Xuất khẩu rau quả gặp khó ngay đầu năm 2025 Khai mở những thị trường xuất khẩu mới cho rau quả Việt Nam Xuất khẩu rau quả giảm 3 tháng liên tiếp, cách nào gỡ khó? |
![]() |
Xuất khẩu rau quả giảm 3 tháng liên tiếp, nguyên nhân chính là sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu sầu riêng. |
Xuất khẩu rau quả giảm 3 tháng liên tiếp
Theo số liệu Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) vừa công bố, trong tháng 3/2025, xuất khẩu rau quả ước đạt 421 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm. Xu hướng này trái ngược hoàn toàn so với năm 2024, khi ngành rau quả Việt Nam duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ suốt cả năm. Lũy kế ba tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau quả giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1,1 tỷ USD. Nguyên nhân chính là sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu sầu riêng - mặt hàng chủ lực của ngành.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Vinafruit - cảnh báo nếu tình trạng này kéo dài, xuất khẩu rau quả cả năm nay có thể giảm so với 2024. Nguyên nhân chính đến từ quy định mới của Trung Quốc, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kể từ đầu năm, nước này yêu cầu tất cả lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có kết quả phân tích dư lượng Cadmium và chất vàng O tại các phòng thí nghiệm được công nhận.
Cadmium là kim loại nặng độc hại có thể tích tụ trong thực phẩm, còn chất vàng O là phẩm nhuộm công nghiệp. Cả hai chất này đều bị kiểm soát gắt gao do nguy cơ gây ung thư. Không chỉ Việt Nam, các quốc gia xuất khẩu sầu riêng khác cũng chịu ảnh hưởng, khiến quy trình thông quan kéo dài và trở nên phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, sầu riêng đang vào thời điểm nghịch vụ (từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm nay), dẫn đến sản lượng thấp. Việc kiểm tra toàn bộ lô hàng nhập khẩu vào Trung Quốc càng khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó, một số đã chủ động tạm dừng xuất khẩu sang nước này.
Một đại diện công ty chuyên xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ở khu vực Tây Nguyên bày tỏ lo lắng vì nhiều tháng nay, hoạt động xuất khẩu sầu riêng vẫn chưa thể trở lại bình thường vì vướng phải thủ tục kiểm định chất vàng O. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của công ty trong năm nay.
Bênh cạnh đó, không chỉ Trung Quốc, các thị trường lớn khác như Mỹ và châu Âu cũng đang siết chặt kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu, tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trước những thách thức hiện tại, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch Vinafruit thừa nhận ngành rau quả sẽ gặp khó khăn để đạt mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD trong năm 2025.
Tuy nhiên, “nếu toàn bộ chuỗi giá trị từ nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu đến cơ quan quản lý cùng hành động có trách nhiệm, tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, ngành hàng vẫn có thể đạt được mục tiêu đã đề ra” ông Bình chia sẻ thêm.
Để xuất khẩu rau quả bền vững
![]() |
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Vinafruit. Ảnh TTXVN |
Để xuất khẩu rau quả bền vững, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng vấn đề quan trọng là sản phẩm phải có chất lượng và liên tục được nâng cao để tạo cảm giác mới mẻ, hấp dẫn người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần nắm bắt yêu cầu của từng thị trường và từng bước nâng cao thị phần. Ngoài các sản phẩm rau quả tươi thì cần đầu tư phát triển những sản phẩm chế biến và chế biến sâu. Các bộ ngành cần tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường cho những mặt hàng mới như bưởi, dừa, bơ, na, chanh không hạt...
“Trung Quốc là thị trường rau quả rất tiềm năng và Việt Nam có lợi thế lớn nhưng thời gian qua, chúng ta đã quá tập trung vào thị trường này và chưa tìm kiếm cơ hội ở những thị trường khác. Trong khi đó, Việt Nam đang có tới 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), thế nhưng ngành rau quả chưa khai thác được lợi thế từ các hiệp định này”, ông Nguyên nhận định.
Ông Đặng Phúc Nguyên chỉ ra những thị trường rất tiềm năng cho xuất khẩu trái cây. Năm 2024, Hoa Kỳ đã trên 60 tỷ USD mặt hàng rau quả và Mexico là nguồn cung cấp chủ lực với gần 24 tỷ USD. Hiện nay, Hoa Kỳ đang muốn đánh thuế lên hàng hóa Mexico có thể là cơ hội cho các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam.
Ngoài thị trường Hoa Kỳ, khu vực Đông Á với Hàn Quốc và Nhật Bản đều là những thị trường rất tiềm năng. Năm 2024, Hàn Quốc nhập khẩu rau quả từ Việt Nam với giá trị 315 triệu USD, tăng 39%. Xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 203 triệu USD năm 2024, tăng 15% so với năm 2023. Đây đều là những thị trường cần phải khai thác mạnh hơn nữa trong tương lai.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Vinafruit, Tổng Giám đốc Vina T&T Group chia sẻ trên Báo Người Lao Động rằng, khi tham gia "sân chơi chung", người nông dân bắt buộc phải canh tác rau quả bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có vùng nguyên liệu chất lượng cao, đáp ứng hàng rào kỹ thuật khác nhau của từng nước nhập khẩu. Chẳng hạn, Mỹ cấm dư lượng của 7 hoạt chất, yêu cầu có mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp; châu Âu quy định cấm đến 36 hoạt chất cấm có dư lượng, kiểm tra ngẫu nhiên lô hàng với tỉ lệ 10%; Trung Quốc thường xuyên kiểm tra kim loại nặng, dịch bệnh trên bao bì, bên cạnh các hàng rào kỹ thuật khác.
Còn ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh rằng phải phát triển chất lượng từ gốc để đi vào đa thị trường. Công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong thời gian tới cần đi vào thực chất, phù hợp với từng vùng miền hơn. Đặc biệt, ngành nông nghiệp nói riêng cần chuyển đổi tư duy quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị.
![]() |
![]() |
![]() |