![]() |
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 21 tỷ USD: Nỗ lực vượt sóng thương mại. |
Xuất siêu vượt 5 tỷ USD, nhiều mặt hàng chủ lực tăng tốc
Theo ông Trần Gia Long – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), dù còn đối mặt nhiều thách thức, ngành nông nghiệp đã có sự bứt phá tích cực. Trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 21,15 tỷ USD. Trong đó, nhóm nông sản chính chiếm 11,6 tỷ USD, lâm sản đạt 5,56 tỷ USD, thủy sản đạt 3,09 tỷ USD. Đặc biệt, toàn ngành xuất siêu 5,18 tỷ USD.
Một số mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu: cà phê tăng 67%, hạt tiêu tăng 62%, cao su tăng 32%, hạt điều tăng 27%. Các thị trường trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng – đặc biệt, xuất khẩu sang châu Âu tăng gần 40%, châu Mỹ hơn 12%, Nhật Bản hơn 23%.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng lưu ý đến các thách thức mới. Trong đó, chính sách thuế đối ứng của Mỹ – dù đang tạm hoãn 90 ngày – vẫn có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam so với các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ.
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group – cho biết, kể từ khi Mỹ tạm hoãn áp thuế từ ngày 10/4, đơn hàng xuất khẩu hạt tiêu tăng đột biến, buộc doanh nghiệp phải tăng cường sản xuất 3 ca/ngày. Tương tự, ông Phan Hoàng Duy – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ – chia sẻ, doanh nghiệp đang mở rộng đa dạng hóa thị trường, khôi phục kết nối với các đối tác tại châu Âu, Canada, Nhật Bản và Australia.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ đang triển khai hàng loạt biện pháp thúc đẩy xuất khẩu: xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường, đàm phán mở rộng cửa hàng hóa, xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, kết nối tiêu thụ trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, các quốc gia Hồi giáo Halal...
Ngành thủy sản nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm và thị trường
![]() |
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đồ họa: Phương Anh |
Trước nguy cơ phụ thuộc vào hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra, ngành thủy sản đang từng bước đa dạng hóa đối tượng nuôi. Theo ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, ngành đặt mục tiêu tăng trưởng 4,35% năm 2025 thông qua việc mở rộng nuôi các loài như cá rô phi, lươn, nhuyễn thể, rong biển, bào ngư, hải sâm... Đây là các đối tượng có tiềm năng cạnh tranh cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của nhiều địa phương.
Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045 xác định cá rô phi là đối tượng nuôi trọng điểm, với mục tiêu đạt sản lượng 400.000 tấn, trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai sau cá tra. Trong quý II/2025, ngành sẽ triển khai các mô hình nuôi cải tiến, tăng tỷ lệ sống, tối ưu chi phí sản xuất và giảm tác động đến môi trường.
Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị đang đầu tư công nghệ hiện đại và mở rộng thị trường. Ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – cho biết đang xây dựng nhà máy chế biến tôm xuất khẩu mới ở Cà Mau, tập trung vào thị trường Nhật Bản – thị trường lớn nhất của công ty, tiếp theo là Australia, New Zealand, EU và Mỹ.
Các tín hiệu tích cực cũng đến từ thị trường Nga và Brazil. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Nga đạt gần 45 triệu USD – mức cao nhất trong 10 năm qua. Riêng quý I/2025, xuất khẩu cá ngừ sang Nga tăng 15%, đạt hơn 10 triệu USD. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Brazil đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cá rô phi của Việt Nam, tạo cơ hội lớn cho ngành thủy sản.
Thị trường EU tiếp tục khởi sắc với xuất khẩu tôm đạt hơn 107 triệu USD trong quý I/2025, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Đức, Pháp tăng gần 40%, Bỉ tăng gần 60% – phản ánh tín hiệu phục hồi rõ nét và tiềm năng rất lớn từ khu vực này.
Tại nội địa, các địa phương như Bến Tre và Cà Mau đang dẫn đầu trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Bến Tre kỳ vọng hoàn thành 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao trong quý II/2025 với sản lượng 144.000 tấn. Còn Cà Mau đang phát triển mạnh mô hình tôm-rừng, tôm-lúa, tôm hữu cơ, với sản phẩm đã được chứng nhận quốc tế và chinh phục nhiều thị trường cao cấp.
Những biến động thương mại toàn cầu tuy đặt ra thách thức không nhỏ, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Việc tận dụng hiệu quả cơ hội, đẩy mạnh chế biến sâu, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ và củng cố nội lực chính là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm 2025 của ngành thủy sản nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung.
![]() |
![]() |
![]() |