sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cung ứng nội địa. Từ vài container ban đầu, hiện mỗi tuần Hoàng Anh Gia Lai đều đặn xuất khẩu 200 container chuối sang Trung Quốc.
"Khách hàng đặt liên tục, chuối không đủ để giao", ông Đức nói, thêm rằng sau 6 năm thâm nhập thị trường tỷ dân, sản phẩm của họ đã xuất hiện tại hầu khắp chuỗi cung ứng, từ chợ cho tới hệ thống siêu thị lớn.
Chuối tươi là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn thứ 4, chỉ sau sầu riêng, thanh long và dừa sang Trung Quốc. Năm ngoái, thị trường này tăng mua, giúp Việt Nam soán ngôi Philippines, trở thành nhà cung cấp chuối số 1 tại đây.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng xuất khẩu trái cây, rau củ sang Trung Quốc tăng mạnh nhờ hai nước cùng tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, như Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các Nghị định thư ký giữa hai nước.
"Với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc là thị trường có sức mua hấp dẫn nhất thế giới. Ngay cả Mỹ hay Chile - những nước có khoảng cách địa lý xa xôi vẫn luôn tìm cách chiếm lĩnh thị trường này", ông Nguyên nhận định.
Dư địa rất lớn nhưng không còn dễ tính
![]() |
Trung Quốc siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm với nông sản, trong đó có sầu riêng. |
Theo Cục Hải quan (Bộ Tài chính), năm 2024, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD, đánh dấu cột mốc chưa từng có trong quan hệ kinh tế song phương của Việt Nam với bất kỳ quốc gia nào. Hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước rất đa dạng, từ nông sản đến hàng tiêu dùng và linh kiện điện tử.
Riêng năm 2024, Trung Quốc chiếm 26% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường nhập khẩu hàng hóa số một của Việt Nam. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2025, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh (23,3 tỷ USD, tăng 20,7%), trong khi xuất khẩu sụt giảm (7,9 tỷ USD, giảm 2,1%). Thặng dư thương mại nghiêng hẳn về Trung Quốc.
Nguyên nhân chính là việc nước này siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm với nông sản. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm chỉ đạt 724 triệu USD, giảm 25%, riêng thị trường Trung Quốc giảm tới 43%.
Mặc dù có những biến động ngắn hạn, các chuyên gia đánh giá triển vọng thương mại song phương của hai nước vẫn rất lớn. Ông Đỗ Nam Trung, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc), dự báo, kim ngạch song phương của hai nước có thể đạt 300-400 tỷ USD trong 5-10 năm tới, nhờ lợi thế địa lý, quy mô thị trường và sự bổ trợ lẫn nhau về cơ cấu hàng hóa.
Đặc biệt, khu vực Hoa Đông (Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang) chiếm 30% kim ngạch thương mại song phương, nhưng vẫn còn dư địa lớn. Với hơn 160 triệu dân và hạ tầng thương mại điện tử - logistics phát triển, đây là thị trường tiềm năng nếu các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận bài bản. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư từ Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chế biến sâu và logistics - những ngành giúp nâng cấp nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia của Việt Nam nhìn nhận rằng thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn đóng gói, sở hữu trí tuệ... để phù hợp trong bối cảnh mới. Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, tỷ lệ tận dụng các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn thấp (30%-40%), nguyên nhân không chỉ nằm ở chính sách mà còn do doanh nghiệp yếu năng lực tuân thủ và thiếu chiến lược thị trường rõ ràng. Đây là điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ nếu muốn tăng sức cạnh tranh hàng Việt tại thị trường láng giềng.
Ông Đặng Phúc Nguyên đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các cơ quan có kế hoạch bài bản để nâng chất lượng nông sản Việt. Thay vì đưa ra văn bản chỉ đạo, nhà chức trách nên hỗ trợ nông dân kiểm soát chặt từ vùng trồng, đất canh tác, đến quy trình trồng trọt, đóng gói và kiểm định, nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường láng giềng.
Để duy trì và mở rộng thị phần, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho rằng doanh nghiệp cần chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, đầu tư vào chất lượng và truy xuất nguồn gốc để tránh bị loại khỏi cuộc chơi.
Cùng quan điểm, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng tỷ lệ tận dụng các FTA giữa hai nước chưa cao, khoảng 30-40%, do năng lực tuân thủ của doanh nghiệp và thiếu chiến lược thị trường rõ ràng.
"Đây là điểm nghẽn cần sớm tháo gỡ nếu muốn tăng sức cạnh tranh hàng Việt tại thị trường láng giềng", ông Phú nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Võ Quan Huy, Việt Nam cần tiếp cận thị trường tỷ dân này bài bản và khôn ngoan hơn. Tức là, doanh nghiệp cần đầu tư đúng mức để nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm và xây dựng chuỗi sản xuất, từ chọn giống, làm đất tới đóng gói bao bì, cung ứng chuyên nghiệp hơn.